Cơ hội điều trị khỏi lao siêu kháng thuốc

Mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 4.000 trường lợp lao đa kháng thuốc và hàng nghìn trường hợp lao siêu kháng thuốc hết hy vọng được điều trị.

Tuy nhiên, một loại thuốc có tên Sirturo (Bedaquiline) được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt đã mở ra một tia hy vọng mới cho bệnh nhân mắc lao siêu kháng thuốc. Việt Nam có thể là quốc gia đầu tiên được lựa chọn để thử nghiệm loại thuốc này.

Tư vấn cho bệnh nhân lao tuyến xã. Ảnh: Tuấn Kiệt.

Sắp cạn nguồn để điều trị lao

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện Việt Nam được xếp thứ 14 trên tổng 27 quốc gia trên thế giới có tình hình mắc lao đa kháng thuốc cao.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Phó giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, Việt Nam có khoảng 3.700 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc cần điều trị. Số bệnh nhân lao được phát hiện khoảng 1.000 trường hợp/1 năm, số mắc mới khoảng 200.000/năm. Số chết do lao là gần 30.000/năm. Tổng số cộng dồn sau 10 năm Việt Nam có khoảng 1,1 triệu người mắc bệnh lao. Mỗi năm Chương trình Phòng chống lao quốc gia (PCLQG) đã chữa khỏi cho 92% số bệnh nhân mới phát hiện.

Lao đa kháng thuốc là bệnh lao kháng với đa số loại thuốc điều trị lao thông thường. Thuốc điều trị lao đa kháng thuốc có đặc điểm là đắt tiền hơn, liều điều trị cao hơn nhưng hiệu quả đôi khi không cao vì bệnh nhân đã kháng quá nhiều thuốc. Thuốc khá đắt tiền, nếu điều trị lao thông thường chỉ mất từ 50-70 USD/ca, thì thuốc điều trị lao đa kháng thuốc phải mất từ 2.300 - 2.500 USD/ca điều trị (tương đương 50 triệu đồng).

“Ngoài ra bệnh nhân phải điều trị dài, tác dụng phụ nhiều hơn, hiệu quả thấp hơn, thì việc điều trị cũng tốn rất nhiều công sức vì ngoài bác sĩ điều trị cũng cần có người giám sát tại cộng đồng. Đấy là chưa kể tới việc bệnh nhân mất sức lao động, tốn công chăm sóc của người nhà… ước tính điều trị lao đa kháng thuốc tốn kém hơn lao bình thường cả trăm lần” - BS Nhung nói.

Theo TS Nhung, thách thức lớn nhất trong điều trị lao chính là việc tới đây, năm 2015 chúng ta mất nguồn hỗ trợ từ Quỹ lao toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này Chương trình PCLQG đã tính đến việc vận động nguồn lực từ Chính phủ, đồng thời kêu gọi các tỉnh chủ động nguồn ngân sách. Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế hỗ trợ tài chính từ phía BHYT. Theo tính toán BHYT có thể phải chi trả từ 100 - 150 tỷ đồng cho điều trị bệnh lao mỗi năm.

Trông chờ thuốc mới

Theo TS Nhung, có 4 quốc gia đang được lựa chọn để dùng thử nghiệm thuốc Sirturo là Việt Nam, Philippines, Brazil, Belarus. Trong đó Việt Nam có khả năng được lựa chọn đầu tiên vì được đánh giá cao hơn hẳn bởi tính chủ động, sẵn sàng nhập cuộc.

Nói về việc sử dụng Sirturo, TS Nhung cho rằng: “Đây là loại thuốc được phê duyệt có điều kiện, khi không còn loại thuốc nào thay thế nên việc sử dụng sẽ được WHO sẽ hướng dẫn bằng chính sách và phác đồ cụ thể”.

Mặc dù FDA đã phê duyệt đồng ý cho sử dụng Sirturo nhưng vẫn còn khá nhiều tranh cãi xung quanh tính an toàn của thuốc. Chính vì vậy, FDA yêu cầu đơn vị sản xuất phải ghi cảnh báo đỏ trên vỏ hộp thuốc: “thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện học của tim, dẫn tới nhịp tim bất thường và có thể gây tử vong”. Trong khi đó, nhiều gia đầu ngành và Hội bảo vệ người tiêu dùng Mỹ vẫn đang kêu gọi FDA hủy bỏ việc phê duyệt Surturo.

Thừa nhận những thách thức, nguy hiểm trong việc ứng dụng thuốc mới, ông Nhung nhận định: “Việc quan trọng nhất là phải lựa chọn trường hợp thích hợp để sử dụng thuốc. Chỉ những bệnh nhân siêu kháng thuốc - kháng đa loại thuốc, không còn có khả năng cứu chữa bằng các loại thuốc khác, mới nên đưa vào thử nghiệm dùng thuốc Sirturo. Sử dụng Sirturo là sự lựa chọn cuối cùng”.

Hiện nay nhóm chuyên gia đang chuẩn bị đưa ra những hướng dẫn đánh giá trước khi sử dụng, dự đoán xem có bao nhiêu trường hợp có thể sử dụng, và khi sử dụng cần phối hợp với những thuốc nào… Nếu được thử nghiệm dùng Siruto, Việt Nam phải có trách nhiệm thu nhập lại các dữ liệu về tác dụng diệt khuẩn và tính an toàn cho nhóm chuyên gia và WHO xem xét. Từ đó, nhóm chuyên gia quyết định xem thuốc Sirturo có thể dùng đại trà hay dùng trong giới hạn.

Tháng 2.2014, WHO sẽ có một phiên họp tại Việt Nam bàn kế hoạch cụ thể về việc sử dụng Sirturo tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đã đồng ý thuốc sử dụng thuốc Sirturo theo dự án thí điểm.

Tiến sĩ Lê Reichman, Giám đốc điều hành Viện lao của Trường Đại học Y New Jersey (Hoa Kỳ) cũng cho biết, khi đưa vào thử nghiệm, cần phải giải thích thật kỹ cho người bệnh, đồng thời yêu cầu bệnh nhân ký giấy đồng ý sử dụng. Ông mô tả thuốc này là bước quan trọng trong sự phát triển của hoạt chất mới cho “căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng”. TS Lê khẳng định: “Sirturo là loại thuốc đầu tiên điều trị lao đa kháng thuốc, là cứu cánh cuối cùng của bệnh nhân lao siêu kháng thuốc. Do đó, nếu thử nghiệm thành công, sẽ giảm được tỷ lệ tử vong do bệnh lao”.

Minh Nguyệt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/loi-song-suc-khoe/co-hoi-dieu-tri-khoi-lao-sieu-khang-thuoc/20131228111336202p1c31.htm