Cỗ chay - Xu hướng ẩm thực mới ngày Tết

Khoảng 5 năm trở lại đây, khái niệm 'ăn chay' đã dần trở nên quen thuộc. Số người ăn chay một tháng 4 ngày hoặc ăn chay trường tăng dần qua các năm. Cỗ chay giờ không còn là đặc trưng của những mâm cỗ nhà chùa nữa mà đã hiện diện trong đời sống của chúng ta.

Cỗ chay mô phỏng cỗ mặn

Phong cách này thịnh hành hơn ở buổi “bình minh” của những nhà hàng bán đồ chay hay là cỗ chay cũng tương tự. Những món chay được đặt tên theo cỗ mặn như ốc nấu chuối đậu, lươn cuốn sả, sườn chay… Người không biết là cỗ chay nhiều khi thưởng thức chỉ thấy thơm thấy ngon mà không biết những thức này đều được chế từ đậu tương, đậu xanh, vừng, lạc…

Những ai từng nấu cỗ chay đều cho biết nấu chay khó hơn, mất thời gian hơn cỗ mặn. Khó nhất ấy là kết hợp các gia vị để làm nổi lên hồn cốt của món ăn. Đó thực sự là những sáng tạo ẩm thực. Có sư bà từng nổi tiếng với món chạch kho tương làm từ… đọt lá khoai nước. Đọt khoai bỏ cuống, rửa sạch, vắt kiệt nước rồi mở ra cho bột đậu xanh vào làm nhân cuốn chặt lại như cũ. Sau đó, cắt đọt khoai làm đôi rồi xếp vào nồi đều chằn chặn, cắt cà chua rắc lên. Chỉ một thoáng, mùi khoai cuộn với mùi tương đã thơm lừng, miếng “chạch” có vị thơm bùi béo.

Ngày nay, nếu muốn soạn dăm mâm cỗ hồn chay hình mặn không còn khó khăn. Chẳng hạn, siêu thị hay chợ có bán gà chay ép khuôn nửa con một, chỉ cần mua về chiên sơ lên rồi thái ra, nhìn hấp dẫn chả khác gì đĩa thịt gà chặt khéo.Tuy nhiên, người ăn chay khôn ngoan biết rằng những món đồ chay đó đều có chất bảo quản. Vì vậy, ngày càng nhiều người từ chối những loại đồ chay làm sẵn mà ưng những món chay lành, sạch từ đậu phụ, rau củ… hơn.

Mâm cỗ chay.

Cái khoái khẩu vị giác không phải là đích duy nhất của việc thưởng đồ chay. Sâu xa hơn, chính là hành trình đi tìm cảm giác thanh tịnh lắng đọng suy tư trong khi thưởng thức miếng ăn chay. Ngoài ra, hồn chay hình mặn còn là lời nhắc nhở, khơi dậy cho con người khởi tâm từ bi, khởi lòng thương xót chúng sinh có sự sống hữu tình, qua mỗi miếng ăn tự thấy rung động tâm mình mà giác ngộ để bớt dần dùng mặn, “để mỗi một ngày thêm những sinh vật hữu tình được trọn kiếp trời cho”.

Cỗ thuần chay

Đây là xu thế cỗ chay áp đảo và ngày càng chứng tỏ được sức sống. Nói rằng, mâm cỗ chay thể hiện sự sáng tạo và cá tính của người làm cỗ cũng chả sai. Cơ bản là mỗi người sẽ động não để biện những món chay vừa đẹp mắt, không quá cầu kỳ lại thanh lành. Chẳng hạn như trứng luộc bổ đôi nhẹ tay, rải vài nhánh mùi non. Giản dị thế thôi mà có luôn một món chay đẹp mắt với 3 màu trắng nõn, vàng tươi, xanh mướt. Hay là đậu phụ chần qua nước sôi, rắc mùi ta xanh ngăn ngắt, thế cũng được một món.

Ta nói mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi… mâm cỗ chay là vậy. Cỗ chay thời hiện đại thực ra không có quy định chung. Công thức cơ bản đã vững, các bà các chị phát huy thêm óc sáng tạo là mỗi dịp xuân về Tết đến, kho ẩm thực cỗ chay sẽ ngày càng phong phú hơn bao giờ hết.

Cỗ chay chắc chắn sẽ có sức sống lâu bền. Không chỉ là một xu hướng ẩm thực mới lạ, cái quyến rũ của cỗ chay nằm ở giá trị thực dưỡng. Điều này đặc biệt có ích khi mà người người lo lắng những hậu quả của thừa cân, béo phì, bệnh ung thư… Ăn chay mà hiểu được sự tinh túy sâu sắc này thì tức là bạn đã cai… mặn thành công. Nói rằng, người ta có thể nhìn thấy sự đổi thay của xã hội, của tư duy con người chỉ qua… những mâm cỗ Tết- là như vậy.

Trà Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/398122/co-chay-xu-huong-am-thuc-moi-ngay-tet.html