Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc

Bất ổn ở biển Đỏ gây nhiều khó khăn cho các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ khi xuất hàng về châu Á, do đó mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc, nhất là mặt hàng sầu riêng, thanh long, mít, chuối, xoài…

Doanh nghiệp kín đơn hàng

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 1.2024, xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả mang về trên 510 triệu USD, tăng tới 89% so với tháng 1.2023; sang tháng 2.2024, kim ngạch đạt 460 triệu USD, tăng 56% so với tháng 2.2023.

Nhìn chung, xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh tới hơn 70%, đạt giá trị 970 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: dừa tươi, thanh long, bưởi, chuối, chanh dây, xoài, sầu riêng. Về thị trường, xuất khẩu rau quả sang các thị trường nổi tiếng khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 65% thị phần.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau quả có mở đầu khá thuận lợi do nhu cầu hàng hóa cho Tết Nguyên đán của Trung Quốc tăng cao và đóng góp mạnh mẽ của mặt hàng sầu riêng. Cùng với đó, tình hình khủng hoảng biển Đỏ khiến một số loại rau quả của các nước Trung Đông, Nam Mỹ, châu Âu không thể xuất sang Trung Quốc kịp thời - điều này làm tăng nhu cầu nhập rau quả Việt Nam của Trung Quốc.

Tình hình đơn hàng rau quả đi các thị trường có dấu hiệu tăng, nhiều doanh nghiệp đang kín đơn hàng. Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết đã kín đơn hàng sầu riêng nhưng hiện đã vào cuối vụ, doanh nghiệp không có đủ hàng để xuất khẩu. Các đơn hàng bưởi, xoài, vú sữa... vẫn xuất khẩu tốt.

Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cũng thông tin, từ đầu năm đến nay, các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đi Trung Quốc, Mỹ vẫn ổn định, đều đặn, tăng trưởng tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước.

hội từ thị trường Trung Quốc

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyêndự báo, xuất khẩu rau quả năm nay có thể tăng trưởng 15 - 20%, kim ngạch đạt 6,5 - 7 tỷ USD.

Lý giải dự báo này, ông Nguyên cho rằng, khủng hoảng biển Đỏ và tình trạng kênh đào Panama bị cạn kiệt đã gây khó khăn cho các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ khi xuất hàng về châu Á vì phải đi đường vòng. Điều này làm tăng số ngày vận chuyển từ 15 - 18 ngày, đẩy chi phí logistics tăng cao nhưng chất lượng hàng hóa khó bảo đảm. Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc có khuynh hướng nhập khẩu hàng hóa từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vì thời gian vận chuyển nhanh, chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chi phí logistics thấp. Điều này tạo điều kiện cho ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng mạnh.

Sầu riêng là sản phẩm quan trọng nhất, nếu số lượng mã số vùng trồng nhiều hơn và thêm Nghị định thư của sầu riêng cấp đông thì kim ngạch sầu riêng có thể đạt 3 - 3,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, 4 sản phẩm của Việt Nam đang được phía Trung Quốc xem xét nhập khẩu chính ngạch gồm: dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Nếu các sản phẩm này được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong năm nay thì đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng nữa. Riêng trái dừa sẽ hứa hẹn cho kim ngạch từ 500 - 600 triệu USD nếu Nghị định thư được ký kết.

“Trung Quốc không chỉ mua hàng của Việt Nam mà còn mua của nhiều nước khác, trong đó có Thái Lan. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Thái Lan sang Trung Quốc là trên 80%, trong khi chúng ta chỉ mới đạt 65% nên còn rất nhiều dư địa. Năm 2024, ngành sẽ chú trọng đẩy mạnh tỷ trọng để nâng con số này lên 70 - 80%” ông Nguyên thông tin.

Ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho rằng Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng nhưng để tăng trưởng ổn định và bền vững thì các doanh nghiệp Việt Nam phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy định của nước bạn đề ra. Ngoài ra, cần đa dạng hóa mặt hàng, tránh phụ thuộc quá mức vào sầu riêng; ông đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chính sách, hướng dẫn quy hoạch vùng nguyên liệu tốt, hỗ trợ bà con nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng đủ điều kiện xuất khẩu. Đồng thời, cần đẩy nhanh đàm phán để có nhiều sản phẩm khác xuất chính ngạch vào thị trường này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đã trao đổi thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để góp ý hoàn thiện bản dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt, quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh. Đồng thời, tiếp tục quá trình đàm phán đối với sản phẩm trái cây có múi và dược liệu sang thị trường này.

Bộ cũng sẽ tích cực phối hợp với các địa phương phát triển, mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng cũng như số lượng cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Tiếp tục tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, thực hiện kiểm tra, kiểm dịch thực vật xuất khẩu; chú trọng các loại quả chủ lực và thị trường trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu...

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/co-hoi-day-manh-xuat-khau-rau-qua-sang-trung-quoc-i362629/