Cơ hội mới cho những bạn trẻ yêu thích game

Từ mùa tuyển sinh năm 2024, Việt Nam chính thức mở ngành đào tạo công nghệ game. Thông tin trên thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận và đặc biệt, học sinh, phụ huynh.

Điều này cũng sẽ giúp xã hội dần thay đổi cách nhìn nhận về game khi nó trở thành một ngành đào tạo chính quy; học để làm nghề, để lập thân, lập nghiệp.

Tuyển 200 chỉ tiêu cử nhân game đầu tiên

Trên thế giới đã có trên 100 trường đại học, bao gồm cả những đại học tốp đầu đang đào tạo ngành game nhưng ở Việt Nam, trải qua thời gian dài rậm rịch thì chính thức vào tháng 9 năm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ tuyển sinh 200 chỉ tiêu chuyên ngành Công nghệ game (trò chơi điện tử). Dự kiến, đây là chương trình đào tạo chính quy và chuyên sâu về game đầu tiên tại Việt Nam, giúp đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng thiết kế và phát triển game ở trình độ cao.

TS Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, việc đào tạo các môn học liên quan đến game đã được học viện triển khai từ những năm 2010 trong chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ đa phương tiện. Những môn học đó dù chưa giải quyết tổng thể vấn đề đào tạo nhân lực ngành game nhưng là tiền đề quan trọng để học viện thiết kế chương trình đào tạo chuyên về game.

Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Nam Du

Game là một chương trình khoa học liên ngành nên việc thiết kế chương trình phải đảm bảo hài hòa các khối kiến thức từ cơ bản, cơ sở đến chuyên ngành, giúp người học có thể đáp ứng ngay các yêu cầu tuyển dụng của DN. Theo đó, chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ game được xây dựng theo quy trình CDIO dựa trên khảo sát kỹ lưỡng các yêu cầu tuyển dụng của DN, đồng thời tham khảo chương trình đào tạo game của các trường đại học hàng đầu đào tạo về game như Newyork University, Unversity of Southern California hay Digipen Institure of Technology.

Trong cấu trúc của chương trình, các khối kiến thức đều có sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và khoa học xã hội như tâm lý, văn hóa, đặc biệt là kiến thức về pháp luật, an toàn bảo mật để định hướng sinh viên tốt nghiệp làm những game không chỉ thu hút người chơi mà còn an toàn, lành mạnh.

Thời lượng đào tạo dự kiến của chương trình là 4 năm, hướng tới hai nhóm vị trí công việc là các nhà thiết kế game (Game designer) và phát triển game (Game developer) có khả năng làm việc tại các game studio tại Việt Nam hoặc có thể chủ động khởi nghiệp với các game riêng của mình.

Sinh viên theo học ngành học này được đào tạo kiến thức, tư duy sáng tạo nội dung các game, những định hướng tích cực, thiên hướng về game học tập; sử dụng được các công nghệ, ứng dụng đa phương tiện,... để xây dựng hiệu ứng cho game...; qua đó sẽ cung cấp nguồn nhân lực thiết kế game, có thể tham gia thị trường công nghệ game của thế giới.

Khi học ngành Công nghệ game, sinh viên sẽ được tham gia chương trình thực tập ngay từ năm thứ nhất. Các em được tiếp cận kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về game từ nội dung đến các công cụ thiết kế. Trong quá trình đào tạo, học viện cũng sẽ định hướng các em sản xuất ra những game mang thương hiệu Việt Nam, thiên hướng tích cực.

Ngành game đang khát nhân lực

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành game toàn thế giới ước tính đạt 187,7 tỷ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành game tăng từ 2,4 tỷ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỷ USD năm 2023.

Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đặt kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game sẽ tăng lên con số 1 tỷ USD so với hiện nay là hơn 600 triệu USD. Do vậy, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành game nói chung và ngành Thể thao điện tử nói riêng.

Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Cao Minh Thắng cho hay, tiềm năng phát triển ngành game tại Việt Nam hiện nay rất lớn. Đây sẽ là ngành công nghiệp có những bước phát triển nhanh và đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS Cao Minh Thắng, hiện các DN Việt chủ yếu đóng vai trò nhà phát hành game hơn là sản xuất, do đó tỷ trọng đóng góp cho ngành game đang không tương xứng với doanh thu. Việc được đào tạo bài bản sẽ tạo ra các chuyên gia trình độ cao, có khả năng thiết kế kịch bản và phát triển game ở các quy mô khác nhau, từ đó tạo ra những game lành mạnh và đem lại doanh thu lớn cho Việt Nam.

Với những cột mốc phát triển quan trọng, ngành game ở nước ta có cơ hội trở thành một ngành xuất khẩu có giá trị cao. Tuy nhiên, toàn ngành hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và phát triển chưa tương xứng.

Tại Diễn đàn quốc gia ngành game Việt năm 2023, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhấn mạnh, chuyển đổi số và ngành Công nghiệp game là 1 trong 8 lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp Việt Nam có những bước phát triển đột phá, góp phần vào mô hình đổi mới sáng tạo.
Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Điều này được thể hiện qua doanh thu ngành game ở nước ta đã vượt 500 triệu USD và đứng thứ 5 tại Đông Nam Á, hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với sản phẩm game.

Ngành Công nghệ game không phải là ngành chơi game hay tuyển vào để đào tạo chơi game. Ngành học này hướng tới việc đào tạo cho học viên kỹ năng thiết kế, xây dựng, phát triển các game và các hoạt động liên quan đến game…
Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Đặng Hoài Bắc

Với những cột mốc phát triển quan trọng, ngành game có cơ hội trở thành một ngành xuất khẩu có giá trị cao, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo của khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại diện Bộ TT&TT chia sẻ, mặc dù ngành game rất phù hợp trong nhiều lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0 và có thể dễ dàng thu ngoại tệ nhưng ngành game hiện vẫn nhận không ít định kiến từ xã hội; điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý của người học game, làm game nên nguồn nhân lực ngành này đang thiếu hụt.

Một số chuyên gia uy tín trong ngành game dự báo, số lượng nhân sự ngành game khi quy mô doanh thu lên tới 1 tỷ USD sẽ vào khoảng 30.000 người bao gồm cả các công việc full time (toàn thời gian), part time (bán thời gian) hoặc freelancer (làm tự do).

Với trên 200 DN sản xuất game hiện nay tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng riêng cho nhóm công việc này có thể lên đến hàng nghìn nhân sự. Với đà phát triển đó, con số này sẽ còn tăng trong những năm tới.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-hoi-moi-cho-nhung-ban-tre-yeu-thich-game.html