CLB Liên thế hệ tự giúp nhau: Mô hình cần nhân rộng

Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 30 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (sau đây gọi tắt là CLB). Theo Ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh, mô hình CLB này đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp hội viên sống vui, sống khỏe, sống có ích và hỗ trợ giúp nhau trong sản xuất tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Đến năm 2020, Hội NCT sẽ nhân rộng, hình thành 44 CLB ở các địa phương, hoạt động đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Trong đó, 70% thành viên là NCT (từ 55 tuổi trở lên), 60-70% phụ nữ, 60-70% người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn; có ít nhất 50% thành viên được vay vốn cải thiện thu nhập; 80% CLB được tập huấn và giám sát theo quy chế.

“Điểm hẹn” của NCT

Hội viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Phú Thịnh (xã An Thạch, huyện Tuy An) được hỗ trợ để chăn nuôi gia cầm. Ảnh: KIM CHI

CLB thôn Phú Thịnh (xã An Thạch, huyện Tuy An) được thành lập vào ngày 4/9/2018, sớm nhất tỉnh. Từ 20 hội viên ban đầu, đến nay CLB đã phát triển lên 30 hội viên. Các hội viên gồm nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi khác nhau. Bà Trần Thị Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội NCT xã An Thạch cho biết: Từ khi thành lập đến nay, CLB đã duy trì lịch sinh hoạt định kỳ hàng tháng về khám sức khỏe, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh; hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giúp hội viên nghèo, khó khăn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thiện, Chủ nhiệm CLB thôn Phú Thịnh, do mới thành lập nên số vốn của CLB chỉ huy động được hơn 12 triệu đồng. Nhưng đối với hội viên khó khăn, được vay vốn không phải trả lãi để phát triển sản xuất là rất đáng quý. Đến nay, CLB đã cho 7 lượt thành viên vay từ 1-3 triệu đồng để chăn nuôi gà, heo. Trong đó, nhiều hộ đã có thu thập thêm từ chăn nuôi gà khá ổn định, mỗi tháng thu nhập tăng thêm 2 triệu đồng như các hộ Đỗ Xuân Mai, Phạm Xuân Hường, Huỳnh Đức Minh…

CLB cũng đề ra chỉ tiêu giúp đỡ 2 hộ Lương Thị Ngà và Nguyễn Phạm Ngọc Phụng vươn lên thoát nghèo. “Ngoài nguồn vốn tín dụng từ dự án giảm nghèo, hỗ trợ xóa nhà tạm, CLB còn tương trợ về vốn, kỹ thuật để các hộ này phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”, bà Thiện cho biết.

Theo Ban đại diện Hội NCT tỉnh, khi thành lập CLB, ngoài mượn từ quỹ của Hội NCT địa phương 20 triệu đồng để làm nguồn vốn ban đầu, mỗi CLB còn được tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng, huyện hỗ trợ 2 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các CLB còn được ủng hộ kinh phí từ các thành viên.

Phát huy vai trò “tuổi cao, gương sáng”

Với những NCT, vấn đề sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu. Nhờ tham gia CLB, được tập luyện thân thể thường xuyên, được truyền thông nâng cao nhận thức về tự chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn thực hành nếp sống lành mạnh… nên hầu hết các thành viên CLB được cải thiện rõ rệt về sức khỏe.

Ông Nguyễn Xuân Phước, Phó Trưởng Ban đại diện Hội NCT TP Tuy Hòa, khẳng định: Khi tham gia vào CLB, hầu hết NCT cảm thấy tự tin hơn. Một số hoạt động theo dõi cân nặng, huyết áp, kiểm tra sức khỏe và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho những thành viên khó khăn giúp họ phát hiện sớm bệnh tật và chữa trị kịp thời. Thành viên CLB thường xuyên được tuyên truyền về chế độ chính sách cũng như hỗ trợ tư vấn sức khỏe, qua đó phát huy vai trò “tuổi cao, gương sáng”.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết: Các hoạt động của CLB như văn hóa - văn nghệ, thăm hỏi giao lưu, thể dục - thể thao, học tập kiến thức mới, chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập...; đặc biệt là hoạt động tình nguyện viên là một trong tám hoạt động của CLB thể hiện rõ nét nhất tinh thần tương thân tương ái giúp nhau trong khó khăn của tuổi già, củng cố tình làng, nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng. Từng thành viên cảm thấy an toàn hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn khi tham gia CLB. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 90.000 NCT, điều này đặt ra sự cần thiết phải duy trì, phát huy nhân rộng mô hình CLB này.

HOÀNG LÊ - NGỌC MINH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/231628/clb-lien-the-he-tu-giup-nhau--mo-hinh-can-nhan-rong.html