Có đáng đánh đổi mạng sống để thực hiện trào lưu 'Nói là làm' trên mạng?

Ai cũng biết mạng sống của mỗi con người là vô giá, nhưng có những người trẻ lại sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình chỉ vì thực hiện lời thách thức và nhận được like – sự cổ vũ ảo trên mạng xã hội. Cùng bàn thêm về câu chuyện này chúng tôi có cuộc trò chuyện với giảng viên tâm lý Trần Thu Hương – Trường ĐH KHXH &NV, ĐHQGHN.

PV: Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu “Nói là làm” của một số người trẻ đăng status câu like trên Facebook. Họ tuyên bố, nếu được một số like (1000 hoặc hàng chục nghìn lượt thích) thì chủ nhân của lời thách thức sẽ thực hiện những hành động quá khích như tự thiêu, phóng hỏa, nhảy cầu… Là giảng viên tâm lý học của một trường Đại học, xin bà cho biết hiện tượng này cho thấy điều gì đang xảy ra ở lớp trẻ?

-Đây là câu chuyện liên quan đến lứa tuổi. Nếu chúng ta xếp nhóm tuổi những người dễ đưa ra các thách thức và tìm cách thực hiện thách thức đó nhằm minh chứng tôi là ai, tôi như thế nào, tôi có hình ảnh như thế nào trong mắt người khác thì phần lớn họ sẽ thuộc nhóm tuổi từ 16 – 25 và có đặc điểm tâm lý khá rõ ràng.

Độ tuổi này có những biến đổi, xung động về mặt thể chất và tinh thần rất lớn, giai đoạn của khủng hoảng bản sắc, nhân cách bị rối loạn. Họ chưa biết giá trị thực sự của bản thân mình ở đâu; hoang mang giữa giá trị ở sắc đẹp, học vấn, thông minh hay chỉ là thực hiện bằng được những lời thách thức để chứng minh bản thân có cá tính, khác với người khác. Và những giá trị này có thể đúng, có thể sai, có thể chuẩn mực, có thể không chuẩn mực.

Việc nhầm lẫn, mập mờ giữa các giá trị dễ dẫn đến các hành vi nguy cơ lớn và giới trẻ không xác định được điều này.

Còn độ tuổi từ 26 trở lên, con người ta thường trầm xuống, điềm tĩnh hơn,nhìn nhận các vấn đề khác hơn nên không có chuyện 1000 like, hay 8000 like tôi sẽ làm cái nọ cái kia, tất nhiên vẫn có trường hợp xảy ra nhưng tỉ lệ ít hơn.

Ngoài sự khủng hoảng giá trị như đã nói ở trên, vấn đề còn ở câu chuyện giáo dục về mặt văn hóa. Bởi đây là hệ quả của xâm lấn, tiếp biến, giao lưu văn hóa.

Ở thời mở cửa, các nền văn hóa phương Tây xâm nhập tạo ra sự xâm lấn, văn hóa Việt Nam dù cổ truyền nhưng vẫn là nhỏ. Khi lớp trẻ tiếp nhận cùng đồng thời giá trị truyền thống, giá trị từ phía bên ngoài mà chưa có được chỉ dẫn nên chọn giá trị nào đích thực cho mình, phù hợp cho mình, tốt cho mình nên họ nhầm lẫn, lẫn lộn và dễ mất định hướng. Thực tế những tiếp nhận văn hóa bên ngoài của họ chưa chắc đã phù hợp với nền văn hóa Việt Nam, hoặc có những xung đột với giá trị truyền thống nên mất định hướng, mâu thuẫn khiến họ ảo tưởng bản thân, có thể đánh giá bản thân quá cao hoặc quá thấp.

Giảng viên tâm lý Trần Thu Hương chia sẻ với báo Tổ Quốc. Ảnh cung cấp.

PV: Nhưng thưa bà, tại sao cộng đồng cũng lại ủng hộ những thách thức mang tính điên rồ như vậy, bởi thế nên chủ nhân của lời thách thức mới đạt được số like (thích) lên đến hàng nghìn lượt như vậy?

-Cần phải xác định “cộng đồng” ở đây là gồm những ai, phần lớn là bạn bè đồng lứa. Nếu chỉ đơn thuần trong nhóm tuổi, thì họ sẽ rất dễ đồng tình với câu chuyện đó, họ sẽ kích thích nhau, có suy nghĩ theo cùng một kiểu. Còn những người không cùng lứa tuổi, người trung niên thì họ nghĩ rằng đây là một sự điên rồ.

PV: Vậy tại sao, trong danh sách bạn bè của chủ nhân những lời thách thức đó có cả người thân, có cả người trung niên mà lại không ngăn cản?

-Họ không can thiệp vì dù thấy câu chuyện đưa ra bất ổn, điên rồ, nhưng họ nghĩ đây là trò đùa, không xảy ra. Còn sự tham gia cổ vũ đồng tình phải là đối tượng đồng trang lứa vì họ ở cùng một cách suy nghĩ.

PV: Thưa chuyên gia tâm lý, như vậy có nghĩa là sự thách thức hay trào lưu “Nói là làm” không chỉ diễn ra ở một vài cá thể mà còn có khả năng diễn ra ở nhiều trường hợp khác?

-Hoàn toàn có thể diễn ra ở mức độ rộng, tuy nhiên hành vi sẽ khác. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa sẽ theo cùng cách đấy.

Nói trực tiếp, mặt đối mặt với nhau thì rất khó. Nhưng mạng xã hội là ảo, người ta chưa biết nhau, không biết nhau, họ cổ vũ, kích thích nên tạo ra hiệu ứng mà nhiều người không để tâm. Thế giới ảo là sự mô tả sát thực nhất bản chất con người.

PV: Đã có rất nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng mạng là ảo nhưng hậu quả là thật, ý kiến của bà như thế nào?

-Khi mà người ta không biết nhau, thì cái việc mình “đánh” người khác mà người ta không nhìn thấy mình sẽ tạo ra hiệu ứng rất lớn. Chứ nếu mặt đối mặt thì sự phản ứng sẽ khác. Vì thế những kích thích từ cộng đồng mạng đối với các hành vi nguy cơ sẽ tạo ra sự sai lệch đạo đức rất lớn, họ cho phép mình muốn nói bất cứ điều gì ở mạng ảo cũng được vì không ai biết, không phán xét được mình.

PV: Vậy bà có thể đưa ra cảnh báo đối với những ứng xử cá nhân và cộng đồng trong thế giới ảo?

-Nếu là những vấn đề tiêu cực thì hậu quả sẽ gấp nhiều lần so với thông thường. Tôi chỉ lấy ví dụ, nếu trường hợp đánh nhau ngoài phố mà đám đông can thiệp trực tiếp thì hậu quả sẽ giảm, còn nếu ngược lại, đám đông cổ vũ thì mức độ nghiêm trọng càng tăng lên. Còn ảo, nếu người ta cứ ném đá thì sự tiêu cực càng nhiều hơn nữa.

Một câu chuyện từng xảy ra gần đây, khi một học sinh lỡ đánh một bạn khác, và vị phụ huynh của bạn bị đánh bắt bạn phải quỳ xuống xin lỗi. Nhưng việc quỳ xuống xin lỗi lại được quay clip lại và tung lên mạng rồi lan truyền khắp nơi khiến bạn đó phải tự tử.

Ảnh minh họa. Nguồn Tuổi trẻ cười.

Nếu không có clip tung lên mạng chưa chắc học sinh này đã tự tử, vì chỉ có một số người biết, còn đưa lên mạng thì mang tính tăng tiến lũy thừa nên ảnh hưởng đó lớn hơn rất nhiều so với bình thường. Mạng xã hội bên cạnh mặt tích cực thì cũng là nơi tạo ra ảnh hưởng tiêu cực. Dường như càng ngày mạng xã hội tác động tiêu cực càng lớn khiến nhiều người mất bình tĩnh và không nhìn rõ vấn đề và đủ bình tĩnh để làm chậm lại … dẫn đến phản ứng lớn, sẽ làm chúng ta không giải quyết được vấn đề khác. Mà khi nhìn nhận một vấn đề thật bình tĩnh có khi câu chuyện đã khác hoặc có khi không đến mức độ nặng nề như vậy.

Có một thực nghiệm ở Nga được tiến hành để xem mức độ gây hấn của con người đến đâu trong tình huống cụ thể. Nhà tâm lý người Nga yêu cầu người đi qua đánh mình bất kể dùng hình thức nào. Ban đầu, giới hạn về mặt đạo đức, người ta cảm thấy e ngại khi tự nhiên ra tay đánh người nên đánh nhẹ. Nhưng về sau người ta thấy thích thú vì được đánh nên ra tay mạnh, và càng ngày càng gia tăng, có người dùng kim đâm, châm gây tổn thương… điều này cho thấy mức độ gây hấn của con người gia tăng kinh khủng nếu được cỗ vũ.

PV: Vậy bà có thể đưa ra giải pháp để ngăn chặn những thách thức “Nói là làm”đã và đang diễn ra trên mạng xã hội không ạ?

-Thực ra rất khó kiểm soát được mạng xã hội. Nhưng chỉ có điều mỗi người hãy nghĩ chậm lại trước mỗi sự việc. Càng ngày các mối quan hệ càng dày đặc khiến sự căng thẳng con người càng cao hơn, và họ phải tìm chỗ xả, nếu bị kìm nén đến lúc bung ra càng mạnh.

Trong gia đình, ông bà, bố mẹ, cần giáo dục lớp trẻ mọi giá trị và có sự hài hòa giao thoa giữa giá trị truyền thống và hiện đại để những người trẻ nhìn thấy cái nào ổn, cái nào không ổn. Ngoài ra cũng nên đưa ra những câu chuyện để lại hậu quả nghiêm trọng từ thực tế để cảnh báo lớp trẻ. Tuy nhiên, ngay cả người lớn cũng phải hành xử phù hợp, phải đúng thì người trẻ mới không bị định hướng sai.

Cùng với đó, phải có người nói được, chỉ ra những sai trái để ít ra tạo làn sóng khiến người hành động chững lại, suy nghĩ lại thì sẽ làm chậm lại khi ra quyết định.

Cảm ơn chia sẻ của bà!

Ngày 9/10, một nữ sinh lớp 8 tại Khánh Hòa đã tưới nửa lít xăng xung quanh phòng y tế trường học rồi châm lửa đốt trong sự hò reo, cổ vũ của bạn bè phía sau. Trước đó, cô đăng tải một status trên Facebook "châm lửa đốt trường", nếu được 1.000 like (thích) sẽ châm lửa đốt trường. Không ngờ số like nhanh chóng vượt mức 1.000. Cô bị bạn bè ép, dọa phải làm như những gì đã nói nếu không sẽ bị đánh. Cuối cùng cô đã mua xăng, châm lửa đốt, ngọn lửa đã bùng lên, cháy một góc phòng y tế, sát phòng Phó hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngũ Lão (thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa). May mắn sau đó lửa đã được dập tắt, còn cô gái đốt bị cháy xém tóc và bỏng nhẹ.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2016, một thanh niên Sài Gòn cũng đăng tải một bức ảnh trên Facebook kèm theo dòng chữ: "Bức hình này nếu đủ 40.000 like tôi đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy xuống cầu Tân Hóa. Đủ like sẽ làm, tôi nói tôi làm!. Share mạnh, có cái hay hấp dẫn để xem. Chỉ trong ngày hôm đó đã có 80.000 lượt like. Và lời thách thức đã được chủ nhân thực hiện tại khu vực cầu Tân Hóa với việc thanh niên này đã tự mua xăng tưới lên người, châm lửa đốt và nhảy xuống kênh. Kèm với đó, thanh niên này không quên nhờ bạn quay lại clip để chứng minh hành động "Nói là làm" của mình.

Hà Anh (Thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/co-dang-danh-doi-mang-song-de-thuc-hien-trao-luu-noi-la-lam-tren-mang-215269.html