Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Sóc Trăng đưa gạo, tôm, bánh pía sang Trung Quốc

Năm 2023, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam về mặt hàng gạo, trong đó có gạo ST25 của Sóc Trăng. Còn bánh pía là loại thực phẩm được du khách Trung Quốc ưa chuộng và mua làm quà.

Sáng 20/3, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và Sóc Trăng. Đã có hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp của 2 bên tham dự, thảo luận để tìm hướng hợp tác đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, địa phương này là một trong 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cách trung tâm vùng (TP Cần Thơ) 60 km và cách sân bay Cần Thơ khoảng 1 giờ 30 phút di chuyển bằng ôtô (khoảng 70 km). Với 72 km bờ biển, Sóc Trăng có tiềm năng phát triển kinh tế biển và ven biển.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Duy Khang.

Quy mô nền kinh tế (GRDP) của tỉnh Sóc Trăng khoảng 3 tỷ USD, trong đó khu vực I chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế với 41%, khu vực II 15% và khu vực III 40%. Hiện, Sóc Trăng đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp với động lực chính là Cảng biển nước sâu Trần Đề.

Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sóc Trăng đang hội tụ rất nhiều lợi thế cạnh tranh, điều kiện thuận lợi để thu hút, triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thông qua chương trình gặp gỡ của doanh nghiệp Trung Quốc và Sóc Trăng, lãnh đạo địa phương kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Tỉnh Sóc Trăng mong muốn nhân chuyến thăm của Tổng lãnh sự lần này, cùng với quý doanh nghiệp đến tìm hiểu, tham gia đầu tư tại Sóc Trăng, có cơ hội hợp tác mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa nông sản của Sóc Trăng đến thị trường Trung Quốc”, ông Trần Văn Lâu nhấn mạnh.

Trình bày về thế mạnh và tiềm năng phát triển của địa phương, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói rằng tỉnh hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, có lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, nhất là các ngành như nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistic, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch…

Lãnh đạo 50 doanh nghiệp Trung Quốc và hơn 50 doanh nghiệp của tỉnh Sóc Trăng đã tham dự buổi gặp gỡ. Ảnh: Duy Khang.

Theo ông Lâm Hoàng Nghiệp, Sóc Trăng có một số sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng như hành tím Vĩnh Châu, gạo thơm ST25. Trong đó, thương hiệu gạo ST25 được thị trường rất ưa chuộng và đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Đặc biệt, cảng biển Trần Đề cùng tuyến cao tốc đường bộ, cầu Đại Ngãi… đang trong quá trình xây dựng sẽ hình thành nên một mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông, thủy sản; tạo sức hút đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, logistic…

Với lợi thế được quy hoạch cảng cửa ngõ của vùng tại Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng trở thành động lực phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác lợi thế hành lang ven sông Hậu, kết nối khu vực kinh tế biển, từng bước đô thị hóa huyện Trần Đề, Long Phú.

Về nông nghiệp công nghệ cao, Sóc Trăng phát triển theo hướng xanh, bền vững, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong, ngoài nước; ưu tiên thu hút các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp kết hợp chế biến, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đối với du lịch, Sóc Trăng phát triển theo định hướng khai thác thế mạnh du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Thời gian tới, Sóc Trăng sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề dịch vụ thương mại chất lượng cao, kết hợp với các dự án du lịch nhằm phát triển và hoạt động đồng bộ các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Tường Việt.

Trao đổi tại buổi gặp gỡ, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết, tỉnh Sóc Trăng rất có tiềm năng về cả quy hoạch, kinh tế, xã hội. Tỉnh này đã nhanh chóng khắc phục được sự ảnh hưởng của dịch bệnh để phát triển kinh tế, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Sóc Trăng cũng được cải thiện trong năm qua.

Theo ông Ngụy Hoa Tường, Trung Quốc là thị trường siêu lớn, với 1,4 tỷ dân. Năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỷ USD, chiếm 23%. Năm 2023, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam về mặt hàng gạo, trong đó có gạo ST25 của Sóc Trăng. Đầu năm 2024, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng gấp 3 lần, riêng mặt hàng tôm tăng gấp 4 lần cùng kỳ.

Theo Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, những số liệu thống kê cho thấy, mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Cả Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tiếp tục thúc đẩy việc xuất khẩu mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc qua đường chính ngạch. Riêng mặt hàng dừa xiêm xuất sang Trung Quốc có thể đạt với 1 tỷ USD. Bánh pía của tỉnh Sóc Trăng đã trở thành món quà của người Trung Quốc khi sang Việt Nam.

“Chúng tôi thường mua bánh pía mang về Trung Quốc. Thông qua bánh pía mà chúng tôi biết đến tập đoàn Tân Huê Viên. Chúng tôi luôn hoan nghênh các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tôi mong muốn qua buổi hôm nay, chúng ta sẽ có những sự hợp tác mạnh mẽ và thiết thực hơn”, ông Ngụy Hoa Tường nói.

Ông Ngụy Hoa Tường cho biết, ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã rất nhiều lần trao đổi với các doanh nghiệp Trung Quốc để chuẩn bị cho chương trình gặp gỡ giữa doanh nghiệp hai nước. Ông mong muốn buổi gặp gỡ hôm nay trở thành thông lệ của 2 bên, ít nhất mỗi năm một lần.

Buổi gặp gỡ là cơ hội tìm hiểu, hợp tác giữa doanh nghiệp Trung Quốc và tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tường Việt.

Đáp lời Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, tiến sĩ Trần Khắc Tâm nói rằng để có được hội nghị gặp gỡ hôm nay, 2 bên đã có thời gian chuẩn bị chu đáo, với sự hỗ trợ tích cực của ông Ngụy Hoa Tường và sự ủng hộ của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng. Ông Trần Khắc Tâm tin rằng đây là sự kiện được chờ đợi của đông đảo doanh nhân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các doanh nhân Trung Quốc.

“Cho tôi được bày tỏ sự cảm kích tới ngài Ngụy Hoa Tường. Với cá nhân tôi thì ngài là người bạn cũ chân tình, tin cậy. Với Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long và Sóc Trăng nói riêng, ngài là một cán bộ ngoại giao gần gũi, cởi mở, tận tụy đóng góp hết sức mình cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Trung trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cuộc gặp mặt của chúng ta hôm nay chính là xuất phát từ gợi ý thịnh tình của ngài Tổng lãnh sự”, tiến sĩ Trần Khắc Tâm nói.

Theo ông Trần Khắc Tâm, buổi gặp gỡ hôm nay được chính là việc góp phần cụ thể hóa tầm nhìn, định hướng quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam – Trung Quốc vì sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân hai nước, đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước cam kết, thể hiện qua phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các chuyến thăm cấp cao gần đây.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan chức năng sẽ giới thiệu với những người bạn nước láng giềng về tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, cơ chế chính sách nổi bật… để các doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu, nhận biết cơ hội đầu tư, kinh doanh.

“Chúng tôi mong đợi rằng sau hội nghị này Sóc Trăng sẽ đón nhận được những dự án tốt từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chúng tôi xin hứa luôn là cầu nối tin cậy giữa các đồng nghiệp, các doanh nghiệp Trung Quốc khi đến Sóc Trăng với các đồng chí lãnh đạo và cơ quan chức năng trong tỉnh. Nhân đây tôi cũng xin trích dẫn lại lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thường nói với các nhà đầu tư nước ngoài là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng đã, đang và sẽ là địa chỉ tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài”, tiến sĩ Trần Khắc Tâm chia sẻ.

Ông Thái Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm bánh pía – lạp xưởng Tân Huê Viên, chia sẻ những mong muốn của doanh nghiệp đối với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM. Ảnh: Duy Khang.

Là doanh nghiệp nổi tiếng về sản xuất bánh pía, ông Thái Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm bánh pía – lạp xưởng Tân Huê Viên mong muốn Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm theo đường chính ngạch vì hiện nay công ty vừa xuất theo 2 đường khẩu tiểu ngạch và chính ngạch nên rất “lộn xộn”. Trên mạng xã hội tại Trung Quốc có rao bán bánh pía mang nhãn hiệu Tân Huê Viên nhưng không phải là sản phẩm của công ty Tân Huê Viên tại Sóc Trăng.

“Tại buổi gặp gỡ này, tôi được một lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc nói rằng đã mua bánh pía trên mạng nhưng ăn không ngon. Khi đến tham dự buổi gặp gỡ này, vị lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc được dùng bánh pía Tân Huê Viên và khen rất ngon”, ông Thái Tuấn bày tỏ.

Duy Khang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/co-hoi-lon-cho-doanh-nghiep-soc-trang-dua-gao-tom-banh-pia-sang-trung-quoc-c2a70591.html