Có cần thiết lấy ý kiến về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông?

Liên quan đến việc Bộ Y tế đang lấy ý kiến các chuyên gia, đơn vị chuyên môn để làm cơ sở đề xuất, xác định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, trước đó, đã có nhiều ý kiến về vấn đề này.

Cần thiết hay không việc lấy ý kiến về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông? Ảnh: Bạch Dương

Bộ Y tế lấy ý kiến đề xuất về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông

Theo đó, mới đây Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa nghiên cứu cho ý kiến đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, cho ý kiến và gửi các đề xuất nội dung quy định về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước ngày 20/2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Lãnh Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để đơn vị nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe.

Cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để có quy định nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện

Trước đó, trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ sáng 10/11, các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình bày tỏ chưa thực sự đồng tình với một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Theo ông Nguyễn Văn Huy, cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để có quy định nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện, và quy định bảo bảm tính hiệu quả.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, với quy định “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác, không nên quy định nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức bằng “0” để tránh tình trạng người được kiểm tra “dương tính giả” với nồng độ cồn.

Cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để có quy định nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện. Ảnh: Bạch Dương

Theo nghiên cứu y học, ở trạng thái bình thường của cơ thể trong máu luôn duy trì nồng độ cồn nhất định ở mức 0,03% hoặc có trường hợp trong cơ thể có nồng độ cồn do các yếu tố như ăn, uống các thực phẩm lên men trong dạ dày, thuốc điều trị, bên cạnh đó, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ quy định giới hạn nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức lớn hơn “0”.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh thành “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở” để phù hợp với các quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 của Chính phủ) và tránh việc điều luật bị hiểu theo hướng là cứ có nồng độ cồn là vi phạm.

Cũng kiến nghị điều chỉnh cụ thể quy định nồng độ cồn khi lái xe, đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng nên nghiên cứu một tỷ lệ nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu của lái xe. Không nhất thiết cứ có nồng độ cồn bị xử phạt. Luật các nước trên thế giới về cơ bản đều có tỷ lệ nhất định, ta cũng nên nghiên cứu.

Cần phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng

Thông tin về ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến quy định nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.

Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).

Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.

Do đó, theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, việc đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông cần phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi. Dự thảo Luật đang đề xuất tỷ lệ nồng độ cồn bằng 0.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) có thống kê về giới hạn nồng độ cồn với tài xế của 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, cập nhật năm 2018. Trong đó, khoảng 20 nước (chiếm khoảng 10,5%) áp dụng mức giới hạn nồng độ cồn trong máu là 0% (cứ có cồn là bị phạt) như ở Việt Nam. Điều này có nghĩa các tài xế hoàn toàn không được phép sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe.

Và có tới hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ giới hạn lớn hơn 0 (không phải cứ có cồn là bị phạt). Như vậy, có khoảng 72% quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng "vùng xanh" khi xử lý nồng độ cồn.

Trong các nước này, mức quy định thấp nhất là nước Nga với mức 0,018%, sau đó là mức 0,02% (như Trung Quốc, Hà Lan (với tài xế sau 5 năm đầu tiên từ khi lấy bằng), Na Uy, Thụy Điển). Và cao hơn là mức 0,08% được áp dụng ở New Zealand, Mexico, Malaysia hay Singapore… Thậm chí, tại quần đảo Cayman, nồng độ cồn trong máu của tài xế khi tham gia điều khiển giao thông lên đến… 0,1%. Cũng theo đó, mức phổ biến nhất là 0,05%.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-can-thiet-lay-y-kien-ve-nong-do-con-khi-dieu-khien-phuong-tien-giao-thong-369328.html