Cô gái Pen Ti Lô Lô

Ngày ấy tôi còn làm việc ở tòa soạn báo Quân đội nhân dân, một hôm nhận được lời nhắn của cựu chiến binh Củng Dìu Pháng: Nhà báo quân đội à, lên quê mình dự lễ cúng thần Rừng, mỗi năm chỉ có một lần vào dịp đầu xuân thôi.

Vào ngày “Ông Táo chầu giời”, tôi định bụng năm nay sẽ không chơi đào thế, quất thế như năm trước mà chọn một cành đào phai tự nhiên, cây quất cũng có thế tự nhiên bày ở phòng khách. Tôi khép cửa, vừa định bước ra chợ hoa, bất ngờ có một cô gái đi đến và hỏi bằng giọng “nằng nặng” của người miền núi mà tôi đã khá quen ngày trước còn hay công tác ở vùng rẻo cao phía Bắc: “Ông à, có phải nhà ông theo địa chỉ thế này?”. Nói rồi cô đưa tôi mảnh giấy nhỏ. Nhìn lướt, tôi nói ngay: “Đúng rồi, là ông đây!”. Cô gái nhoẻn miệng cười, nói: “Cháu là cháu nội ông Củng Dìu Pháng mà...”. Tôi quá bất ngờ, 15 năm trước tôi đã lên bản Củng Chá của cựu chiến binh Củng Dìu Pháng, lúc đó cô bé này mới chập chững biết đi, giờ cô đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, nhưng cô không mặc quần áo dân tộc mà với “mốt” thị thành thế này, chắc chẳng ai biết cô sinh ra, lớn lên ở miền cực Bắc và dân tộc cô hiện chỉ còn vài trăm người.

Cô gái Pen Ti Lô Lô.

Ngày ấy tôi còn làm việc ở tòa soạn báo Quân đội nhân dân, trước đấy tôi đi công tác trên Hà Giang, đã gặp Thiếu tá Củng Dìu Pháng, Huyện đội phó Huyện đội Mèo Vạc; theo lời ông kể lúc còn trẻ ông từng có mặt trong đội quân tiễu phỉ ở Cổng Trời, Đồng Văn. Ông bảo, dân tộc mình ít người lắm, nhưng rừng Củng Chá còn thì dân tộc mình còn. Theo điều tra dân số năm 1999, người Pen Ti Lô Lô (tên gọi khác là Ka Beo hay Pu Péo) trong 17 dân tộc ở huyện Đồng Văn, có số dân ít nhất, 705 người, tập trung chủ yếu ở xã Phố Là.

Theo lời nhắn của ông Củng Dìu Pháng, gần Tết năm ấy tôi đi Hà Giang. Cảnh quan trên đường vẫn như dạo nào. Đất trời mênh mang, cư dân thưa thớt, gió quất ràn rạt không ngừng nghỉ vào các vách núi trơ trụi, thảng gặp hai bên đường cây bụi lúp xúp cùng những nương rẫy của người Mông trỉa ngô trên hốc đá tai mèo. Đến thị trấn Phó Bảng, giáp với biên giới Trung Quốc, ông Củng Dìu Pháng ra đón và dẫn tôi theo con đường mòn về bản Củng Chá (thuộc xã Phố Là) quê ông. Củng Chá có vài chục ngôi nhà trình tường đất, mái lợp ngói ống rêu phong, tựa vào một khu rừng xanh tốt phía sau, đến đây du khách có cảm giác như gặp được một ốc đảo giữ hoang mạc. Ông Củng Dìu Pháng còn khỏe mạnh tinh tường, giờ thành già bản ở tuổi 70 rồi. Câu đầu tiên ông Pháng khoe với tôi là, đợt điều tra dân số mới nhất, người Pen Ti Lô Lô có tổng cộng 905, tức sau 10 năm số dân tăng được 200, nhà báo quân đội chia vui với dân tộc mình nhé!

Chúng tôi ra cửa rừng. Trên một bãi cỏ rộng, trai, gái đang tất bật sửa soạn bàn thờ, cỗ cúng. Ông Pháng bảo, lời thề giữ rừng có từ thuở xa xưa và người Pen Ti Lô Lô trọng cái “thật trước mắt”, nên coi rừng còn cao hơn cả trời. Bàn thờ thần Rừng được đặt chính giữa con đường mòn vào rừng Củng Chá, nhìn xéo về chóp đỉnh Đồng Văn. Dưới chân bàn buộc mấy con gà trống to cùng một con dê tơ. Loạt tàu lá chuối xanh mướt được các thanh niên trải trên bàn, mỗi tàu đặt một miếng trứng gà bên cạnh cái bánh chưng gói bằng nếp cẩm màu đen nhánh (tiếng Pen Ti Lô Lô gọi là mí uột lăng). Theo ông Pháng, mí uột lăng ăn vào đêm nay, 29 Tết, ngụ ý trút bỏ vận đen của năm trước. Sáng mai, mùng 1 thì mở mí uột lìn, tức bánh chưng trắng để đón vận may năm mới. Mỗi vuông lá chuối cúng tiến một vị thần, lần lượt: thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Nước, thần Gió, thần Mây. Hôm đó tôi đã gặp đứa cháu gái nội của già bản Củng Dìu Pháng, cháu vừa lẫm chẫm biết đi, béo mũm mĩm nom rất đáng yêu. Ông còn kể với tôi về đứa cháu cưng: Nó là bé đầu tiên của Củng Chá sinh tại nhà chứ không sinh tại rừng như tục lệ ngày trước. Thì ra quê ông trước đấy có một hủ tục, lúc người vợ sắp trở dạ, người chồng tức tốc cùng bà mụ đưa sản phụ vào rừng, dọn ổ đẻ dưới một gốc cây cổ thụ, dụng ý cho đứa bé chào đời dưới mái che của tán cây, hưởng thụ cái gió sương của núi rừng. Nhưng trọng vọng thần Rừng thái quá như thế, đứa trẻ sơ sinh rất có thể bị nhiễm lạnh, cắt rốn bằng cật nứa rất dễ nhiễm trùng, thậm chí còn bị muỗi chích, côn trùng cắn, từ đó sinh bệnh tật, èo uột. Đây cũng giải thích vì sao nạn hữu sinh vô dưỡng trở nên phổ biến, làm dân tộc này không tăng số dân được như bình thường. Thế rồi đến một ngày ánh sáng của văn minh, tiến bộ chiếu rọi vào Củng Chá và chính người cán bộ quân đội sau trở thành già bản Củng Dìu Pháng đã đi đầu tuyên truyền giải thích, vận động bà con trong bản, phải đẻ ở nhà, phải ra nhà hộ sinh có y tá, y sĩ đỡ đẻ thì đứa trẻ sinh ra mới khỏe mạnh, không bệnh tật...

Hôm nay cô gái Pen Ti Lô Lô thế hệ mới của Củng Chá theo chỉ dẫn của ông nội đã đến tìm tôi và cô cũng báo cho tôi biết một tin buồn, ông nội Củng Dìu Pháng của cô đã mất vào giữa năm ngoái, thọ 85 tuổi, sinh thời ông vẫn nhắc, cháu khi nào có dịp về Thủ đô viếng lăng Bác Hồ thì theo địa chỉ ông đã viết sẵn trên giấy đến tìm “nhà báo quân đội bạn của ông”.

Lúc cô bé trở về quê, tôi còn dặn, nhớ gửi cho ông cái ảnh cháu trong trang phục dân tộc ấy nhé. Ít lâu sau, từ Hà Giang cô gửi về cho tôi bức ảnh “thật trăm phần trăm”. Đầu cô đội khăn xanh, áo chàm thẫm màu có những vòng vải hoa trắng ở cánh tay, cổ tay; còn phía trước váy nổi lên làn vải xanh nước biển, cạp váy thì được viền hoa văn trắng đỏ vàng nom khá bắt mắt. Cô đang ngồi nơi cửa rừng Củng Chá cười rất tươi, khoe cái nanh khểnh.

Đại tá, nhà văn Phạm Quang Đẩu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-gai-pen-ti-lo-lo-n184950.html