Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước

Thực tế quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước (NSNN) những năm qua cho thấy, nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực, vì thế, chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp, hạn chế, tiến tới xóa bỏ cơ chế "xin - cho" được xác định là nhóm giải pháp hàng đầu trong việc cơ cấu lại chi NSNN. BÀI 1: Chi thiếu cân đối Những năm gần đây, khi hoạt động thu NSNN gặp nhiều khó khăn thì ở chiều ngược lại, chi NSNN lại ngày càng gia tăng với tốc độ cao. Diễn biến về thu - chi NSNN cũng như nợ công đang đặt ra nhiều quan ngại trong việc bảo đảm bền vững ngân sách trong trung và dài hạn, đòi hỏi cần sớm có các giải pháp ứng phó phù hợp.

Cách làm của Quảng Ninh

Với vai trò là một trong ba cực của tam giác tăng trưởng kinh tế vùng đông bắc, Quảng Ninh là một trong 13 địa phương trong cả nước có số thu NSNN được điều tiết về T.Ư. Hằng năm, số thu NSNN của Quảng Ninh tăng, nhưng kèm theo đó, số chi NSNN cũng tăng theo. Năm 2011, tổng chi ngân sách của tỉnh ở mức hơn 8.600 tỷ đồng, năm 2012 đã tăng lên 13.200 tỷ đồng, năm 2015 lên gần 16 nghìn tỷ đồng và năm 2016 dự toán gần 18 nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói là tuy số chi tăng nhanh, nhưng Quảng Ninh lại có cách xác định chi NSNN theo hướng khác biệt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Lê Quang Tùng cho biết, định hướng của tỉnh là tiếp tục theo đuổi mục tiêu dành mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong ba năm gần đây, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước bố trí vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản đạt tỷ trọng hơn 50% tổng chi ngân sách địa phương (NSĐP). Theo đó, năm 2014, tỉnh bố trí 54%; năm 2015 là 53,7%; năm 2016 dự kiến hơn 54%. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, đồng thời quyết liệt trong chỉ đạo điều hành ngân sách với tinh thần tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi NSNN cho hoạt động đầu tư phát triển. Theo đó, toàn bộ số tiền 1.700 tỷ đồng của năm 2015 và gần 2.700 tỷ đồng của năm 2016 có được do tiết kiệm chi thường xuyên đã được "dồn" cho nhiệm vụ đầu tư, góp phần đẩy mức chi đầu tư phát triển năm 2016 của Quảng Ninh lên 56% tổng chi NSNN, cao gấp gần hai lần tỷ lệ chi đầu tư phát triển của năm 2011 (29,5%).

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thị Minh Thanh cho biết: Trong quá trình điều hành ngân sách, tỉnh đã điều hành linh hoạt, sử dụng các nguồn lực khác từ nguồn tăng thu, ứng trước từ nguồn dự phòng tiền lương,... để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước chủ động và quyết tâm đề xuất Chính phủ cho phép đầu tư đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh để kết nối đồng bộ với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đây là con đường chiến lược, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Không những thế, bên cạnh các dự án sử dụng nguồn vốn NSNN, tỉnh cũng đang triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đối với dự án Cảng Hàng không Quảng Ninh, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, dự án cầu Bạch Đằng và nút giao thông cuối tuyến; trụ sở liên cơ quan số 3, số 4,... Trong đó, toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng đều do ngân sách tỉnh thực hiện, ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng.

Song song với việc tăng chi cho đầu tư phát triển, Quảng Ninh cũng chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên. Do thực hiện khá sát sao công tác tinh giản bộ máy biên chế, cho nên hằng năm, UBND tỉnh đều giao tăng phần tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp khối tỉnh, giảm dần phần NSNN cấp cho các đơn vị. Theo thống kê của Sở Tài chính, so với năm 2011, năm 2014 đã giảm 32 trong số 142 đơn vị hưởng NSNN 100%, đồng thời tăng bốn đơn vị tự chủ 100% về tài chính, đưa số đơn vị tự chủ 100% lên 18 đầu mối, tăng sáu đơn vị tự chủ 70%, sáu đơn vị tự chủ 50% và 14 đơn vị tự chủ 30%. Năm 2016, toàn tỉnh tiếp tục giảm thêm 20 đơn vị ngân sách bảo đảm 100%; tăng thêm 16 đơn vị tự chủ 100%, một đơn vị tự chủ 70% , một đơn vị tự chủ 60%, 13 đơn vị tự chủ 50%, sáu đơn vị tự chủ 30%, bảy đơn vị tự chủ 20%... Như vậy, việc giảm chi NSNN cho khu vực hành chính sự nghiệp đã được Quảng Ninh coi là "con át chủ bài" trong cuộc đua giảm chi tiêu NSNN trong khu vực hành chính - sự nghiệp. Vì vậy, Quảng Ninh đã được nhiều địa phương coi là điển hình để học tập về mô hình quản lý thu chi NSNN gắn với cải cách bộ máy hành chính nhà nước.

"Lệch" chi

Tuy nhiên, Quảng Ninh chỉ là một trong số ít địa phương thực hiện được mô hình quản lý thu chi NSNN nêu trên. Trên phạm vi cả nước, chi NSNN tiếp tục gia tăng. Năm 2016, dự toán chi NSNN gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 11% so dự toán năm 2015. Trong đó, tổng chi đầu tư phát triển là 341 nghìn tỷ đồng, chiếm 25% tổng chi NSNN và 6,7% GDP. Dự toán chi trả nợ và viện trợ là 155 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so dự toán năm 2015. Dự toán chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, quản lý hành chính là 824 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 64,7% tổng chi NSNN. Trong đó, số chi thường xuyên tập trung vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề gần 196 nghìn tỷ đồng; chi quản lý hành chính cho hoạt động thường xuyên của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương gần 118 nghìn tỷ đồng; chi cho sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình 75,6 nghìn tỷ đồng, chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ 11 nghìn tỷ đồng; chi cho lương hưu và bảo đảm an sinh xã hội 121 nghìn tỷ đồng; chi cho sự nghiệp kinh tế 73 nghìn tỷ đồng; chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường 13 nghìn tỷ đồng; chi cho cải cách tiền lương 13 nghìn tỷ đồng,... Mức bội chi NSNN năm 2016 dự toán ở mức 254 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP, tuy giảm 0,05% GDP so dự toán năm 2015 nhưng rõ ràng đây vẫn là con số đáng lo ngại.

Đánh giá thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2015, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nhìn chung, công tác quản lý chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán tại hầu hết các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương được kiểm toán. Một số địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi, như TP Hà Nội là 13 tỷ đồng, Đồng Nai là 26 tỷ đồng, Nam Định là 10 tỷ đồng, Lào Cai là chín tỷ đồng, Thái Bình là chín tỷ đồng, Thanh Hóa là tám tỷ đồng,... Một số địa phương tuy vẫn hụt thu nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để việc rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN. Ngoài ra, một số địa phương giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao. Điển hình là TP Đà Nẵng vượt chỉ tiêu 841 biên chế, Bình Phước vượt 291 biên chế, Đồng Nai vượt 50 biên chế, TP Cần Thơ vượt 37 biên chế,... Đây được coi là một trong những "cục máu đông" cho quá trình chi NSNN. Trong chi thường xuyên, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, một số bộ, cơ quan T.Ư, địa phương và đơn vị được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Cơ quan này đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN 116,8 tỷ đồng. Một số địa phương hụt thu chưa rà soát, cắt giảm hoặc thực hiện cắt giảm chưa triệt để nhiệm vụ chi tương ứng theo quy định,... Đó là chưa kể đến tình trạng sai phạm, thất thoát, lãng phí trong chi đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều, số chi đầu tư phát triển tăng tới 37,3% so với dự toán, chủ yếu do NSĐP tăng chi với mức tăng 37,9%, tương ứng với số chi 60.662 tỷ đồng. Tình trạng sai phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản vẫn diễn ra khá phổ biến và chưa được khắc phục hữu hiệu ở hầu hết các khâu của quá trình đầu tư, thể hiện công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách còn yếu kém, gây thất thoát, lãng phí, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN,...

Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia đều thống nhất quan điểm, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng "lệch chi" do chưa bảo đảm được nguồn thu bền vững; bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả đã "hút" nguồn lực chi thường xuyên, áp đảo nguồn lực chi đầu tư phát triển, sử dụng ngân sách còn thất thoát, lãng phí quá nhiều. Trong đó, bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả là nguyên nhân chính khiến chi NSNN tăng vọt.

(Còn nữa)

Theo quyết toán NSNN niên độ 2015, một số bộ, cơ quan T.Ư được kiểm toán đã lập dự toán cao so với khả năng đáp ứng của NSNN, cao hơn so với số dự kiến Bộ Tài chính giao (như Bộ Xây dựng cao hơn 256%, Bộ Giao thông vận tải cao hơn 163%). Một số địa phương bố trí không đủ dự toán để trả các khoản nợ vay đến hạn (như tỉnh Ninh Bình dự toán chưa bố trí nguồn trả nợ vay tồn ngân Kho bạc Nhà nước đến hạn 400 tỷ đồng, Đồng Nai bố trí thiếu 335,3 tỷ đồng, Quảng Bình dự toán chưa bố trí hoàn trả các khoản vay đến hạn 380,9 tỷ đồng),...

(Nguồn: Kiểm toán Nhà nước)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/33210602-co-cau-lai-chi-ngan-sach-nha-nuoc.html