Cơ giới hóa gặp khó vì phụ thuộc tới 70% máy nông nghiệp nhập khẩu

Các nhà sản xuất máy nông nghiệp Việt Nam có thị phần tương đối thấp, chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu thị trường. Do vậy, để nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong toàn ngành nông nghiệp, Việt Nam kỳ vọng hợp tác với tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến ngành nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam.

Năng lực sản xuất máy nông nghiệp trong nước chỉ đáp ứng 32%

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2023, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, trong đó có xuất siêu hơn 12 tỷ USD, tăng trưởng GDP 3,83% - mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Năng lực sản xuất máy nông nghiệp trong nước chỉ đáp ứng 32% nhu cầu.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật nông nghiệp Việt còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất lao động còn rất thấp, tỷ lệ cơ giới hóa trong các lĩnh vực còn thấp nên sức cạnh tranh nông nghiệp còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao…

Bên cạnh đó, chế biến và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp cũng có hạn chế. Ông Tiến ví von, “thế giới người ta xuất khẩu gói, trong khi Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu theo bao”. Nói điều này để thấy trình độ chế biến Việt Nam còn hạn chế, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu xuất thô.

Thứ trưởng Bộ NN&PNT nhìn nhận nguyên nhân là do mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, sản xuất manh mún, máy thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

Theo báo cáo nghiên cứu ngành nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp tại Việt Nam, thị trường máy móc nông nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng to lớn nhưng phải đối mặt với một số thách thức. Hiện tại, thiết bị máy động lực ở Việt Nam còn tụt hậu so với mức trung bình ở các nước ASEAN.

Các nhà sản xuất trong nước có thị phần tương đối thấp, năng lực sản xuất máy móc trong nước chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu thị trường; phụ thuộc các sản phẩm nhập khẩu - chiếm khoảng 60 - 70%. Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nhà cung cấp châu Á từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Máy kéo tạo thành phân khúc lớn nhất trong lĩnh vực máy móc nông nghiệp. Những công ty phương Tây như John Deere và CLAAS có độ phủ sóng hạn chế trên thị trường. Điều này có thể do nhiều yếu tố, bao gồm việc nhận thức về máy móc phương Tây đắt tiền và không phù hợp với cây trồng chính của Việt Nam, đặc biệt là lúa, cũng như những thách thức do điều kiện thời tiết nhiệt đới của đất nước.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới đại lý, nhà phân phối để thâm nhập thị trường Việt Nam. Các nhà phân phối trung gian này đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối và tiếp cận máy móc nông nghiệp.

‘Bắt tay’ với các tập đoàn lớn sản xuất máy nông nghiệp

Italia được biết đến là quốc gia phát triển về máy móc nông nghiệp. Đơn cử, thương hiệu Lamborghini được thành lập vào năm 1963 tại Italia bởi Ferruccio Lamborghini – người đã nổi tiếng với việc sản xuất máy móc nông nghiệp và máy móc xây dựng. Sau đó, ông đã chuyển hướng sản xuất siêu xe và tạo ra một thương hiệu ô tô đẳng cấp toàn cầu.

Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam Marco Della Seta đánh giá thị trường máy móc nông nghiệp thế giới có giá trị 175 tỷ USD, dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Hiện, Italia nhà sản xuất máy nông nghiệp Italia chiếm khoảng 10% thị trường thế giới. Đây là cơ hội để Italia hợp tác với Việt Nam để sản xuất máy móc cơ giới hóa nông nghiệp.

Theo PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cơ giới hóa ở một số ngành nông nghiệp trọng điểm, như trong lĩnh vực trồng trọt cơ giới hóa đồng bộ 70%; chăn nuôi 60%, thủy sản 90%...

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất đối với cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp là ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn kém phát triển nên việc nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong những năm tới gặp khó khăn.

Thời gian tới, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch kỳ vọng nâng tầm hợp tác giữa Việt Nam - Italia trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp. Ở cấp Chính phủ, Việt Nam và Italia cần có hiệp định hợp tác đầu tư và phát triển về lĩnh vực máy nông nghiệp. Về phía các doanh nghiệp, tập đoàn, viện nghiên cứu, trường đại học sau khi kết nối hợp tác đầu tư hai Chính phủ sẽ có xúc tiến đầu tư bằng hoạt động tham quan, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp hai bên gắn với đào tạo, tập huấn, đầu tư máy nông nghiệp tại Việt Nam…

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần nghiên cứu, xem xét để đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với quốc tế, nhằm thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đây là yếu tố cốt lõi trước khi đẩy nhanh, đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/co-gioi-hoa-gap-kho-vi-phu-thuoc-toi-70-may-nong-nghiep-nhap-khau-1097868.html