Cơ hội hóa rồng của nền kinh tế Việt Nam

Công cuộc Đổi mới, mở cửa nền kinh tế, đã giúp Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn và đang vươn lên.

Thăng Long - Rồng bay và khát vọng của tiền nhân

Hơn một ngàn năm trước, vào mùa xuân năm 1010, Lý Công Uẩn, vị vua khai sinh vương triều Lý, có chuyến về thăm quê nhà ở Cổ Pháp, nay là thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Chuyến đi lịch sử này được thực hiện sau khi ông lên ngôi chỉ vài tháng (2/11 năm Kỷ Dậu, tức 21/11/1009) để nhằm khảo sát lại lần cuối địa điểm dự kiến xây dựng kinh đô mới.

Nhìn lại lịch sử, thế kỷ X là thời gian của những bất ổn, tranh giành quyền lực, của những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để gìn giữ và khẳng định nền độc lập dân tộc. Lý Công Uẩn lên ngôi và hiểu rất rõ sứ mệnh của mình. Trước khi nắm đại quyền, ông được nhiều bậc thiền sư trí thức Phật học uyên thâm nhất thời đó đào tạo cẩn thận, bài bản, cộng với tư chất thiên phú, nên đã có tầm nhìn vượt trội khác thường.

Lên ngôi vua, ông nắm bắt yêu cầu của thời đại, hiểu rõ trọng trách đặt trên vai mình: Phải xây dựng đất nước trên quy mô lớn, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, mở mang văn hóa... Với tầm nhìn cao rộng, ông nhận thấy kinh đô Hoa Lư địa thế núi non hiểm trở đã không còn phù hợp nữa. Qua chuyến hồi hương kiểm nghiệm lại thực địa, ông đã vững tay hạ “Chiếu dời đô”. Các nhà sử học, văn hóa đã không biết bao nhiêu lần phân tích, suy ngẫm về “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ, để rồi mỗi lần lại nhận ra những giá trị mới.

Trong “Chiếu dời đô” có đoạn: “Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Theo truyền thuyết, khi thuyền của nhà vua vừa cập bến sông dưới thành Đại La thì có một con rồng vàng xuất hiện. Rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô trên vùng đất này rồi bay lên mây cao. Vì thế vua mới xuống chiếu đổi tên thành Đại La ra thành Thăng Long. Đây là một cái tên đẹp, hàm chứa niềm tin tưởng và lòng tự hào về vùng đất đã chọn để đóng đô mới. Thăng Long có nghĩa là “rồng bay lên”, mà rồng cũng là biểu trưng của đế vương, hơn thế là khát vọng xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ, hùng mạnh sánh vai với các cường quốc.

Rồng trong quan niệm của người Việt

Với người Việt, rồng là linh vật đặc biệt. Sự tích “Con Rồng cháu Tiên”, đã có từ ngàn đời, lưu truyền trong dân gian và là niềm tự hào dòng máu Việt Nam. Trong tứ linh, rồng đứng đầu. Chính vì vậy mà rồng tượng trưng cho quyền lực, quyền lãnh đạo tối cao, hơn thế, còn là một biểu trưng cho sự hưng thịnh của đất nước.

Theo quan niệm của người Việt cổ, rồng là con của trời, có thể làm ra mưa, mang đến mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, khí trời mát mẻ. Rồng có khả năng điều hòa nguyên khí của đất trời, ban phát sự tốt lành cho trần gian. Rồng là biểu tượng của sức mạnh vô biên, giúp cho con người làm ăn phát đạt nên nó có ý nghĩa tối cao trong phong thủy.

Thời phong kiến, rồng là biểu tượng quyền lực của người đứng đầu đất nước. Vua còn được gọi là thiên tử, ý chỉ con trời. Vì vậy, trên trang phục, ấn tín, các đồ dùng của nhà vua đều khắc họa hình nét rồng. Kiến trúc cung điện, lăng tẩm của vua chúa thời xưa cũng đặc biệt chú trọng sử dụng hình tượng con Rồng. Trong các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, hình tượng rồng được khắc họa nhiều trong các đình, chùa, miếu mạo… Rồng được dân gian đưa vào nơi thờ tự, thường xuất hiện trong tư thế nằm chầu, nghĩa là sẵn sàng bảo vệ, che chở, phục vụ. Rồng lượn bay trên mái đình. Rồng uốn cong theo cột xây chùa. Rồng nằm chầu bên tượng Phật. Đầu rồng nâng bước chân Phật Bà Quan Âm giữa sóng gió biển khơi…

Ngoài khả năng thu hút tài lộc, tượng rồng phong thủy còn có khả năng diệt trừ cái xấu, hóa giải tà khí. Đầu rồng thời Lý được tìm thấy trong khu vực khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long được coi là bảo vật quốc gia không chỉ đặc sắc bởi nghệ thuật tạo hình mà còn là cổ vật tâm linh của người Việt.

Rồng tượng trưng cho quyền lực, cho sự hưng thịnh của quốc gia nên trên con đường chấn hưng, canh tân theo chuẩn mực ngày nay là xây dựng nước nhà có một nền kinh tế hùng mạnh với nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, được gọi là hóa Rồng. Đây chính là những điều mà người Hàn Quốc, người Singapore, người Đài Loan đã làm được chỉ sau mấy chục năm hòa bình và hợp tác thông minh, hiệu quả với các nước phát triển. Đây cũng chính là điều mà người Việt Nam còn trăn trở.

Con đường hóa rồng của Việt Nam

Sau gần 40 năm Đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện. Trước đó, Việt Nam là một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Hơn thế nữa, là vướng vào những bế tắc trong lý luận phát triển để rồi cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng kinh tế - xã hội đã diễn ra gay gắt, lạm pháp phi mã, đời sống hết sức khó khăn, tình trạng thiếu lương thực diễn ra triền miên, khoảng ¾ dân số sống ở mức nghèo khổ.

Đường lối Đổi mới có nhiều nội dung, nhưng tựu chung lại là: Thừa nhận kinh tế thị trường nhiều thành phần; Trao quyền mưu sinh, làm kinh tế cho người dân và cả đảng viên; Mở cửa nền kinh tế để thu hút các nguồn lực từ nước ngoài vào đầu tư và tạo điều kiện cho người Việt ra nước ngoài mưu sinh; Xây dựng môi trường pháp lý minh bạch để các doanh nghiệp trong và ngoài nước yên tâm đầu tư làm giàu… Nhờ những chính sách đó, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, trung bình khoảng gần 7% mỗi năm. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau 37 năm Đổi mới, đến năm 2023, quy mô GDP Việt Nam đạt xấp xỉ 450 tỷ USD, tăng khoảng 50 lần. Đặc biệt, giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam lọt vào Top 5 nước có quy mô kinh tế tăng trưởng nhiều nhất thế giới. Với quy mô đó, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 4.500 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác, đứng hàng đầu thế giới.

Công nghiệp đất nước phát triển khá nhanh, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD.

Chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển đã giúp cho văn hóa, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh. Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và viễn thông. Bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần được nhận diện và hóa giải. Kinh tế Việt Nam có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn nếu như chúng ta tháo gỡ tốt hơn những vướng mắc, những điểm nghẽn về phát triển.

Trước hết, đó là điểm nghẽn trong bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng hoạt động kém hiệu quả. Điểm nghẽn thứ hai là tình trạng lãng phí, tham nhũng, tắc trách gây lãng phí nguồn lực. Năm qua cũng là năm mà nhiều vụ đại án đã được đưa ra ánh sáng với hàng trăm ngàn tỷ thất thoát. Những công trình trọng điểm quốc gia bị kéo dài tiến độ, chậm được đưa vào khai thác… Những vướng mắc trong chính sách về đất đai chưa phù hợp với thực tiễn và chi phí tài chính cao cũng đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Một điểm nghẽn nữa cũng không kém phần quan trọng, đấy là tình trạng kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực mất cân đối. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước nhưng về hạ tầng còn rất yếu kém, thiếu đồng bộ, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong một phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai; phối hợp giải quyết các thủ tục liên quan về đất rừng, nguồn vốn… để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tăng tốc phát triển cho nền kinh tế.

Bài học lịch sử cho thấy, khi chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận diện được những vướng mắc, những lực cản, chúng ta có thể tháo gỡ được những vướng mắc đó. Đặc biệt là khi có sự đồng thuận và hợp tác có hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đó cũng là điều kiện nền tảng để nền kinh tế Việt Nam hội tụ với cơ hội của thời đại mà tăng tốc phát triển, để có thể hóa Rồng, như khát vọng ngàn năm nay của cả dân tộc, cũng như mong muốn cháy bỏng của Bác Hồ.

Theo Phan Thế Hải/Nhà đầu tư

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/co-hoi-hoa-rong-cua-nen-kinh-te-viet-nam-202130.html