Có giáo viên xử lý học sinh vi phạm, dù nghỉ việc nghĩ lại vẫn thấy 'choáng'

Giáo viên dù vô tình gây thương tích cho học sinh, nhưng vẫn để lại dư luận xã hội không mấy tốt đẹp về hình ảnh người thầy, về môi trường sư phạm.

Thực tế hiện nay, bạo lực học đường, nạn nhân không chỉ học sinh mà cả giáo viên. Trong các vụ bạo lực học đường phản ánh thời gian qua, điều đáng buồn nhất, một số vụ người gây nên bao lực lại chính là giáo viên.

Vừa qua, vụ việc thầy Nguyễn Hữu Phúc – Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh trong khi dạy học, lấy cái song lang định gõ vào vai học sinh mải chơi, thì em học sinh này lại né, nên song lang đã gõ trúng đầu, khiến đầu em bị chảy máu.[1] Câu chuyện này cũng đã gây xôn xao dư luận.

Ảnh minh họa.

Bạo lực học đường xảy ra khi người có lỗi là giáo viên, dù nguyên nhân là gì thì không ít ý kiến cũng bức xúc cho rằng, giáo viên lạm quyền. Dù thực tế những giáo viên vi phạm quy định đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh.

Tháng 2 vừa qua, câu chuyện một nữ sinh lớp 8 nhảy lầu vì sau khi giáo viên tịch thu điện thoại được báo chí đăng tải cũng khiến không ít người sốc. Vụ việc làm người viết nhớ đến một giáo viên ở địa phương mình công tác cũng từng bị kỷ luật khi xử học sinh xem điện thoại trong giờ học.

Trong tiết học môn Toán, thầy giáo phát hiện học sinh xem điện thoại nên đến gần nhắc nhở, cất điện thoại và yêu cầu học sinh tập trung vào bài học.

Chẳng những không nghe lời thầy, học sinh còn nói: “Thầy giảng chẳng có gì hay, em xem điện thoại thấy hay hơn, ngon thì thầy đánh đi”.

Không kiềm chế được, thầy giáo bạt tai, học sinh đưa điện thoại lên đỡ. Điện thoại đập vào đầu, phải khâu gần chục mũi.

Nhân vụ học sinh nhảy lầu vì điện thoại, người viết đã trao đổi với thầy giáo nọ về tình huống xử lý vi phạm của học sinh năm xưa, thầy giáo chia sẻ: “Tôi nóng mất khôn, nên mới vi phạm, kỉ luật là xứng đáng, quá xấu hổ, nên tôi đã chuyển việc.

Bản thân bị kỉ luật, phải bỏ cái nghề từng mơ ước, thế nhưng, cái án kỉ luật mà con tôi, người thân của tôi phải liên đới mới thực sự mệt mỏi.

Con tôi đã phải chuyển trường học khi bạn bè cùng lớp biết bố nó từng đánh học trò, bị kỉ luật đã có hành động chê bai, trêu chọc.

Một lần con tôi trốn học, nhà trường báo với vợ tôi, tìm hiểu con tôi mới kể: “Trong tiết thực hành môn Tin tại phòng máy. Bạn của nó tìm kiếm trên google, thấy bài báo nói về vụ kỉ luật của tôi. Trẻ con mà, thế là làm ầm ĩ lên, xấu hổ quá, con tôi trốn học, cực chẳng đã, tôi phải chuyển trường cho cháu.

Dù chuyện xảy ra cả chục năm rồi, vậy mà cứ như mới hôm qua, hàng ngày, hàng giờ tôi vẫn thấy hiện hữu trên mạng, trên google, tôi đã xin lỗi người nhà, con cái nhưng vẫn day dứt với việc mình từng làm.

Nếu được đưa ra lời khuyên, tôi xin nói thật lòng, khi xử lý tình huống sư phạm, kỉ luật phạt học sinh, giáo viên hãy nghĩ đến hậu quả của nó, hậu quả không chỉ trước mắt đâu mà còn có thể mãi về sau.

Kỉ luật không chỉ mình gánh đâu mà cả gia đình, nhất là con cái cũng phải mang tiếng xấu vì mình. Xử lý học sinh vi phạm, tôi mất nghề, mất danh dự, chuyện đã lâu rồi, nay nghĩ đến tôi vẫn “choáng””.

Quy định đạo đức nhà giáo, quy định những việc giáo viên không được làm, nội quy cơ quan … đều nghiêm cấm giáo viên dùng vũ lực với học sinh dưới mọi hình thức, nhưng những vụ việc đau lòng vẫn xảy ra.

Từ lời khuyên của một giáo viên đã bị kỉ luật, người viết thấy rất đồng cảm: giáo viên làm việc gì, đặc biệt là xử lý tình huống sư phạm, phạt học sinh, hãy nghĩ đến hậu quả của nó.

Khi đã nghĩ đến hậu quả của việc mình sẽ làm, giáo viên nói riêng, mọi người nói chung, sẽ sống, làm việc đúng hiến pháp và pháp luật.

Xử lý các tình huống xảy ra trong môi trường sư phạm cần hết sức khéo léo đã để tránh "cái sảy nảy cái ung", từ chuyện đơn giản trở thành tai họa cho chính mình và học sinh.

Giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo bị kỉ luật là đương nhiên, nhưng những hình thức kỉ luật không tên mà giáo viên và những người thân phải chịu mới là hình thức kinh khủng nhất. Vì vậy người viết mong quý thầy cô giáo hãy làm chủ cảm xúc của mình, đừng nóng nảy.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/bi-to-danh-hoc-sinh-chay-mau-dau-hieu-truong-tieu-hoc-tan-phu-trung-len-tieng-post241619.gd

Nguyễn Minh Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-giao-vien-xu-ly-hoc-sinh-vi-pham-du-nghi-viec-nghi-lai-van-thay-choang-post241659.gd