Cổ đông VEAM chất vấn lãnh đạo loạt vấn đề 'nóng'

Loạt chất vấn của cổ đông VEAM liên quan đến các sai phạm cho vay tại Vetranco, xử lý hàng tồn kho, rủi ro pháp lý dưới thời lãnh đạo cũ, kế hoạch trả cổ tức...

Ngày 20/6, ĐHĐCĐ thường niên của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 1.187 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện năm trước đó.

Trong đó doanh thu sản xuất công nghiệp 1.105 tỷ đồng; doanh thu thương mại, dịch vụ gần 82 tỷ đồng. Doanh thu tài chính gần 6.580 tỷ đồng, tăng 11%. Lợi nhuận sau thuế 5.694 tỷ đồng, tăng khoảng 1%.

Tại Đại hội, cổ đông VEAM đã có nhiều câu hỏi chất vấn dàn lãnh đạo.

Liên quan đến thông tin cổ phiếu VEA bị đưa vào diện cảnh báo của Sở GDCK Hà Nội do ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán, VEAM có lộ trình khắc phục như thế nào vì ý kiến ngoại trừ này đã 3 năm rồi? Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo gì liên quan đến việc này không? Công ty có những bước đi cụ thể gì và liệu có phát sinh ý kiến ngoại trừ mới không và dự kiến khi nào chuyển niêm yết sang sàn HOSE?

Chủ tịch Nguyễn Khắc Hải: BCTC của VEAM, kiểm toán độc lập 3 năm qua đều đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ, hàng năm 2020, 2021 và 2022 VEAM đều có các văn bản giải trình ý kiến này. Các nội dung này đều tồn tại phát sinh từ nhiều năm trước, cần có thời gian để xử lý, giải quyết, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.

Trong quá trình giải quyết, xử lý các ý kiến kiểm toán ngoại trừ, VEAM luôn chủ động xin ý kiến các cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý các tồn tại, cũng như xin ý kiến Bộ Công Thương các vấn đề vượt thẩm quyền.

Các cơ quan chức năng và Bộ Công Thương đã có một số hướng dẫn, chỉ đạo và VEAM đang quyết liệt xử lý các tồn tại để dần loại trừ các ý kiến của đơn vị kiểm toán.

Ban lãnh đạo VEAM xác định việc niêm yết cổ phiếu tại sàn HOSE và HNX là mục tiêu quan trọng, cần kiên trì thực hiện. Trong năm 2023 cũng sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, nâng cao năng lực... để không phát sinh các ý kiến ngoại trừ mới.

VEAM sẽ có văn bản gửi UBCKNN và Sở GDCK Hà Nội đề nghị đưa cổ phiếu VEAM ra khỏi diện cảnh báo ngay, cũng như thực hiện thủ tục niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE và HNX sau khi đủ điều kiện.

VEAM có thể chia sẽ thông tin về kết quả kinh doanh năm 2022 và dự kiến tình hình kế hoạch kinh doanh năm 2023?

Tổng giám Phan Phạm Hà: Năm 2022, hầu hết các liên doanh của VEAM đều tăng trưởng khá cao so với năm 2021. Thị trường ô tô Việt Nam đã trải qua một năm sôi động với doanh số kỷ lục. Trong đó Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam thậm chí có mức tăng cao hơn mức tăng chung của WAMA. Honda Việt Nam vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về tiêu thụ xe máy với thị phần khoảng 80%.

Mặc dù thị trường đã bão hòa nhưng doanh số xe máy trong năm 2022 của Honda Việt Nam vẫn tăng tới 21% so với năm 2021. Thị trường ô tô tính chung quý 1/2023 gặp rất nhiều khó khăn, tổng tiêu thụ của các thành viên WAMA giảm 29% so với cùng kỳ 2022. Các liên doanh của VEAM cũng không phải ngoại lệ.

Tương tự, thị trường xe máy cũng trải qua quý 1/2023 với nhiều khó khăn. Honda Việt Nam vẫn chiếm phần lớn thị phần xe máy nhưng số lượng xe tiêu thụ đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Về chi tiết kế hoạch kinh doanh, xin phép không chia sẻ cụ thể với cổ đông, tuy nhiên có thể khẳng định các liên doanh đều có định hướng và giải pháp nhằm duy trì và phát triển thị phần cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong lĩnh vực hoạt động cốt lõi là sản xuất động cơ, máy nông nghiệp, VEAM đã phát triển được những sản phẩm, thị trường nào mới trong năm 2022? Kế hoạch phát triển sản phẩm, thị trường trong năm 2023 và các năm tiếp theo cụ thể thế nào?

Ông Phan Phạm Hà: Trong năm 2021-2022, VEAM đã phát triển thêm các sản phẩm phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như động cơ diesel công suất lớn của SVEAM, động cơ điện liền hộp giảm tốc của TAMAC, máy thổi khí của DISOCO, các sản phẩm cơ khí cung cấp cho lĩnh vực sản xuất ô tô của FUTU1, FOMECO...

Năm 2023 và các năm tiếp theo, VEAM tiếp tục hoàn thiện đi vào sản xuất loạt và mở rộng dải sản phẩm đối với các sản phẩm nói trên. Trong lĩnh vực ô tô, cùng với việc triển khai phát triển dòng sản phẩm xe tải VEAM áp dụng tiêu chuẩn khi thải Euro5 (dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường cuối 2023 và đầu 2024), nhà máy ô tô VEAM đang đàm phán hợp tác với các đối tác có thương hiệu để lắp ráp các sản phẩm tại Việt Nam nhằm phát triển sản xuất và tăng hiệu quả.

Kế hoạch tiêu thụ xe tải cũ Euro2, xe Changan đang thực hiện đến đâu? Công ty có lộ trình giải quyết và đánh giá rủi ro của việc chậm giải phóng xe tồn kho không và biện pháp mạnh mẽ gì để kiểm soát rủi ro này?

Ông Phan Hà Phạm: VEAM đã thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá và thuê tư vấn xây dựng phương án xử lý/bán các xe tồn kho Euros2. Trên cơ sở đó, VEAM đã tích cực triển khai bán đấu giá để có thể tiêu thụ hàng tồn kho nhanh nhất. Tuy nhiên, việc bán hàng giảm giá cần đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Trong giai đoạn cuối 2021 đến hết 2022, VEAM đã tổ chức bán đấu giá 4 lần đối với xe tồn kho của VM nhưng chưa có khách đăng ký mua xe do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan (các dòng xe đã lỗi mốt, giá khởi điểm đấu giá vẫn đang cao), lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và việc vay vốn mua xe tải của khách hàng nói riêng.

Hiện VEAM đang tiếp tục tiến hành tổ chức đấu giá rộng rãi xe tồn kho theo lô. Đối với xe tồn kho Changan, VEAM đang tiến hành các thủ tục thuê thẩm định giá làm cơ sở xác định giá khởi điểm bán đấu giá lô hơn 150 xe đã nhập này.

Đối với lô 1.500 linh kiện xe Changan, VEAM đang tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của VEAM, cũng như cơ sở pháp lý chặt chẽ để giải quyết, xử lý các tồn tại liên quan. VEAM quyết tâm giải quyết các tồn kho nói trên trong thời gian sớm nhất (dự kiến trong năm 2024). Để kiểm soát rủi ro, VEAM đang thực hiện trích lập dự phòng đối với các xe tồn kho trên.

Các vấn đề tồn tại cũng như hoạt động điều tra, xác minh, khởi tố ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của VEAM?

Thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Tiến Vỵ: Vừa qua, các sai phạm liên quan đến hoạt động cho vay tại Vetranco, dự án sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung và việc thực hiện thỏa thuận VEAM-ZIBO đã được Tòa án xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và tuyên án.

Sai phạm trong hoạt động bán hàng và mua sắn vật tư sản xuất tại nhà máy Ô tô VEAM cũng đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Trên cơ sở bản án có hiệu lực, VEAM đang triển khai các trình tự, thủ tục thu hồi những tài sản bị thất thoát và giải quyết một cách hiệu quả những hậu quả pháp lý liên quan.

Kết luận của cơ quan chức năng sau quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với những vi phạm này cũng là cơ sở để VEAM có định hướng trong việc giải quyết hậu quả của những vi phạm nói trên, cũng như là bài học, kinh nghiệm cho công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Các hoạt động điều tra, truy tố liên quan đến những sau phạm xảy ra tại VEAM và các đơn vị thành viên có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của VEAM. Tác động không nhỏ đến cổ đông.

Để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực này, VEAM chủ động khắc phục, phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn. Đồng thời thành lập các tổ, ban chuyên môn...

Các vấn đề pháp lý dưới thời các lãnh đạo trước đây đã xử lý hết chưa và còn rủi ro nào không?

Ông Nguyễn Tiến Vỵ: VEAM không thụ động chờ kết quả xử lý từ các cơ quan chức năng mà chủ trương phối hợp nhằm nhanh chóng kết thúc các vụ việc. Ngoài ra, trong từng vấn đề cụ thể, VEAM cũng xem xét để chủ động khắc phục sớm các hệ quả xảy ra từ những vụ việc đang xác minh, bao gồm chủ động khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của VEAM.

VEAM dự tính khi nào sẽ chỉ cổ tức năm nay? Dự tính mức cổ tức năm sau là bao nhiêu? Ngoài việc chi cổ tức, Ban lãnh đạo VEAM có kế hoạch gì để gia tăng lợi ích cho các cổ đông?

Ông Nguyễn Khắc Hải: Phương án và lộ trình chi trả cổ tức năm 2022 được VEAM xây dựng và theo quy định phải xin ý kiến Bộ Công Thương về phương án phân phối lợi nhuận. Hiện nay Bộ Công Thương chưa có ý kiến về việc chấp thuận phân phối lợi nhuận năm 2022.

Theo dự kiến, mức cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt 3.730 đồng/cp. Trường hợp Bộ Công Thương không đồng ý cho để lại lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng để dự phòng cho việc trích lập dự phòng các khoản cho vay hỗ trợ vốn thì mức cổ tức năm 2022 dự kiến là 4.180 đồng/cp.

Về mức cổ tức năm 2023, lợi nhuận kế hoạch dự kiến tương đương thực hiện năm qua nên cổ tức cũng tương đương. Ngoài việc chi trả cổ tức, VEAM đang thực hiện chính sách chi trả 100% cổ tức bằng tiền mặt.

Ngoài ra, VEAM cũng thực hiện tái cơ cấu, tiết giảm chi phí, nâng cao công tác quản trị đối với các công ty con, liên kết, tìm kiếm các cơ hội đầu tư nhằm đem lại sự ổn định lâu dài cho VEAM, góp phần gia tăng lợi ích tích lũy cho cổ đông nắm giữ cồ phiếu VEA.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/co-dong-veam-chat-van-lanh-dao-loat-van-de-nong-177046.html