Cô gái 22 tuổi bị biến chứng đục thủy tinh thể do tiểu đường

Sau vài tháng mắc bệnh tiểu đường, Đ.D (22 tuổi, Hà Nội) thấy mắt phải mờ hơn trước. Cô bất ngờ khi biết bị đục thủy tinh thể, phải phẫu thuật.

Tưởng tăng độ cận, không ngờ đục thủy tinh thể

Cách đây chừng 6 tháng, thấy cơ thể bị sụt cân nhanh nên D đi khám và phát hiện bị bệnh tiểu đường. Sau 4 tháng kết hợp điều trị tại nhà và bệnh viện, cô gái này nhận thấy mắt phải nhìn mờ dần. Lúc đầu, D còn lầm tưởng mắt bị tăng độ vì cô đang đeo kính cận -4 diop, loạn -1,5 diop.

Tuy nhiên, sau khoảng một tuần, thấy tình trạng mắt mờ, nhòe hơn, ở giữa lòng đen còn xuất hiện mảng trắng đục nên D đến khám tại bệnh viện khám.

Biến chứng từ bệnh tiểu đường khiến cô gái 22 tuổi bị đục thủy tinh thể cần phẫu thuật (ảnh minh họa).

Các bác sĩ xác định D bị đục thủy tinh thể mắt phải do biến chứng từ bệnh tiểu đường, phải nhập viện phẫu thuật thay thủy tinh thể mới. Bệnh này là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường, do lượng đường trong máu cao khiến thủy tinh thể tăng ngấm nước, mất độ trong suốt và làm giảm thị lực.

Ngoài ra, đường huyết cao sẽ khiến một loại enzyme trong thủy tinh thể chuyển đổi đường thành rượu đường, gọi là sorbitol. Sorbitol tích tụ làm cho thủy tinh thể trở nên nhiều mảng bám hơn, gây giảm thị lực.

Lưu ý biến chứng về mắt ở bệnh nhân tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường bị đục thủy tinh thể có thể phẫu thuật để loại bỏ thủy tinh thể bị đục, tuy nhiên, quá trình phục sau mổ sẽ lâu hơn, nguy cơ phản ứng viêm hoặc nhiễm trùng sau phẫu thuật cao hơn. Do đó, bệnh nhân sau phẫu thuật cần tuân thủ thời gian thăm khám và y lệnh điều trị để phòng tránh, phát hiện và xử lý sớm các biến chứng, đảm bảo kết quả phẫu thuật tốt nhất.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người mắc bệnh tiểu đường khi có biến chứng đục thủy tinh thể có thể còn kèm theo các biến chứng võng mạc khác. Ngoài ra, một số bệnh lý mắt khác cũng có thể gặp như chắp, lẹo, viêm bờ mi, khô mắt, tăng nhãn áp, liệt cơ vận nhãn.

Vì vậy, để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt do tiểu đường, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết, vận động thể lực thường xuyên thông qua các bài tập thể dục, bơi lội, yoga…; đồng thời, lưu ý khẩu phần ăn duy trì năng lượng vừa phải, chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa phụ, bổ sung nhiều trái cây và rau củ giàu chất dinh dưỡng (nhất là dinh dưỡng tốt cho mắt), duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị béo phì. Người bệnh cũng cần tránh hoặc bỏ thuốc lá, bảo vệ mắt khỏi tia cực tím bằng kính râm.

Ngoài ra, người bệnh cần thăm khám mắt định kỳ, chuyên sâu về biến chứng mắt do tiểu đường để kịp thời điều trị nếu xuất hiện biến chứng.

Dấu hiệu nhận biết:

Người bệnh bị đục thủy tinh thể biến chứng từ tiểu đường sẽ xuất hiện triệu chứng mắt nhìn mờ, khó nhìn hoặc mỏi mắt khi tập trung vào một vật nào đó. Biểu hiện là hay lóa mắt, nhìn ở ngoài sáng khó hơn khi nhìn ở nơi có bóng râm.

Ngoài ra, mắt có hiện tượng nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc, nhìn mờ như có màn sương che trước mắt gây khó khăn khi đọc sách báo, lái xe, leo cầu thang... Soi gương hoặc người khác nhìn vào lòng đen của người bệnh có thể thấy rõ mảng trắng đục.

Uyên Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-gai-22-tuoi-bi-bien-chung-duc-thuy-tinh-the-do-tieu-duong-192231106153536493.htm