Có hay không sự tồn tại của người tí hon

Cũng giống như việc tìm kiếm bí ẩn về sự tồn tại của người khổng lồ, việc chứng minh về sự tồn tại của người tí hon đã khiến các nhà khoa học đang ngày đêm kiếm tìm bằng chứng, dù đã có không ít công trình nghiên cứu được công bố nhưng rõ ràng sự tranh cãi về bí ẩn của giống người tí hon đã từng tồn tại trong quá khứ vẫn không hề chấm dứt...

Người tí hon từng xuất hiện ở đâu?

Đã có những truyền thuyết về thế giới người tí hon tồn tại ở châu Âu. Cho đến nay, vẫn chưa ai khẳng định được đó chỉ là truyền thuyết hay có thật. Và, những bí ẩn về thế giới của người tí hon vẫn đang thách thức sự tò mò của các nhà nghiên cứu. Ở một số nước châu Âu xuất hiện rất nhiều đoạn thông đạo nhỏ. Loại thông đạo này được gọi là erdstall rất hẹp, cao khoảng 1,0-1,2 mét, chiều rộng 60cm. Ở những giao lộ của đường hầm thường rất hẹp, người lớn bình thường hoặc hơi béo một chút sẽ không thể chui qua được. Có một số đường hầm có hình tròn, và hầu hết những đường hầm có hình vòng tròn này thường không quá 50 mét. Thử ngồi xổm xuống có thể đi được 10 mét, nhưng thường bạn không thể đi xa được với đầu gối của mình. Do ở đây thời gian dài bị bao bọc kín, gây ra cảm giác khó thở. Những đường hầm dưới lòng đất này ước tính được hình thành trong kỳ đầu của thời Trung cổ, theo nhà khảo cổ học Đức Henry vừa xuất bản một cuốn sách mới dựa trên bí mật về cánh cửa dẫn tới thế giới cổ dưới lòng đất. Các đường hầm này được hình thành trong thời kỳ đồ đá – 5.000 năm trước, trong kỳ đồ đá mới, những đường hầm này thường được xây dựng bên cạnh nơi cư trú của con người. Nhưng cũng có người tin rằng nó được xây dựng sớm hơn, vào khoảng 12.000 năm trước đây. Dựa vào số liệu thống kê qua việc đo lường tính niên đại phóng xạ carbon phát hiện, đường hầm ở Bavaria được hình thành cách đây khoảng 1.500 năm trước đây, một số trong đó có thời gian muộn hơn một chút, hình thành trong thời kỳ Trung cổ.

Cho đến nay, ít nhất có tới 700 đường hầm dưới lòng đất tương tự được tìm thấy ở Bavaria, ngoài ra có khoảng 500 cái ở Áo. Một số câu chuyện dân gian cho biết trước đây từng có người đã chui vào những đường hầm dài giao nhau này. Hầu hết các đường hầm đã sụp đổ, lối vào cửa cũng đã bị chặn. Đôi khi họ có thể tìm thấy những bức phù điêu trong các hang động, trên đó có khắc hình những người canh giữ có đuôi. Hơn nữa trong một số biên niên sử cũng phát hiện ra các đường hầm dưới lòng đất dẫn đến thế giới ngầm như được mô tả. Cũng chính từ việc tồn tại các đường hầm này mà nhiều giả thuyết đã cho rằng có thể người tí hon từng tồn tại và đây là các tuyến đường hầm của họ dùng để di chuyển.

Trên thực tế không chỉ ở châu Âu mà ở Trung Quốc vào triều nhà Thanh, học giả nổi tiếng Kỷ Hiểu Lam, trong sách “Duyệt vi thảo đường bút ký”, ông có chép 2 câu chuyện nói về người tí hon. Bộ sách này ghi chép lại những kiến thức mà ông thu được từ khi sinh ra. Trong đó có một mẩu chuyện nói về người tí hon, ghi chép trong tập 3 của bộ sách miêu tả rằng, ở vùng Ô Lỗ Mộc Tề (nay thuộc huyện Địch Hóa) người ta thường xuyên trông thấy những người tí hon thân chỉ cao khoảng 40 cm, đầy đủ cả già trẻ lớn bé. Mỗi khi cây lựu ra hoa, những người tí hon này bẻ cành lựu, bện thành những vòng nhỏ đội lên đầu, đứng thành đội hình ca hát nhảy múa. Tiếng nói của họ nghe như tiếng hươu kêu, du dương êm ái. Có một số người tí hon còn lẻn vào trong các lều vải nơi đóng quân của triều đình để trộm thức ăn, nhưng không cẩn thận bị bắt. Quân nhà Thanh không thể tìm thấy những chỗ mà giống người tí hon này ở, cũng chẳng biết gọi họ như thế nào, bởi thấy họ thích cài hoa lựu màu đỏ, bèn gọi họ là “Hồng lưu oa”. Lúc ấy huyện Khâu (nay là huyện Huy tỉnh Hà Nam) có viên quan tên là Thừa Thiên Cẩm, tuân lệnh đi tuần tra xem xét bãi chăn nuôi. Ở đây ông từng bắt được một người tí hon bèn đem về, đối xử rất tử tế với người tí hon. Râu tóc của họ đều giống như chúng ta chứ không có gì kỳ dị cả. Cùng với đó là không ít những bằng chứng tương tự từ quá khứ xác định sự tồn tại của những giống người tí hon...

Đã có không ít nhiều truyền thuyết, sử sách ghi chép về sự tồn tại của giống người tí hon, có người còn nói rằng đã tận mắt nhìn thấy họ. Nhưng sự bí ẩn về giống người này thì không bao giờ mất.

Những bằng chứng được tìm thấy

Người da đỏ bản xứ Mỹ Cherokee nhắc đến người Yunwi-Tsunsi, nghĩa là “người tí hon”. Người Yunwi-Tsunsdi được mô tả là người tốt bụng, hay giúp đỡ người khác và cao chưa đến đầu gối người bình thường. Người Hawaii bản địa nhắc đến người Menehune, một chủng tộc lớn người tí hon đã xây dựng nên các TP, đánh bắt cá và xây dựng trang trại. Người bản xứ nói tiếng Shoshone ở tiểu bang Wyoming cũng nói đến người tí hon, hay người Nin’ am-bea theo tiếng địa phương, họ rất sợ sự xúc phạm. Người Nin’ am-bea nổi tiếng với việc sẵn sàng dùng tên bắn vào người khác nếu bị xúc phạm. Năm 1932, một hóa thạch được tìm thấy ở vùng núi Pedro, gần nơi người Shoshone sinh sống. Hóa thạch này đã được bộ phận nhân chủng học của Đại học Harvard kiểm tra và hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Mỹ. Hóa thạch được xác định là một người đàn ông 65 tuổi mặc dù chỉ cao 0,3m. Hóa thạch đã biến mất sau khi một trong những người sở hữu hóa thạch này qua đời. Một thập kỷ sau, Tiến sỹ George Gill thuộc ĐH Kansas đã kiểm tra hình ảnh X-quang; ông cho biết hóa thạch trông giống như một đứa trẻ sơ sinh có dị tật bẩm sinh khiến hộp sọ với có kích thước bất thường của người lớn, nhưng đây chỉ là giả thuyết và nó còn bỏ ngỏ cho những lời giải thích khác. Tạp chí Khoa học Journal của Mỹ đã công bố một bài viết vào năm 1837 về một phát hiện kỳ lạ ở quận Coshocton, bang Ohio: “Từ một số mảnh gỗ còn sót lại xung quanh những bộ xương, có thể thấy các thi hài dường như được đặt vào quan tài và điều đáng chú ý hơn là các thi hài được chôn sâu không quá 0,9m đến 1,4m. Có rất nhiều thi hài như vậy, và chắc hẳn phải là cư dân của một TP lớn hoặc cũng có thể số lượng những người này là không nhiều. Nhiều ngôi mộ đã bị mở ra, những thi thể ở trong đó tất cả đều thuộc chủng tộc người tí hon… Những khu mộ tương tự đã được tìm thấy ở Tennesse và gần St. Louis, bang Missouri.

Năm 2004, các hóa thạch của người tí hon được tìm thấy ở quần đảo Florer của Indonesia. Người tí hon, có tên là người Homo nhưng được biết đến nhiều hơn với cái tên người “Hobbit” có chiều cao chưa đầy 1m. Tờ tạp chí Nature giải thích rằng người ta tìm thấy xương của một vài người Homo, điều này cho thấy đó là một quần thể xã hội những người với kích thước như vậy chứ không phải là một sự đột biến nào đó. Trên thực tế, Homo floresiensis, tên gọi của giống người này, có chiều cao không quá 1 mét, và sống cách đây 18.000 năm. Điều đặc biệt hơn nữa là gần đây, người ta đã tìm ra thêm những mảnh xương của ít nhất 9 cá thể tí hon như thế. Khám phá mới bao gồm những phần xương chưa tìm thấy của bộ xương cũ, và một loạt các xương mới, như hàm và mảnh sọ, một xương sống, xương cánh tay, chân và ngón tay. Trưởng nhóm Michael Morwood, từ Đại học New England, Armidale, Australia, cho biết các mẫu vật đã giúp xây dựng một bức tranh đầy đủ hơn về những người tí hon này và bổ sung bằng cứ về thói quen đánh lửa và săn bắt của giống người bé nhỏ này. Nhóm nghiên cứu cho biết giờ đây họ bị thuyết phục hơn bao giờ hết rằng Homo floresiensis đại điện cho một loài riêng biệt, chứ không phải là cá thể người Homo sapiens bị dị tật nào đó như phỏng đoán của một số chuyên gia hoài nghi. “Phát hiện củng cố thêm rằng những người nhỏ bé không phải là một sinh vật dị thường hay bệnh tật, mà là đại diện cho một quần thể lâu đời”, nhóm nghiên cứu viết.

Michael Morwood và cộng sự cũng đoán chắc Homo floresiensis, với bộ não có kích cỡ 380 cm3, là sản phẩm của hiện tượng đảo lùn hay địa phương hóa từng được biết đến. Hiện tượng này đề cập đến những loài bị cách ly, dưới sức ép của nguồn thức ăn hạn chế, đã tiến hóa thành những loài nhỏ hơn hoặc lớn hơn so với tổ tiên ban đầu. Trong trường hợp Homo floresiensis, các nhà nghiên cứu cho rằng họ xuất xứ từ Homo erectus - một giống người cổ tuyệt chủng đã lâu, từng đến định cư trên đảo Flores khoảng 800.000 năm trước. Daniel Lieberman, từ đại học Harvard, Mỹ, cho biết những khám phá tiếp theo trên hòn đảo này sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề. “Nếu giả thuyết đảo lùn là chính xác, thì những cư dân sớm nhất của Flores phải lớn hơn các hóa thạch trong hang Liang Bua, và nếu hiện tượng lùn hóa xảy ra từ từ, có thể chúng ta sẽ bắt gặp những hóa thạch có kích cỡ trung gian giữa Homo floresiensis và tổ tiên của chúng”. Dù đã có chứng minh cho rằng giống người tí hon là một chủng người riêng biệt thế nhưng những bí ẩn về một giống người đã từng tồn tại trong quá khứ vẫn còn không ít sự tranh cãi.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quoc-te/co-hay-khong-su-ton-tai-cua-nguoi-ti-hon-120516