Có ba trong một Hoài Vũ và ký ức một thời hào hùng

Nhà thơ Hoài Vũ ký tặng sách. Ảnh: PHAN HOÀNG

Hội Nhà văn Việt Nam vừa phối hợp Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Thơ Hoài Vũ - Thì thầm với dòng sông” để tôn vinh ông. Không chỉ là nhà thơ tiêu biểu đương đại, tác giả nhiều bài thơ nổi tiếng được chắp cánh bởi âm nhạc, Hoài Vũ còn có cả gia tài phong phú về truyện ngắn và dịch văn học Trung Quốc đương đại.

Hơn 2 năm qua, Nhà xuất bản Hội Nhà văn lần lượt ấn hành các tác phẩm mang tính tinh tuyển của bậc lão thành Hoài Vũ: Tập truyện ngắn Gái thời chiến, tập văn học dịch Hoa trong tuyết và mới nhất là tập thơ Thì thầm với dòng sông. Điều này lần nữa khẳng định sự lặng lẽ dấn thân, sức làm việc đáng nể và những đóng góp quan trọng của Hoài Vũ cho nền văn học nước nhà.

1

Ở tận sông Hồng, em có biết

Quê hương anh cũng có dòng sông

Anh mãi gọi với lòng tha thiết:

Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!

Nhắc tới thi sĩ Hoài Vũ, tôi nghĩ trong lòng ai cũng vang lên những câu thơ quen thuộc được chắp cánh bởi âm nhạc của nhạc sĩ Trương Quang Lục từ khi đất nước còn chia cắt hai miền.

Nhìn lại nền văn học Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, từ khi đất nước còn chìm trong lửa đạn chiến tranh, Hoài Vũ có một vị thế riêng, đặc biệt là thi ca. Tay súng, tay bút ông luôn bám sát chiến trường Nam Bộ kịp thời cho ra đời những bài thơ, truyện ngắn, bút ký thời sự nóng hổi. Sang thời bình, ngoài làm báo, sáng tác, ông còn đóng góp đáng kể ở mảng dịch thuật văn học Trung Quốc hiện đại.

Dù thời chiến hay thời bình, dù sáng tác hay chuyển ngữ, trang viết của Hoài Vũ luôn trào dâng cảm xúc, thấm đẫm tinh thần yêu nước và nhân văn, với một diễn ngôn giản dị mà cuốn hút, dễ đi vào lòng người và neo lại bền lâu.

Tên thật là Nguyễn Đình Vọng, nhà thơ Hoài Vũ sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp gắn bó với Nam Bộ, đặc biệt là vùng đất Long An, vành đai Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ. Từ thời chiến tranh, đất phương Nam phóng khoáng đã hội tụ, dung chứa nhiều nhân tài từ các nơi như: Nguyễn Bính, Nguyễn Thi, Nguyễn Văn Bổng, Giang Nam, Nguyễn Trọng Oánh…

Và chính trên mảnh đất máu lửa này, nhiều văn nghệ sĩ như: Trần Hữu Trang, Nguyễn Thi, Lê Vĩnh Hòa, Lê Anh Xuân, Hồng Tân… đã ngã xuống. May mắn hơn các đồng nghiệp cùng chiến hào, Hoài Vũ sống sót cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất.

Thực tế đời sống chiến trường sinh tử khắc nghiệt của đất phương Nam đã mang lại cho Hoài Vũ nhiều chất liệu quý giá. Dù viết bất cứ thể loại nào, từ thơ đến truyện ngắn, bút ký, văn phong của Hoài Vũ cũng luôn giản dị, tươi trẻ, tha thiết tình yêu đời, yêu người như chính con người ông hiền lành, nhân hậu, chân thành và năng động. Ông từng tâm sự với tôi: “Một điều tôi lấy làm tự hào là tất cả tác phẩm của mình đều được kết tinh từ tấm lòng và vốn sống thực tế chứ không phải bịa đặt. Đó là vốn sống của chính tôi, vốn sống của đồng đội và người dân ngay trên chiến trường khắc nghiệt nhưng đầy tình yêu thương”.

2

Bi kịch của người sáng tác văn học nghệ thuật là cả đời không có được một tác phẩm để lại dấu ấn, trong khi tên tuổi được khuếch trương rỗng tuếch trên khắp các diễn đàn bằng mọi giá. Hoài Vũ tài năng và nhân cách đã không rơi vào bi kịch ấy. Bất cứ ở đâu, nhắc tới nhà thơ Hoài Vũ, người mến mộ nhớ ngay tới những bài thơ tình phổ nhạc nổi tiếng như: Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sông, Chia tay hoàng hôn… Đành rằng nhờ âm nhạc chắp cánh mà thơ có sức lan tỏa rộng rãi hơn, nhưng các bài thơ của Hoài Vũ đứng độc lập vẫn có giá trị riêng biệt, như hương tràm lặng lẽ kết nối những tâm hồn đồng điệu:

Hai tác phẩm của nhà thơ Hoài Vũ là Gái thời chiến (truyện ngắn, 416 trang) và Hoa trong tuyết (dịch văn học Trung Quốc hiện đại, 504 trang) do NXB Hội Nhà văn và Mibooks ấn hành. Nguồn: TN

Dù đi đâu dù xa cách bao lâu

Dù gió mây kia đổi hướng thay màu

Dù trái tim em không trao anh nữa

Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau

(Đi trong hương tràm)

Mảnh đất Nam Bộ, đặc biệt là dòng sông Vàm Cỏ Đông đã trở thành biểu tượng trong tác phẩm của Hoài Vũ, dệt nên nhiều giai thoại xúc động và những mối tình lãng mạn:

Anh ở đầu sông em cuối sông

Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông

Thương nhau đã chín ba mùa lúa

Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!

Với bài thơ Anh ở đầu sông em cuối sông của thi sĩ Hoài Vũ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, một lần thi sĩ Lưu Trọng Lư ngồi nghe ca sĩ Lê Dung hát, ông đã rơi nước mắt và nhẩm đọc theo:

Ôi bát ngát chân trời miền hạ

Tím tình yêu tím cả ước mong

Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá

Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng

Tác giả của Tiếng thu yêu lời thơ Hoài Vũ vì ông có người con trai là liệt sĩ Lưu Trọng Nông đã hy sinh ở ven sông Vàm Cỏ Đông!

Bên cạnh thơ, Hoài Vũ còn là cây bút truyện ngắn và bút ký rất có duyên, đặc biệt là các tác phẩm ông viết về chiến tranh và hậu chiến. Những truyện ngắn như Người Sài Gòn, Bông sứ trắng, Bông huệ trắng, Gái thời chiến, Tiếng sáo trúc... của Hoài Vũ từng gây tiếng vang một thời, nhất là qua làn sóng phát thanh, đến nay đọc lại vẫn xúc động. Và những bút ký nóng bỏng mùi chiến trận của ông như Gái Lương Hòa, Làng hầm, Nữ pháo binh thành phố, Vàm Cỏ Tây dậy sóng, Biển lúa xanh trên vùng trắng, Đồng bằng đỏ lửa... là những trang viết đầy cảm xúc, mang giá trị tư liệu quý về những tấm gương, đơn vị anh dũng chiến đấu hy sinh ở đất phương Nam vì nền độc lập tự do thống nhất Tổ quốc. Đó là những trang viết mang tính sử thi thấm đẫm máu và nước mắt mà các thế hệ sau cần tìm đọc.

Đọc tác phẩm của Hoài Vũ, nhất là thi ca, dù viết trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đằm thắm, da diết, cháy bỏng tình yêu thiên nhiên và con người. Thơ ông thấm đẫm nỗi đau mất mát hy sinh mà không chất chứa hận thù. Thơ ông vượt thoát bóng tối ích kỷ tham tàn để hướng tới ánh sáng tự do, bao dung, nhân ái. Thơ ông dung dị nhưng chứa đựng vẻ đẹp nhân văn sâu xa, có sức lay động tâm hồn con người mọi thế hệ. Đó là sự khác biệt tạo dựng vị trí riêng và tầm vóc quan trọng của Hoài Vũ trong nền thi ca.

Đọc tác phẩm của Hoài Vũ, nhất là thi ca, dù viết trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đằm thắm, da diết, cháy bỏng tình yêu thiên nhiên và con người. Thơ ông thấm đẫm nỗi đau mất mát hy sinh mà không chất chứa hận thù. Thơ ông vượt thoát bóng tối ích kỷ tham tàn để hướng tới ánh sáng tự do, bao dung, nhân ái. Thơ ông dung dị nhưng chứa đựng vẻ đẹp nhân văn sâu xa, có sức lay động tâm hồn con người mọi thế hệ.

PHAN HOÀNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/303312/co-ba-trong-mot-hoai-vu-va-ky-uc-mot-thoi-hao-hung.html