Cơ hội tăng tốc với ngành thương mại điện tử

Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử sau 2 năm đại dịch đã kéo theo nhu cầu nhân lực chất lượng cao tăng lên.

Sinh viên khoa Thương mại điện tử, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng trong tiết học trình bày phương án kinh doanh. Ảnh: NTCC

Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử sau 2 năm đại dịch đã kéo theo nhu cầu nhân lực chất lượng cao tăng lên. Đây là một trong những ngành dẫn đầu xu hướng và cần nguồn nhân lực lớn trong hiện tại và tương lai. Ngành học này cho sinh viên khả năng đảm nhận nhiều vị trí, cơ hội việc làm đa dạng.

Ngành học xu thế

Qua 2 năm đại dịch, số lượng người mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Cùng đó, các doanh nghiệp tích cực triển khai chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đến năm 2025, tại Việt Nam, TMĐT sẽ đạt giá trị khoảng 33 tỷ USD.

Ông Nguyễn Thành Hưng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam có gần 75% người dùng Internet để tham gia mua sắm trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội và các sàn TMĐT. Theo khảo sát của VECOM, gần 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và TMĐT.

Để bắt nhịp xu hướng tiêu dùng số, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sớm đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số tích hợp để mang đến trải nghiệm tối ưu cho khách hàng, tạo cơ sở chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Công ty CP sản xuất thiết bị điện STC Electronic (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 70% tổng số đầu tư của doanh nghiệp dành cho nhân lực và những phương tiện phục vụ chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Nam Hải - Giám đốc vận hành Công ty TNHH Selly (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), chỉ sau 2 năm vận hành, Selly (nền tảng bán hàng trực tuyến và kênh trung gian giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề về quảng cáo, bán và giao hàng, chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại) đã có gần 70 nghìn cộng tác viên bán hàng, cung cấp 17 ngành hàng, tập trung vào nhóm hàng thời trang, chăm sóc sắc đẹp, tiêu dùng và gia dụng. Doanh số bán hàng năm 2022 đạt hơn 160 tỷ đồng, với hơn 1,7 triệu sản phẩm được bán ra.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện chỉ có 30% nhân lực trong ngành TMĐT được đào tạo chính quy, 55% đến từ các ngành đào tạo gần như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, còn 15% đến từ các ngành nghề khác.

PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Trong xu hướng đang phát triển, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần nhân lực TMĐT, chưa kể các hộ kinh doanh cá thể bán hàng trên mạng cũng cần hiểu biết về lĩnh vực này.

Do tình trạng thiếu hụt nhân lực, ngoài số lượng sinh viên được đào tạo bài bản tại các trường đại học và cao đẳng đầu quân vào các công ty, những người bán hàng nhỏ lẻ phần lớn tìm hiểu TMĐT thông qua sách, báo, Internet, hoặc vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng trình độ vẫn ở mức tay ngang”.

Ảnh minh họa/ INT

Đa dạng vị trí việc làm

PGS.TS Lê Văn Huy nhận xét: “Trên thực tế, bằng việc mua bán trên mạng xã hội Facebook thời gian qua cho thấy, TMĐT bắt đầu có không gian sống ở các vùng nông thôn cả nước. Hàng hóa, chủ yếu là đặc sản địa phương, được mua bán khá rầm rộ. Chứng tỏ ở quy mô toàn quốc, tốc độ tăng trưởng ngành TMĐT của Việt Nam còn lớn gấp nhiều lần hiện nay”.

Theo VECOM, số trường đào tạo ngành TMĐT trình độ đại học trong thời gian qua liên tục tăng nhanh và hiện có 36 trường. Ngoài ra, có 52 trường đã giảng dạy học phần TMĐT tại nhiều ngành liên quan.

Các trường đã giảng dạy học phần liên quan trực tiếp tới thương mại điện tử như tiếp thị số (digital marketing), công nghệ tài chính (fintech), logistics và quản lý chuỗi cung ứng…

Sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có thể đảm nhận vị trí việc làm như chuyên viên marketing online, thiết kế website TMĐT; chuyên viên quản trị, xây dựng và vận hành giao dịch trực tuyến của doanh nghiệp; nhân viên kinh doanh online; phân tích và phát triển hoạt động TMĐT.

Ngoài ra, với chuyên ngành Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh, sinh viên có thể ứng tuyển vào các vị trí như chuyên viên thu thập phân tích dữ liệu lớn cho doanh nghiệp, phân tích tài chính, phân tích mối quan hệ khách hàng, tư vấn – phân tích kinh doanh…

TS Trương Hồng Tuấn - Trưởng bộ môn Thương mại điện tử, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đồng thời nhìn nhận: Trên phạm vi cả nước, có nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo về TMĐT, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng hơn 1 nghìn nhân lực trình độ cử nhân. Nhưng so với nhu cầu thực tế thì con số này quá ít, thiếu về số lượng, chưa bàn đến chất lượng và chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển cho hiện tại và tương lai.

PGS.TS Lê Văn Huy thông tin, nguồn nhân lực ngành TMĐT cần có kiến thức rộng trong nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị và đặc biệt ngoại ngữ. Nhiều sinh viên ra trường có kỹ năng về TMĐT nhưng kiến thức, kinh nghiệm về giao thương hay trình độ ngoại ngữ còn yếu, chưa đáp ứng ngay được nhu cầu của các doanh nghiệp.

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng mô hình thực tế ảo để giúp cho sinh viên thao tác, giao dịch, xử lý ứng dụng nhanh chóng cũng là một trong những hình thức giúp người học nắm bắt tốt kiến thức. Trong chương trình đào tạo, sinh viên có một nửa thời gian học tập tại các doanh nghiệp. Ngoài hơn 10 doanh nghiệp hợp tác thường xuyên, có thêm 20 - 25 doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-tang-toc-voi-nganh-thuong-mai-dien-tu-post670650.html