Cơ cấu cung ứng vốn đa dạng, tích cực hơn

Thị trường tài chính Việt Nam đang có nhiều thay đổi tích cực hơn, khi cơ cấu cung ứng vốn cho nền kinh tế đang giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, tăng tỷ trọng vốn từ kênh thị trường vốn, chứng khoán... Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo công bố báo cáo về thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng 2024, do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng phát triển châu Á ADB và ngân hàng BIDV tổ chức sáng nay

Theo các chuyên gia, năm 2024, dự bảo khu vực tài chính của Việt Nam sẽ tích cực hơn. Tín dụng ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ lực, chiếm 48,4% tỷ trọng trong năm 2023 , nhưng đã giảm dần so với mức trên 51,7% của năm 2022. Ngược lại, huy động vốn từ thị trường chứng khoán đã tăng lên 12,4% ( từ mức 10,8% của năm 2022). Tỷ trọng vốn từ đầu tư công cũng gia tăng. Chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn như: nợ xấu còn gia tăng trong nửa đầu năm nhưng sẽ giảm dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; Thị trường BĐS phục hồi chậm, việc tăng vốn điều lệ của các định chế tài chính vẫn là thách thức khi chính sách quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa có đột phá..

Để ổn định và phát triển thị trường tài chính, nhóm chuyên gia kiến nghị các giải pháp đồng bộ, tháo gỡ vướng mắc, ví dụ như hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy nhanh việc nâng hạng thị trường chứng khoán để tăng thêm nguồn vốn trung dài hạn cho thị trường. Đồng thời, tận dụng các cơ hội mới trong tăng trưởng xanh, tài chính xanh, chuyển đổi số hay fintech để đa dạng hơn các dịch vụ cung ứng cho thị trường tài chính.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Huyền - Việt Hùng - Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/co-cau-cung-ung-von-da-dang-tich-cuc-hon-218616.htm