Cơ hội của Việt Nam trong thu hút đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu) và khẳng định, Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024. Để thực thi loại thuế này, Việt Nam sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới hiện nay.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bắt đầu từ ngày 1/1/2024, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức trong quá trình thu hút đầu tư.

Về cơ hội, Việt Nam giành được quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) đang hoạt động tại Việt Nam và từ các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, ngăn dòng chảy thuế sang quốc gia khác và bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đây cũng là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, thu hẹp khoảng cách về chính sách giữa nội luật và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Bên cạnh đó, là cơ hội để rà soát và cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư, qua đó không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, thúc đẩy quá trình thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam tới năm 2030 theo Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ với 3 trụ cột: Cải cách thể chế quản lý thuế hiệu quả theo hướng hội nhập; trong đó, có việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế là một vấn đề được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm; phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin hiện đại trong bối cảnh kinh tế số.

Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024.

Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024.

Về thách thức, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2 - đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia) sẽ làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Qua đó, làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, thể hiện trên một số mặt như: Khó khăn trong việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư. Tiếp đến là việc giữ chân các nhà đầu tư lớn cũng như việc khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn nếu Việt Nam không kịp thời có các giải pháp.

Cùng với đó hạn chế thu hút doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của những nhà đầu tư lớn, nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao (thuộc diện được hưởng ưu đãi miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm, thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm). Trong khi hiện nay, số lượng doanh nghiệp này là đáng kể, đóng góp quan trọng đối với phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam, nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và kết nối vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những quyết đáp của Quốc hội về việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư và hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là rất “đúng” và “trúng” trong bối cảnh mới hiện nay, đồng thời phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023. Bởi, thuế tối thiểu toàn cầu là sự thay đổi căn bản về cấu trúc thuế quốc tế, được thiết kế nhằm hạn chế việc giảm chuyển dịch lợi nhuận và cạnh tranh về thuế của các tập đoàn đa quốc gia và cạnh tranh “xuống đáy” về thuế của các quốc gia...

Do đó, chúng ta cần phải đánh giá toàn diện hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư để bổ sung, điều chỉnh các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới nhằm bảo đảm tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Cùng với đó, với việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư là rất cần thiết và phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/co-hoi-cua-viet-nam-trong-thu-hut-dau-tu-khi-ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau-i717635/