Cơ chế một cửa quốc gia: Cần nhanh chóng tháo gỡ rào cản

Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) được kỳ vọng trở thành công cụ mang lợi nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí dịch vụ công để hướng đến một hệ thống hành chính đơn giản và thân thiện. Tuy nhiên đến nay, cơ chế này vẫn chưa phát huy được tối đa hiệu quả bởi còn nhiều rào cản thường trực.

Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa phát huy được tối đa hiệu quả bởi những rào cản từ khách quan đến chủ quan – Ảnh minh họa

Ngay trong 25/7 vừa qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chính thức khai trương Cổng thông tin một cửa Bộ Quốc phòng đưa 5 Bộ, ngành kết nối với cổng thông tin một cửa quốc gia.

Đại diện Viettel cho hay, việc khai báo thủ tục biên phòng điện tử cảng biển thông qua NSW giúp giảm 1/2 thời gian chờ đợi làm thủ tục đối với tàu thuyền xuất nhập cảnh, quá cảnh và chuyển cảng, giảm thời gian neo đậu tại cảng, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, chủ tàu… Điều này càng chứng tỏ giá trị của cơ chế NSW đối với doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Tổng cục Hải quan diễn ra vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Tùng – Cục trưởng CNTT và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan đánh giá, rào cản lớn nhất được bàn đến hiện nay chính là sự thiếu đồng bộ của các bộ, ngành liên quan. Đây là yếu tố đã hạn chế tối đa hiệu quả của cơ chế này.

“Để kết nối NSW về mặt kỹ thuật đòi hỏi sự đồng bộ về hệ thống CNTT giữa các cơ quan liên quan nhưng hạ tầng CNTT của một số bộ, ngành hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo để phục vụ kết nối. Trong khi đó để triển khai đầu tư xây dựng hệ thống CNTT thủ tục cũng khá phức tạp, khó đảm bảo tiến độ nếu thực hiện theo quy trình bình thường”, ông Tùng khẳng định.

Thậm chí, ngay cả một số đơn vị đã có hệ thống CNTT, quy trình giải quyết thủ tục hành chính qua phương thức điện tử việc kết nối vào NSW cũng chưa hẳn dễ dàng. Đơn cử như việc thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tại cảng biển dù đã được triển khai từ năm 2011 nhưng đến 21/7/2016, hoạt động này mới được triển khai chính thức.

“Quá trình 5 năm thực hiện thí điểm, việc kết nối giữa hệ thống CNTT thực hiện thủ tục biên phòng điện tử ở cảng biển với NSW cũng có không ít bất cập, vướng mắc vì có sự thiếu sự đồng bộ giữa 2 hệ thống”, ông Tùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thói quen làm thủ tục của DN cũng là một trong những rào cản “chủ quan” khi thực hiện phương thức điện tử. Sẽ cần phải có một lộ trình dài, triển khai theo từng giai đoạn đối với từng thủ tục: từ thử nghiệm phạm vi hẹp; triển khai diện rộng và chuyển sang phương thức thực hiện hoàn toàn trên hệ thống điện tử để giúp cho cả phía cơ quan nhà nước và DN có thời gian làm quen và hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thủ tục hành chính trong giai đoạn chuyển đổi.

Đơn cử như trong lĩnh vực GTVT, mặc dù đạt kết quả tích cực, song trên thực tế các thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia mới đạt gần 30% trên tổng số các thủ tục hành chính cấp phép cho hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh.

Ông Phạm Duy Ninh – Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (CNTT), Bộ GTVT chia sẻ, cần phải có thời gian cũng như lộ trình để hoàn thành việc điều chỉnh các yếu tố pháp lý khi chuyển từ thực hiện hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử. Ngoài ra, các hệ thống tại từng bộ, ngành cần thời gian để ổn định cũng như đào tạo cán bộ vận hành. “Việc này khá phức tạp do có nhiều thủ tục hành chính có phạm vi triển khai rộng trên toàn quốc”, ông Ninh nhận định.

Chính vì vậy, để cơ chế này phát huy tối đa hiệu quả thì giải quyết bài toán về yếu tố kỹ thuật, CNTT là điều kiện hàng đầu. Ngoài ra, những khó khăn về mặt tài chính cũng như chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được nhanh chóng tháo gỡ.

Để giải quyết những khó khăn trên, ông Tùng cũng đưa ra khuyến nghị rằng, với những bộ, ngành có số lượng thủ tục xử lý không nhiều trên NSW thì không nhất thiết phải đầu tư xây dựng mới hệ thống CNTT mà có thể sử dụng chức năng rút gọn trên Cổng để trực tiếp giải quyết thủ tục.

Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện Ủy ban chỉ đạo quốc gia cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu để trở thành cơ quan đầu não, chủ lực trong công cuộc hỗ trợ và tham mưu cho Chính phủ những giải pháp để tăng cường hiệu quả của cơ chế này.

Quỳnh Liên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/co-che-mot-cua-quoc-gia-can-nhanh-chong-thao-go-rao-can/