Cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam

Sáng nay (5/1), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam. Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai hoạt động đánh giá về hiệu quả cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị, phục vụ việc xây dựng Đề án Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ảnh minh họa.

Được biết, các dịch vụ công ích được quy định bao gồm một số hoạt động phục vụ đời sống dân sinh, cộng đồng như: thu gom, chế biến rác, nước thải, chiếu sáng công cộng, vườn hoa-công viên-cây xanh, bảo vệ môi trường, vận tải công cộng, cấp - thoát nước… Hoạt động này chủ yếu do các doanh nghiệp thuộc Nhà nước thực hiện vai trò quản lý, đảm nhận cung ứng các dịch vụ nói trên.

Tuy nhiên đến nay, cơ chế chỉ riêng doanh nghiệp Nhà nước (thường gọi là doanh nghiệp công ích) đảm nhận nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công ích tại đô thị không còn phù hợp, cần có sự thay đổi theo hướng đa dạng hóa hình thức doanh nghiệp tham gia, chủ yếu với sự có mặt của doanh nghiệp tư nhân nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng cũng như tiết kiệm, giảm chi phí hoạt động và dịch vụ công ích. Đây cũng là yêu cầu bảo đảm sự bình đẳng theo nội dung cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, mức độ cải cách của khu vực dịch vụ công ích đang ít hơn các lĩnh vực khác, trong khi Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại. Tái cơ cấu khu vực dịch vụ công ích đã được đề cập ở cả nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, theo hướng mở nhiều hơn cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia.

Bên cạnh đó, cần chủ động trao cơ hội, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ công ích để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra trên diện rộng và nhanh chóng. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần duy trì, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, tập trung tạo cơ hội để các đơn vị cạnh tranh với nhau trên tinh thần công bằng; từ đó cạnh tranh tự do bằng giá cả và chất lượng phục vụ.

Nhìn từ kết quả chất lượng dịch vụ công tại 5 đô thị lớn nhất Việt Nam: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ… Theo đánh giá của doanh nghiệp thì các TP này đều có nhu cầu lớn về số lượng, chủng loại dịch vụ công ích bên cạnh yêu cầu cao hơn về chất lượng về giao thông, cung cấp điện năng.

Vì những thực trạng nêu trên, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến những ý kiến phản hồi, nhất là sự hài lòng của người dân thay vì chưa quan tâm thỏa đáng đến dịch vụ này như trước đây. Điều này sẽ làm đa dạng hơn yêu cầu về chất lượng của dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tuyết Hạnh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/co-che-chinh-sach-cung-ung-dich-vu-cong-ich-tai-cac-do-thi-o-viet-nam.html