Cơ hội mới cho thị trường carbon

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Diện tích rừng của người dân ở huyện Gio Linh. Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN

Diện tích rừng của người dân ở huyện Gio Linh. Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN

Chỉ thị của Thủ tướng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thu nhập của người dân tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, Chỉ thị cũng mở ra cơ hội mới cho phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Để tìm hiểu về những giải pháp thúc đẩy thị trường carbon, phóng viên TTXVN đã có trao đổi với TS Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá của LHQ về biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện chương trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam?

Thị trường carbon ở Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Thứ nhất, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nhu cầu sản xuất cao đồng nghĩa với việc phát thải khí nhà kính nhiều cùng những công nghệ chưa thân thiện môi trường. Do vậy, cơ hội cải thiện nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam khá cao. Ngoài ra, đặc điểm về vị trí địa lý cũng rất quan trọng, bởi Việt Nam là một nước nhiệt đới nên tiềm năng đa dạng hóa năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… có nhiều tiềm năng hơn so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút các nguồn lực tài chính xanh không chỉ tập trung vào hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu với các hiện tượng thời tiết cực đoan, mà còn giúp giảm phát thải nhà kính. Do vậy, nhu cầu và cơ hội để có được thị trường tín chỉ carbon luôn đi song hành theo Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng cần có sự nỗ lực vào cuộc hơn của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan nhằm mục đích đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch khí nhà kính và vận hành thị trường trong tương lai một cách nhuần nhuyễn và đảm bảo hấp dẫn đối với các nhà đầu tư để tiến tới hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ carbon.

Việc triển khai thị trường carbon đóng góp vai trò như thế nào đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, thưa ông?

Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan như các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, để đưa dòng tài chính xanh giúp doanh nghiệp trong nước có thể chuyển đổi xanh. Nguồn vốn xanh nhiều ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đảm bảo thu hồi lợi nhuận, và cũng góp phần vào việc giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Thách thức lớn nhất khi triển khai thị trường carbon tại Việt Nam là gì, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất hiện nay là Việt Nam đang cần xác định được hiện trạng phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp phát thải lớn bởi nếu không xác định được sẽ là trở ngại khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Việc phân bổ hạn ngạch phát thải nhà kính cho doanh nghiệp cần được thực hiện để doanh nghiệp biết quyền và giảm phát thải bao nhiêu nhằm tạo ra hạn ngạch dư thừa tiến tới việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon. Do đó, việc quan trọng lớn nhất ở Việt Nam là phải xác định phân bổ hạn ngạch phát thải khí kính cho doanh nghiệp trong nước đang vận hành và sản xuất.

Theo ông, bên cạnh những cơ hội của thị trường carbon, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ đối diện với những hàng rào tín chỉ carbon như thế nào?

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, Việt Nam phải đối diện với một số các vấn đề liên quan đến những rào cản về mặt thương mại, xuất khẩu, nhất là sau khi Liên minh Châu Âu đã ban hành Cơ chế carbon điều chỉnh biên giới (CBAM) trong năm 2023. Do đó, các hàng hóa trong một số các ngành hàng được quy định bởi Liên minh Châu Âu, chẳng hạn như là sắt, thép, xi măng, phân bón, hydro và điện, xuất khẩu vào châu Âu nếu không bị đánh thuế carbon ở nước sở tại thì cũng sẽ bị đánh thuế tại biên giới của châu Âu với một tấn CO2 quy đổi tương đương là tương đương gần 100 USD. Việc doanh nghiệp Việt Nam đang nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có khách hàng là các đối tác ở châu Âu sẽ có nguy cơ sẽ bị đánh thêm loại thuế này. Nếu doanh nghiệp bỏ chỉ phí thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải khí nhà kính hoặc mỗi vụ án tín chỉ carbon bù đắp tại Việt Nam, thì sẽ không bị đánh thuế tại Châu Âu. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đầu vào để tập trung sản xuất mà cũng giúp doanh nghiệp có động lực hơn để chuyển đổi xanh, giúp hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng hóa trên thế giới.

Ngoài Liên minh châu Âu đã đưa ra cơ chế CBAM, một số quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Anh, Australia và một số quốc gia khác cũng đã hình thành những cơ chế tương tự. Động thái này có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam cần phải trang bị kiến thức cũng như có đo đạc, tính toán về cường độ phát thải khí nhà kính trên mỗi đầu sản phẩm để giúp các mặt hàng tránh rào cản thương mại, qua đó tạo tính cạnh tranh, độ nhận diện thương hiệu. Thương hiệu bền vững không chỉ tốt, rẻ mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội và môi trường. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, để từ 5-10 năm tới hàng hóa Việt Nam có thể thuận lợi giao thương và tạo được danh tiếng nhất định trên thị trường toàn cầu.

Bộ Tài chính đang trình dự thảo xây dựng một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Theo ông, sàn giao dịch này cần được vận hành như thế nào để đảm bảo được vai trò điều tiết của nhà nước nhưng vẫn đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp?

Bộ Tài chính là cơ quan phù hợp để làm đầu mối xây dựng và quản lý sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đề án này cũng đang gấp rút triển khai, về mặt nguyên tắc một sàn giao dịch sẽ dễ dàng được thông qua đặc biệt trong xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, việc trao đổi, mua bán khá dễ dàng và thuận lợi. Tuy nhiên, để thiết lập được một hệ sinh thái bao gồm các bên liên quan từ bên đơn vị lưu ký, đăng ký mua bán tín chỉ cho đến những đơn vị khớp lệnh hoặc là môi giới, đòi hỏi sự hiểu biết sâu về sản phẩm đặc thù này. Bởi tín chỉ carbon, một loại hàng hóa vô hình giống như cổ phiếu, để mua bán thuận lợi vẫn cần phải có nhiều quy định pháp lý, xác định rõ đơn vị sở hữu hay giá trị tài sản.

Thùy Linh/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/co-hoi-moi-cho-thi-truong-carbon--20240522154410806.htm