Cơ chế thông thoáng cho khoa học công nghệ

(VietQ.vn) - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học công nghệ (KH&CN) vừa ban hành đặt trọng tâm phát triển mạnh mẽ, làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020...

Nhân dịp Xuân Quý tỵ 2013, PV Chất lượng Việt Nam đã phỏng vấn PGS. TS Phạm Văn Linh – Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, một số nội dung về nghị quyết nói trên.

Thưa ông, gần đây Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về phát triển KH&CN, xin ông đánh giá vài nét về nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc triển khai nghị quyết nói trên vào cuộc sống?

Như chúng ta đã thấy, từ ngày 01 – 15/10/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIđã họp. trong nhiều nội dung của hội nghị, có một nội dung quan trọng được Trung ương thông qua và trở thành Nghị quyết đó là việc phát triển KH&CN, phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

PGS. TS Phạm Văn Linh cho rằng, kinh nghiệm của các quốc gia đều cho thấy, muốn có năng suất cao, muốn phát triển thì quan tâm đầu tư KH&CN gắn bó trực tiếp với các doanh nghiệp.

Từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết tới nay, các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan chức năng cũng rất nhiều hoạt động tuyên truyền, làm rõ các nội dung của Nghị quyết.

Hiện nay, trong toàn đảng cũng đang đẩy mạnh triển khai học tập Nghị quyết nói trên. Trong chương trình hành động, cho đến tận cơ sở, chậm nhất đến hết tháng 3/2013 là phải triển khai và hoàn thiện các chương trình học tập. Các cơ quan chức năng cũng đang xây dựng chương trình hành động riêng cho mình.

Rút kinh nghiệm, phát huy những mặt được và đặc biệt là khắc phục những mặt hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8, từ năm 1996 – nay. Trọng tâm là phải đi sâu, làm rõ những điểm mới, đột phá. Đặc biệt là với 6 nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 6 đã ban hành về KH&CN.

Đối với các doanh nghiệp, một yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp dành một khoản kinh phí bắt buộc để đầu tư vào KH&CN, để doanh nghiệp làm tốt việc này, theo ông thời gian tới doanh nghiệp cần làm gì?

Trong Nghị quyết của Trung ương vừa qua có 5 quan điểm lớn, trong đó có một nội dung rất quan trọng liên quan đến doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ công là trung tâm của đổi mới, ứng dụng tiến bộ KH&CN, là nguồn cầu quan trọng để thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển.

Đảng và Nhà nước cũng quan tâm ban hành nhiều văn bản và đặc biệt là nội dung và định hướng chỉ đạo lần này của Trung ương, đề cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, với tư cách là trung tâm đổi mới và ứng dụng KH&CN. Chúng ta cũng xác định, vừa có các chính sách động viên, khuyến khích, nhưng cũng vừa có chế tài để thúc đẩy đổi mới, tiến bộ, ứng dụng KH&CN.

Sự phát triển của nền kinh tế, sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế cũng đặt ra áp lực với các doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện mới. Nếu không đổi mới KH&CN, nhất là cập nhật những vấn đề mới, công nghệ thế giới, đáp ứng nhu cầu trong nước thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ không tồn tại được trong quá trình phát triển nay.

Các địa phương, các đầu tầu kinh tế lớn của đất nước phải có trách nhiệm thúc đẩy phát triển KH&CN không chỉ cho địa phương mình mà còn ở phạm vi vùng, để các địa phương đó thể hiện được sức mạnh, phát huy vai trò của mình, theo ông họ cần làm gì trong thời gian tới?

Ở nước ta, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai nơi tập trung lớn nhất đội ngũ các nhà khoa học, tiềm lực KH&CN của đất nước. Đấy cũng là thực tế phát triển nhiều năm qua của các địa phương này.

Với lợi thế phát triển KH&CN mạnh và với lợi thế xác định là đầu tầu phát triển kinh tế của mỗi vùng. Chính vì thế, Hà Nội và TP. Hồ Chính Minh chắc chắn sẽ phải coi trọng phát triển hơn nữa, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quá trình phát triển của mình.

Hiện cũng đặt ra một vấn đề, bản thân hai thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong mục tiêu phát triển phải đi trước một bước so với bình quân chung của cả nước, đạt tới đích trở thành địa phương công nghiệp theo hướng hiện đại.

Từ yêu cầu như vậy gắn với đổi mới cơ cấu, mô hình tăng trưởng, điều đặt ra cho KH&CN ở các địa phương đó là rất lớn. Các địa phương đó phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó phải thực hiện, xây dựng, hình thành các nhiệm vụ KH&CN trong từng thời kỳ. Huy động tối đa nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất về KH&CN để phát huy, gắn kết chặt chẽ các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai; giữa các nhà nghiên cứu, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Với hướng đi đó và cùng với các giải pháp khác sẽ thúc đẩy các địa phương phát triển đồng bộ.

Ưu tiên phát triển khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Ảnh minh họa

Thực tế vừa qua nổi cộm vấn đề cơ chế tài chính và đãi ngộ cho các nhà khoa học, theo ông để từng bước giải quyết triệt để các vấn đề như vậy, chúng ta cần làm gì trong thời gian tới?

Ở đây xác định có hai vấn đề lớn là cơ chế tài chính và vấn đề thực hiện, nhìn nhận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Về cơ chế tài chính, trong quá trình tổng kết để xây dựng đề án chúng ta cũng đã thấy rõ có một lực cản đối với KH&CN nếu như chúng ta vẫn làm theo cách trước đây.

Chắc chắn rằng có nhiều nội dung trong Nghị quyết của Trung ương, các giải pháp cũng đề cập. Trong đó cần đặc biệt lưu ý, coi trọng giải pháp thực hiện cơ chế tài chính theo quỹ, rà soát lại phân bổ ngân sách, phân cấp quản lý… nhiều nội dung đó sẽ có các hỗ trợ khác nhau để khắc phục những ảnh hưởng giữa nghiên cứu khoa học và thực hiện các quyết toán theo năm tài chính.

Điều quan trọng hơn là trách nhiệm của các ngành, trực tiếp là ngành tài chính cần phối hợp với KH&CN để từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Đối với trí thức, chúng ta đã có nhiều văn bản, chính sách về vấn đề này. Trong Nghị quyết về KH&CN vừa qua đã xác định có các đối tượng trọng tâm để có hỗ trợ đặc biệt hơn, khuyến khích các đối tượng sáng tạo, nhất là các chuyên gia đầu ngành, những chuyên gia được giao những công trình trọng điểm của quốc gia, những tài năng trẻ… bởi trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn thì cần phải chọn lọc các đối tượng chính làm trước. Còn tiếp theo sẽ có các chính sách phù hợp với các đối tượng chính sách chung như chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đã đề cập.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Nam (thực hiện)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/khoa-hoc-cong-nghe/267-co-che-th244ng-tho225ng-cho-khoa-hoc-c244ng-nghe