Cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ 'tư duy sản xuất' sang 'tư duy kinh tế'

Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ 'tư duy sản xuất' sang 'tư duy kinh tế', hướng tới phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Vào sáng 15/12, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED) phối hợp với Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức Helvetas và Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo “Áp dụng các tiêu chuẩn bền vững trong bảo tồn đa dạng sinh học”.

Hội thảo hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Tiêu chuẩn bền vững tự nguyện (VSS) trong việc hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng bền vững, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế về các sản phẩm dựa trên đa dạng sinh học và thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn này trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo “Áp dụng các tiêu chuẩn bền vững trong bảo tồn đa dạng sinh học”.

Một trong những kết quả mong đợi là xác định được khuôn khổ pháp lý phù hợp để tạo điều kiện áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn này tại Việt Nam. Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Tạo thuận lợi Thương mại Sinh học Toàn cầu với sự hỗ trợ tài chính từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO)

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Tô Việt Châu chia sẻ: Tháng 1/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Trong chiến lược, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng xác định rõ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tác nhân trong ngành nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng về hệ thống.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang với 3 chữ Biến: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh bền vững. Vì vậy, chúng ta không thể phủ nhận rằng các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện (VSS) đang đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn các quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng theo hướng có lợi cho môi trường và cộng đồng. Hơn 500 tiêu chuẩn bền vững hiện nay đã và đang được áp dụng trên thế giới, tập trung vào nhiều mặt hàng quan trọng như cà phê, chè, chuối, ca cao, dầu cọ, gỗ, bông và nông sản hữu cơ. Điều này không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là một bước quan trọng trong việc đảm bảo sự bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về nhiều vấn đề: Chia sẻ kiến thức về các tiêu chuẩn quốc tế như những công cụ hiệu quả để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, hỗ trợ sinh kế; những thách thức và cơ hội trong việc áp dụng các tiêu chuẩn VSS, các khuyến nghị và giải pháp nhằm tạo điều kiện tăng cường quan hệ đối tác công - tư, thúc đẩy việc lồng ghép các tiêu chuẩn bền vững vào chuỗi cung ứng, cho phép sử dụng VSS trong quá trình chứng nhận.

Bà Sibylle Bachmang – Phó Ban Hợp tác Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết, "Thụy Sỹ là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ tiêu chuẩn bền vững tự nguyện trong nhiều năm. VSS tìm cách đảm bảo rằng các quy trình sản xuất và thương mại quốc tế đáp ứng một mức độ nhất các tiêu chí kinh tế, xã hội và môi trường. Mặt khác, bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp mong muốn cải thiện khả năng cạnh trang và tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời góp phần giảm nghèo và tạo việc làm. Điều này phù hợp với mục tiêu hợp tác của Thụy Sỹ nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững, dựa trên thị trường".

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-cau-lai-nong-nghiep-chuyen-doi-tu-tu-duy-san-xuat-sang-tu-duy-kinh-te-post276732.html