Cô giáo trẻ Hoàng Thị Quỳnh tận tâm với nghề ở huyện miền núi Tiên Yên

Sự tận tâm và trách nghiệm với nghề đã giúp cô giáo trẻ Hoàng Thị Quỳnh, Trường Tiểu học Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh luôn được học trò yêu mến, đồng nghiệp đánh giá cao.

Một tiết dạy môn Tiếng Việt của cô giáo Hoàng Thị Quỳnh, Trường Tiểu học Phong Dụ, Tiên Yên. Ảnh: NT

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô giáo trẻ Hoàng Thị Quỳnh nhận quyết định giảng dạy tại Trường Trung học và Trung học cơ sở Điền Xá (xã Điền Xá, huyện Tiên Yên). Đến năm 2019, cô Quỳnh được luân chuyển đến Trường Tiểu học Phong Dụ, huyện Tiên Yên giảng dạy cho đến nay.

Dù còn trẻ, nhưng với tâm huyết nghề nghiệp, cô giáo Hoàng Thị Quỳnh luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, tự rèn luyện, rút kinh nghiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo và có nhiều giải pháp để tổ chức hoạt động giáo dục hiệu quả. Hằng năm, cô đều có học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện.

Đặc biệt năm học 2022-2023, học sinh của cô Quỳnh đã đạt giải nhất cấp huyện khi tham gia Ngày hội trải nghiệm; có 1 em đạt giải khuyến khích khi tham gia Giao lưu tiếng Việt của chúng em dành cho học sinh dân tộc thiểu số cấp huyện.

Không chỉ giỏi chuyên môn, cô giáo Quỳnh còn là một trong những giáo viên luôn nỗ lực, tích cực tuyên truyền, vận động học sinh đến trường.

Cô giáo Hoàng Thị Quỳnh luôn tận tâm với nghề. Ảnh: NT

Cô giáo Hoàng Thị Quỳnh công tác ở Trường Tiểu học Phong Dụ là cơ sở giáo dục đặc thù, có 6 điểm trường tại các thôn: Tềnh Pò, Hua Cầu, Đuốc Phẹ, Khe Vè, Nà Cà, Hồng Phong. Đại bàn có tới 98% học sinh đều là con em dân tộc như: Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu...

Do nhà quá xa trường, quãng đường đi học khó khăn cùng với việc bố mẹ đa số đi làm thuê theo mùa vụ không thể đưa, đón đi học nên có nhiều học sinh muốn nghỉ học. Tuy nhiên, với quyết tâm không để các em bỏ học giữa chừng, Hoàng Thị Quỳnh và các thầy, cô giáo đã kiên trì vận động để các em học sinh được đến trường.

Nhờ đó, năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh của Trường Tiểu học Phong Dụ được lên lớp đạt 100%, có 15,9% học sinh đạt thành tích xuất sắc, học sinh tiêu biểu (vượt trội) đạt 36,7%. Nhà trường cho biết, thành tích này có sự đóng góp rất lớn của cô giáo Hoàng Thị Quỳnh.

Cô giáo Hoàng Thị Quỳnh thăm hỏi và tặng quà cho học sinh mổ mắt tại thôn Cao Lâm, xã Phong Dụ. Ảnh: NT

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, với tấm lòng nhân hậu, cô giáo Quỳnh còn giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trở lại trường học và tiếp tục đạt được ước mơ của mình. Đơn cử như em C.V.Q., học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phong Dụ. Ngay từ khi học lớp 2, do có thể trạng nhỏ hơn các bạn cùng lớp nên Q. luôn mang tâm lý ngại không hòa đồng với các bạn. Q. thường chỉ chơi một mình và không tham gia hoạt động của lớp. Bên cạnh đó gia đình Q. thuộc hộ nghèo, bố mất sớm, mẹ bỏ đi làm ăn xa không về nhà nên Q. cùng em phải ở với ông bà nội. Ông nội Q. lại thường uống rượu say xỉn dẫn đến Q. càng thiếu tự tin.

Nắm bắt được hoàn cảnh của Q., cô Quỳnh đã thường xuyên trò chuyện động viên em, cô còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ mua quần áo, giầy, dép, sách, vở, bút cho em. Giờ Q. đã học lớp 5 nhưng cô Quỳnh vẫn gọi điện chia sẻ và động viên em, đặc biệt cô vẫn duy trì nhờ các nhà thiện nguyện tài trợ cho Q. hằng năm.

Bà Ty Thị Hải Nga, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Phong Dụ cho biết: Cô giáo Hoàng Thị Quỳnh là cô giáo trẻ giỏi về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc của trường, của tổ, tận tâm trách nhiệm với học sinh. Cô Quỳnh cũng là cốt cán chuyên môn cấp huyện, có tấm lòng nhân hậu giúp đỡ nhiều học sinh khó khăn.

Với những nỗ lực vươn lên, năm học 2020-2021, cô Quỳnh đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp huyện. 2 năm gần đây, Hoàng Thị Quỳnh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm học 2022-2023, cô được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác và phong trào thi đua dạy học.

Tuệ Nhi

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/co-giao-tre-hoang-thi-quynh-tan-tam-voi-nghe-o-huyen-mien-nui-tien-yen-179231205160042398.htm