Dân văn phòng Trung Quốc không dám nhảy việc

Nhiều người lao động tại đất nước tỷ dân quyết định không nhảy việc trong tương lai gần. Thị trường tuyển dụng cạnh tranh, các công ty liên tục sa thải khiến họ e ngại.

 Cổ cồn trắng Trung Quốc đề cao việc làm có tính ổn định, họ không còn nhu cầu nhảy việc trong thời điểm hiện tại. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Cổ cồn trắng Trung Quốc đề cao việc làm có tính ổn định, họ không còn nhu cầu nhảy việc trong thời điểm hiện tại. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Mei Yiou đã làm cố vấn đầu tư cho một công ty chứng khoán ở Thượng Hải (Trung Quốc) kể từ khi cô tốt nghiệp đại học 5 năm trước. Gần 30 tuổi, Mei Yiou cho biết mình đã kiệt sức và sẵn sàng thay đổi.

"Tôi không muốn làm việc bàn giấy nữa. Trở thành nhà tư vấn đầu tư đồng nghĩa với việc tôi phải mang theo máy tính đi khắp mọi nơi, trực 24 giờ một ngày, cần đạt được mục tiêu bán hàng và kết nối liên tục với khách. Áp lực của tôi quá lớn”, cô nói với Sixth Tone.

Mei đã bắt đầu tìm việc từ tháng 7 năm ngoái, thậm chí còn dự hội chợ việc làm, nhưng cô vẫn chưa nhận được một lời đề nghị phỏng vấn nào.

“Hiện tại rất khó để nhảy việc”, Mei khẳng định.

 Cổ cồn trắng ở Trung Quốc không dám nghỉ việc. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Cổ cồn trắng ở Trung Quốc không dám nghỉ việc. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Mei không phải là người duy nhất trì hoãn việc tìm kiếm công việc mới. Chỉ vài năm trước, thay đổi công việc là chuyện thường ngày đối với cổ cồn trắng ở các thành phố lớn của Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành như tài chính hoặc công nghệ.

Trong một số trường hợp, nhân viên chỉ đơn giản là từ chức, họ không cần có công việc ngay sau đó mới dám nghỉ. Tất cả tin rằng với trình độ, khả năng của họ, kiếm được công việc mới là điều hiển nhiên.

Nhưng một báo cáo gần đây từ nền tảng tuyển dụng Zhaopin cho thấy 18,9% dân văn phòng của Trung Quốc cho rằng tìm việc làm sẽ “rất khó khăn” trong năm nay, tăng từ 12,6% của năm 2023.

Tỷ lệ người lao động bàn giấy tích cực tìm kiếm việc làm đã giảm gần 20%, xuống 45,4%.

Khi thị trường việc làm thay đổi, người lao động giờ đây đánh giá cao sự ổn định.

Kỳ thi công chức, nơi hứa hẹn việc làm trọn đời cho những ứng viên thành công, đã lập kỷ lục đăng ký trong những năm gần đây.

Và những nhân viên như Mei, những người có thể từng nhảy việc và tìm ra nơi làm việc hiện tại, đang ngày càng cam chịu ở lại, ít nhất là trong thời điểm này.

Tìm kiếm nền đất vững chắc

Zhang Jianyong, người sáng lập của JobWell Consulting, công ty hỗ trợ tuyển dụng, có trụ sở tại Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc), cho biết mong muốn ổn định là sở thích chung đáng chú ý nhất của những người tìm việc mà ông đã gặp gỡ trong năm nay.

Trước đây, những ứng viên có kinh nghiệm thường muốn làm việc tại các công ty khởi nghiệp nhỏ. Họ thích lợi thế tiềm tàng của việc trở thành “trụ cột” trong một công ty startup hơn là cuộc sống cực nhọc của vai trò “ốc vít” trong một tập đoàn khổng lồ.

 Trước đây, những người lao động nhiều kinh nghiệm có xu hướng đầu quân về các starup để trở thành "trụ cột", nhưng giờ đây, họ ưu tiên làm việc trong các tập đoàn lớn để ổn định hơn. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Trước đây, những người lao động nhiều kinh nghiệm có xu hướng đầu quân về các starup để trở thành "trụ cột", nhưng giờ đây, họ ưu tiên làm việc trong các tập đoàn lớn để ổn định hơn. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Nhưng số lượng người tìm việc sẵn sàng đặt cược số phận vào các công ty nhỏ đã giảm đáng kể trong năm nay, theo Zang.

“Những người đi tìm việc đang quan tâm đến các công ty lớn nhất trong lĩnh vực của họ. Xu hướng này đang trở nên cực kỳ rõ ràng", anh nói thêm.

Những vị trí trong các doanh nghiệp lớn vẫn hấp dẫn ngay cả khi họ bị giảm lương.

Theo Zhang, nhảy việc từng là một cách để nhân viên tăng lương, thưởng. Thậm chí, nhảy việc đúng lúc còn giúp họ có thể tăng lương gấp đôi.

Nhưng giờ đây, nhiều khách hàng của anh nói rằng họ sẵn sàng kiếm ít tiền hơn để chuyển đổi.

Báo cáo của Zhaopin cho thấy gần 25% người tìm việc cho biết họ mong muốn kiếm được mức lương bằng hoặc thấp hơn công việc hiện tại nếu chuyển sang một vị trí mới.

Đòn bẩy quá ít

Một lý do khiến người nhảy việc bi quan là do kế hoạch tuyển dụng bị thu hẹp của các công ty. Khi đòn bẩy chuyển về phía người sử dụng lao động, một số công ty đang cắt giảm số lượng nhân viên và yêu cầu nhiều hơn từ những ứng viên tiềm năng.

 Các công ty không còn đầu tư vào việc tuyển dụng, thị trường việc làm khan hiếm nên người lao động Trung Quốc không còn muốn nhảy việc. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Các công ty không còn đầu tư vào việc tuyển dụng, thị trường việc làm khan hiếm nên người lao động Trung Quốc không còn muốn nhảy việc. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Zhang cho biết một số đối tác lớn nhất của anh đã cắt giảm chi phí săn đầu người trong quý đầu tiên năm 2024.

One, một công ty công nghệ, đã cắt giảm khoảng 50% chi phí để tuyển dụng. Một công ty đầu tư năng lượng mới mà Zang hợp tác đã giảm chi tiêu săn đầu người từ hàng chục triệu NDT mỗi năm xuống gần như bằng 0 kể từ cuối năm 2023.

Theo Zhang, các công ty hiện muốn tuyển dụng những nhân viên trẻ hơn, có trình độ học vấn tốt hơn và có hiệu suất mạnh mẽ hơn.

Và với thị trường việc làm khan hiếm như hiện tại, các công ty có thể có được ứng viên tiềm năng mà không cần tăng lương.

Trong khi đó, các công ty sa thải nhân viên không nhất thiết phải tuyển người thay thế.

Thay vì thuê nhân viên mới để lấp chỗ trống sau khi người cũ rời đi, Mei cho biết các công ty chỉ đơn giản là phân bổ khối lượng công việc cho các nhân sự khác.

“Công ty đang làm tất cả để ‘giảm chi phí và tăng hiệu quả'. Đó là một tuyên ngôn mới của các doanh nghiệp, họ mong đợi nhân viên làm được nhiều việc hơn trong bối cảnh công ty đang ít nguồn lực”, Mei nói.

Bất chấp sự thất vọng của mình, Mei cùng nhiều người khác vẫn sẽ tiếp tục công việc hiện tại trong tương lai gần.

Thiên An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dan-van-phong-trung-quoc-khong-dam-nhay-viec-post1476161.html