Có gì trong mâm cỗ cổ truyền ngày Tết Nguyên đán?

Theo nghệ nhân ẩm thực Dương Văn Hùng, mâm cỗ cổ truyền trong ngày Tết Nguyên đán có bao nhiêu món tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và sở thích của từng gia đình. Tuy nhiên, một số món ăn được cho là không thể thiếu ngày lễ Tết như nem, giò xào, thịt đông, dưa hành, bánh chưng, canh măng móng giò, canh bóng thả...

Ngày 22/1, nghệ nhân ẩm thực Dương Văn Hùng cùng Hội đầu bếp Hoàng gia Việt Nam tổ chức nấu mâm cỗ cổ truyền của người Việt trong ngày Tết Nguyên đán.

Theo nghệ nhân ẩm thực Dương Văn Hùng, mâm cỗ cổ truyền trong ngày Tết Nguyên đán có bao nhiêu món tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và sở thích của từng gia đình, tập quán của mỗi địa phương, vùng miền. Tuy nhiên, một số món ăn được cho không thể thiếu trong ngày lễ Tết như nem, giò xào, thịt đông, dưa hành, bánh chưng, canh măng móng giò, canh bóng nấu thả...

Mâm cỗ cổ truyền hoàn chỉnh do nghệ nhân Dương Văn Hùng và các đầu bếp thực hiện gồm bánh chưng, xôi gấc, xôi đậu xanh, giò lụa, giò xào, giò gà, nem, cá kho, thịt đông, chả quế, thịt quay, canh bóng nấu thả, canh măng chân giò, gà hầm thuốc bắc, canh mọc nấu miến, dưa hành...

Đa số thực đơn là những món ăn lâu đời của người Việt. Một số món ăn được biến tấu như giò gà cuộn nấm, mộc nhĩ. Theo lý giải của chuyên gia ẩm thực, việc dùng tay ăn thịt gà trong ngày Tết có thể bất tiện nên các đầu bếp chế biến thành món giò gà.

Cá kho giềng được nhiều người lựa chọn ăn trong những ngày Tết để chống ngấy và đa dạng món ăn trong mâm cỗ.

Thịt quay giòn bì được làm từ thịt ba chỉ ngon.

Nem rán được xem là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cổ truyền ngày Tết. Dù đây là món ăn khá cầu kỳ, phức tạp với nhiều nguyên liệu, gia vị nhưng thể hiện tinh thần đùm bọc, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.

Đĩa dưa hành muối giúp cân bằng vị, chống ngấy trong mâm cỗ nhiều thịt mỡ, bánh chưng ngày Tết. Dưa hành cung cấp một lượng men vừa đủ để hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm thiểu nguy cơ đầy bụng. Món ăn này còn giúp bổ sung thêm chất xơ, tăng hương vị của món ăn, giúp ngon miệng hơn.

Mâm cỗ Tết truyền thống của người miền Bắc không thể thiếu món canh măng nấu từ móng giò. Nguyên liệu chế biến đơn giản và bình dị đã làm cho món ăn trở nên quen thuộc. Canh măng móng giò không chỉ là một món ăn, mà còn là biểu tượng của sự gắn bó dân tộc, chứa đựng hồn ẩm thực Việt lâu đời, được thể hiện rõ qua hình ảnh bát canh nghi ngút khói trên bàn thờ cúng gia tiên.

Ngoài ra, một số gia đình chế biến các món cách khác như canh miến nấu mọc hoặc canh bóng thả (bóng bì lợn).

Mỗi một món ăn hoặc nhiều món sẽ đi kèm với một loại gia vị, nước chấm riêng. Có thể dùng nước mắm cốt pha tiêu, chanh hoặc nước mắm chua ngọt tỏi, ớt.

Món gà xào hạnh nhân được phổ biến trong một số năm gần đây. Nó thể hiện sự đa dạng trong nguyên liệu vừa tận dụng những rau củ thừa của các món ăn khác. Nguyên liệu để làm món ăn này gồm thịt gà thái hạt lựu, ướp muối, hạt tiêu, húng lìu, hạnh nhân chao giòn (nếu lạc thì ngâm mềm, bóc vỏ chao qua), su hào, cà rốt, nấm hương thái hạt lựu. Phi thơm hành, cho tất cả nguyên liệu trên vào xào chín, cho thêm bột đao, nêm vừa. Trước khi bắc ra cho hành hoa thái khúc. Xúc ra đĩa rắc hạt tiêu, rau mùi.

Món thịt đông hay thịt lợn nấu đông là món ăn quen thuộc trong những ngày Tết hoặc ngày đông lạnh giá của người miền Bắc. Đây là món ăn giàu dinh dưỡng lại dễ nấu nên được nhiều người ưa chuộng.

Một số món dưa được ưa chuộng trong ngày Tết.

Các món canh đa dạng trong thực đơn cỗ cổ truyền của người Việt.

Bánh chưng, xôi đậu xanh, xôi gấc được nhiều người lựa chọn.

Trọng Tài - Đỗ Quyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-gi-trong-mam-co-co-truyen-ngay-tet-nguyen-dan-post1608656.tpo