Cơ hội nào cho lao động nữ lớn tuổi mất việc ở TPHCM?

Tại TPHCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung niên như các dịch vụ tìm người nuôi người bệnh, tìm người giúp việc nhà, live stream bán hàng…

Không trụ lại được TP HCM, chị Thạch Thị Nương (51 tuổi, quê Trà Vinh), công nhân cũ một công ty giày da tại quận Bình Tân, TP HCM, phải về quê.

Làm việc ở công ty 16 năm, trong những đợt cắt giảm trước, chị Nương không nằm trong danh sách. Nhưng đến tháng 9-2023, chị Nương có tên trong danh sách 1.200 lao động mất việc của công ty. Rời nhà máy khi đã lớn tuổi, chị không thể xin việc và lâm vào cảnh thất nghiệp.

Chị Thạch Thị Nương thất nghiệp ở tuổi 51

Chồng chị Nương làm thợ hồ thu nhập bấp bênh, đứa con gái lớn đã đi lấy chồng, còn đứa con trai nhỏ còn đang đi học. Chia sẻ về tâm trạng của một công nhân thất nghiệp, chị Nương thở dài: "Tình hình sản xuất khó khăn, công ty cắt giảm, mình vẫn phải chấp nhận. Dù không muốn nhưng mình cũng không có sự lựa chọn nào khác".

Tại hội thảo "Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên" do Báo Phụ nữ TP HCM phối hợp Hội LHPN TP HCM thực hiện mới đây, bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP - thông tin, TP HCM là một trong những địa phương có lực lượng lao động đông nhất cả nước. Thống kê cho thấy, năm 2023 có trên 4,7 triệu lao động trong các thành phần kinh tế, tỉ lệ nữ chiếm trên 46%. Mỗi năm, thành phố thu hút khoảng 310.000 lượt lao động vào làm việc…

Nhiều lao động lớn tuổi bị mất việc và khó trở lại thị trường lao động

Trong năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh tại một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng chung của tác động suy giảm kinh tế toàn cầu, dẫn đến thiếu hụt đơn hàng, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM đã tiếp nhận và giải quyết 164.929 trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó nữ chiếm 56,3%. Số lao động nữ trên 40 tuổi mất việc chiếm 27,5% trong tổng số lao động nữ thất nghiệp, tập trung nhiều ở lĩnh vực dệt may, da giày, các hoạt động dịch vụ thương mại, hành chính văn phòng...

Là người gắn bó và có nhiều nghiên cứu về doanh nghiệp, thị trường, người lao động, nhà báo Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tỏ ra lạc quan khi nhận thấy các công ty sử dụng nhiều lao động bắt đầu có đơn hàng và tuyển dụng lao động trở lại. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung niên, như các dịch vụ tìm người nuôi người bệnh, tìm người giúp việc nhà.

Cuộc sống đô thị đã và đang thay đổi, cấu trúc công việc phong phú hơn ví thế lao động nữ cũng phải thay đổi

Nhà báo Vũ Kim Hạnh phân tích mặc dù lao động thất nghiệp nhiều nhưng bạn bè trong xóm của bà lại khó khăn khi tìm người giúp việc bởi đối tượng này dường như cũng đang chạy sô. Nhiều người kêu ca không tìm được người giúp việc, trong khi nhiều người thất nghiệp lại không biết đi đâu để tìm việc làm.

"Điều đó cho thấy cuộc sống đô thị đã và đang thay đổi, cấu trúc công việc phong phú hơn. Tuy nhiên, phải làm sao cho cung - cầu gặp nhau, phải làm sao dạy nghề cho người lao động tiếp thu và nhớ được, cũng như làm sao để tạo nên những nhịp cầu tương tác để kết nối cung - cầu một cách nhanh nhất" - bà Vũ Kim Hạnh đặt vấn đề.

Bà cũng chỉ ra, hiện nay, chúng ta có hệ thống bán lẻ, có nguồn lực về công nghệ rộng khắp giúp phát triển hình thức "mama shop" - tự tạo việc ở nhà. Đơn cử như có nhiều bà mẹ vừa đưa võng ru con vừa live stream bán hàng, chốt đơn rất mát tay. Nhiều người live stream xong, gọi shipper trong xóm giao hàng, tự nhiên hình thành mạng lưới phân phối từ khát vọng tạo việc làm để có thu nhập và lợi nhuận.

Theo Người Lao động

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-hoi-nao-cho-lao-dong-nu-lon-tuoi-mat-viec-o-tphcm-post1619113.tpo