Có chữa khỏi hoàn toàn đái tháo đường được không?

Có nhiều trường hợp thuyên giảm bệnh khiến nhiều người nhầm tưởng rằng có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường.

Lầm tưởng thuyên giảm bệnh và chữa khỏi hoàn toàn đái tháo đường

Hiệp hội Nghiên cứu Đái tháo đường Châu Âu đã đưa ra một khái niệm về tình trạng thuyên giảm bệnh hoặc bệnh ổn định không cần dùng thuốc. Lúc này tình trạng HDL-C của người bệnh sẽ ở mức dưới 6% trong vòng ít nhất 3 tháng mà không cần dùng thuốc.

Những người mới chẩn đoán mắc đái tháo đường kèm theo béo phì, sau khi giảm cân bằng thuốc điều trị, chế độ ăn, luyện tập giảm cân... có thể xảy ra tình trạng thuyên giảm bệnh đái tháo đường. Trong trường hợp người bệnh có tình trạng thuyên giảm bệnh, vẫn cần theo dõi thường xuyên các chỉ số tránh tình trạng bệnh tái phát và tiến triển. Bên cạnh đó vẫn phải duy trì chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh. Đối với những người gặp tình trạng thuyên giảm đái tháo đường, các biến chứng của đái tháo đường cũng theo đó giảm xuống so với những người đường máu cao.

BSCKII Lê Thị Phương Huệ trả lời việc có chữa khỏi được bệnh đái tháo đường hay không.

Đái tháo đường có chữa được không? Có nhiều trường hợp được cho là đã chữa khỏi đái tháo đường. Tuy nhiên, đó có lẽ là bị nhầm lẫn "đã chữa khỏi đái tháo đường" do người bệnh chưa thực sự bị đái đường hoặc chẩn đoán nhầm. Hoặc có một tình trạng tăng đường huyết thoáng qua do stress cấp. Sau khi bệnh nhân hết stress cấp sẽ trở về mức đường máu bình thường. Những trường hợp này không gọi là chữa khỏi đái tháo đường mà được gọi là tăng đường huyết. Hiện nay chưa có loại thuốc nào giúp chữa khỏi được bệnh đái tháo đường.

Mỗi người bệnh đái tháo đường cần biết đây là bệnh rối loạn chuyển hóa glucose mạn tính. Bệnh có thể kiểm soát bằng duy trì lối sống khoa học: chế độ ăn, tập luyện, sử dụng thuốc điều độ, khám định kỳ. Người bệnh không nên tin vào các thuốc quảng cáo chữa khỏi đái tháo đường. Từ đó dẫn tới bỏ thuốc hay không tuân thủ quá trình điều trị. Điều này có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Hiện chưa có loại thuốc nào chữa khỏi được bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có di truyền không?

Nhiều người thường lo lắng liệu bệnh đái tháo đường có di truyền không? Bệnh đái tháo đường không được xem là bệnh di truyền nhưng có yếu tố di truyền. Các trường hợp thế hệ cận kề (bố hoặc mẹ) sẽ làm gia tăng tỷ lệ đái tháo đường ở con lên tới 15-20%. Đặc biệt nếu cả bố và mẹ đều mắc đái tháo đường có thể làm tăng 40-50% nguy cơ mắc bệnh ở con cái.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào có bố mẹ mắc đái tháo đường con cũng mắc đái tháo đường. Nếu bạn là người có nguy cơ mắc đái tháo đường, cần tầm soát sớm bằng cách duy trì lối sống khoa học. Ví dụ như tăng cường tập luyện, ăn uống khoa học để tránh tình trạng tăng cân, béo phì… Việc duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp những người có nguy cơ cao mắc đái tháo đường tránh được đái tháo đường khởi phát.

Một số địa chỉ khám, chẩn đoán và điều trị đái tháo đường

Khoa Đái tháo đường - Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Cơ sở 1: Ngõ 215 Ngọc Hồi, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Cơ sở 2: Số 80, ngõ 82 Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội.
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng - Đống Đa- Hà Nội.
Trung tâm Y khoa số 1 - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Nhà A5, số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.
Khoa Nội tiết - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo - Hai Bà Trưng - Hà Nội.
Khoa Nội tiết - Bệnh viện Thanh Nhàn. Địa chỉ: Số 42 Thanh Nhàn- Hai Bà Trưng - Hà Nội.

BSCKII Lê Thị Phương Huệ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-chua-khoi-hoan-toan-dai-thao-duong-duoc-khong-16923051021131021.htm