'Cô giáo' khuyết tật không đầu hàng số phận

Là một người khuyết tật, nhưng chị Hồ Thị Láng (30 tuổi, TP Đà Nẵng) đã vượt qua mọi mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống.

Công việc làm tranh giấy xoắn giúp chị Láng có thu nhập ổn định trang trải cuộc sống.

Với chị Láng, khiếm khuyết của bản thân chính là “động lực” khiến cô mạnh mẽ hơn.

Vượt lên nghịch cảnh

Sinh ra là một đứa trẻ bình thường, từ nhỏ Láng đã có ước mơ trở thành cô giáo, nhưng đến năm học lớp 6, Láng không may mắc chứng bệnh teo cơ, cong vẹo cột sống ảnh hưởng tới sức khỏe và việc học tập, sinh hoạt hàng ngày. Lúc bấy giờ, chiều cao của Láng dừng lại 1,2m, nặng 24kg.

Việc đi lại và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, đến lớp lại còn bị các bạn trêu chọc, chị mặc cảm và nghỉ học giữa chừng khi đang học lớp 7.

Đến năm 18 tuổi, chị xin đi làm công nhân để giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học. Thế nhưng, làm được 2 năm thì phải nghỉ việc vì công ty cắt giảm nhân sự. Đến năm 2015, chị tìm hiểu và biết có người dạy nghề làm tranh quilling paper (tranh giấy xoắn) ở Hà Nội nên chị đã thuyết phục gia đình cho đi học nghề. Nhờ sự ham học, tính tỉ mỉ và khéo tay, chị hoàn thành khóa học chỉ sau 5 tháng. Từ đó, chị mưu sinh với công việc làm tranh giấy xoắn trên đất Thủ đô.

Nhưng số phận một lần nữa thử thách chị, nơi đất khách quê người, chị gặp và yêu một chàng trai khiếm thị. Khi chị có thai, thì bạn trai không thừa nhận và bỏ đi. Bụng mang dạ chửa, chị Láng quyết định trở về TP Đà Nẵng nương tựa gia đình.

“Trở về quê, để có tiền nuôi con, không còn cách nào khác ngoài sự kiên cường chịu đựng khó khăn và chăm chỉ làm việc. Khi có con, hàng đêm tôi tranh thủ lúc con ngủ để làm thiệp, tranh rồi bán qua trang mạng xã hội Facebook. Rồi bắt đầu mở cơ sở làm thiệp và tranh giấy Sương Ban Mai Quilling”, chị Láng chia sẻ.

Chỉ vào sản phẩm tranh hoa giấy xoắn vừa hoàn thiện, chị Láng nói với chúng tôi, tranh hoa giấy xoắn là một trong những nghệ thuật tạo hình khá thú vị. Tuy nhiên, để tạo ra một sản phẩm đẹp không phải điều đơn giản bởi nó đòi hỏi người thợ phải có niềm say mê, kiên trì và óc sáng tạo.

Những tấm thiệp được các học viên làm bằng giấy xoắn bán với giá 60.000 đồng/tấm.

“Dụng cụ để làm nghề chỉ gồm có máy cuốn giấy, que cuốn, nhíp, keo sữa và kéo. Quy trình làm tranh giấy xoắn yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác trong từng chi tiết. Đặc biệt, việc gấp giấy xoắn đúng kỹ thuật cũng là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình tạo ra một sản phẩm đẹp. Những họa tiết xoắn lượn sóng, những đường nét cong cong tạo nên sự mềm mại, độc đáo và khác biệt của tranh giấy xoắn, nếu bỏ qua một xíu công đoạn nhỏ sản phẩm sẽ bị lỗi ngay”, chị Láng giải thích.

Ban đầu, việc khởi nghiệp với tranh giấy xoắn không mấy thuận lợi nên có lúc chị Láng đã tính chuyện bỏ nghề. Biết được tâm tư của chị, đoàn thanh niên xã đã đến động viên và hỗ trợ chị quảng bá về sản phẩm. Người thân, bạn bè biết đến những tác phẩm đẹp mắt cũng mua ủng hộ, từ đó chị Láng bán được nhiều tranh hơn nên nuôi lại quyết tâm bám trụ với nghề.

Để hoàn thành một tấm thiệp mừng phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ, với một bức tranh giấy xoắn thì phải mất đến 2 ngày mới xong. Tùy theo kích thước và yêu cầu của khách hàng mà sản phẩm làm ra sẽ khác nhau, dòng thiệp có giá từ 30.000 - 60.000 đồng/cái, tranh giấy xoắn có giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng/bức. Những loại tranh nhiều chi tiết khó thì phải đầu tư nhiều thời gian hơn.

Chị Láng hướng dẫn học viên dán giấy xoắn.

Ươm mầm ước mơ

Bị rơi vào hoàn cảnh éo le nên chị thấu hiểu và cảm thông với những người có cùng cảnh ngộ và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như mình. Để đem lại điều tốt lành cho người khuyết tật, giúp nhau vượt lên số phận, chị Láng xin tham gia dạy nghề cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng.

Lớp học của chị Láng chỉ có 4 - 5 em học viên, đồ nghề gồm chiếc kéo, nhíp gắp, cây cuốn giấy, keo sữa và băng dính. Để làm những tác phẩm bằng giấy xoắn, chị Láng thường chọn phôi thiệp theo khổ giấy mua sẵn hoặc cho các học viên tự sáng tạo, sau đó chọn sợi giấy uốn tròn lại và dùng nhíp gắp tạo hình theo ý muốn rồi dùng keo dán giấy xoắn lên các bề mặt vật liệu để cố định.

“Khó khăn nhất trong việc dạy nghề cho các em là giúp các em ghi nhớ các công đoạn để làm tác phẩm bằng giấy xoắn, công việc này yêu cầu sự khéo léo và tỉ mỉ trong từng chi tiết. Lúc đầu, các em hay quên, phải kiên nhẫn dạy đi dạy lại nhiều lần các học viên mới thành thục”, chị Láng nhớ lại.

Quan sát các học viên chăm chú làm việc chúng tôi thấy phải mất từ một đến hai giờ để hoàn thành tấm thiệp bằng giấy xoắn, giá của một tấm thiệp được bán 60.000 đồng/tấm. Ai cũng rất nỗ lực, kiên trì học hỏi nên thích ứng khá nhanh với việc ghép, dán những xoắn giấy. Đến nay, học viên đã có thể tự tay hoàn thành những bức tranh đơn giản. Các tác phẩm không chỉ thấm đẫm mồ hôi của các bạn trẻ, mà còn gửi gắm cả niềm vui vượt khó cùng những nỗ lực, ước mơ của mình.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, chị Nguyễn Thị Lệ Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng cho biết, chị Láng là một người đầy nghị lực. “Dù cơ thể khuyết tật nhưng chị Láng không tự ti với điều đó. Chị đã tham gia rất nhiều cuộc thi và đoạt giải, từ đó mọi người biết đến chị Láng nhiều hơn. Chị Láng đến trung tâm với tinh thần tự nguyện giúp cho các em có một cái nghề để sau này có một cuộc sống ổn định hơn”, chị Tuyết nói.

Tháng 5/2023, chị Láng được Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) trao tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp, thanh niên tiêu biểu trên địa bàn. Tại Hội thi “Ý tưởng Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang tổ chức sản phẩm thiệp và tranh giấy xoắn do chị Láng sáng tạo đã đoạt giải Nhất…

H.Vinh - Th.Phụng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-khuyet-tat-khong-dau-hang-so-phan-post675123.html