Chuyến xe ôm công nghệ đầu tiên sau 6 tháng

Sự trở lại của dịch vụ xe ôm công nghệ tại Hà Nội là tin mừng không chỉ với các tài xế mà cả nhiều hành khách. Một số người đã lập tức đặt chuyến đi đầu tiên sau 6 tháng.

Nghe tin xe ôm công nghệ ở Hà Nội được hoạt động trở lại, Trần Phòng (37 tuổi, quận Hoàng Mai) rất phấn khởi. Chia sẻ với Zing, anh cho biết điều này là tin mừng đầu năm đối với tất cả tài xế.

“Tôi nhận được thông báo từ hệ thống vào chiều 8/2. Tôi vui khi có thể đưa đón hành khách trở lại, có thêm thu nhập”, tài xế này nói.

Trước tình hình dịch bệnh hiện tại, anh Phòng đã chuẩn bị khẩu trang, găng tay y tế và nước sát khuẩn tay cho bản thân và hành khách sử dụng trong mỗi chuyến đi.

“Thú thực, tôi cũng lo lắng về nguy cơ mắc Covid-19, nhưng vì miếng cơm manh áo mà mình phải cố gắng. Tôi chuẩn bị chu đáo như vậy để tự bảo vệ sức khỏe của mình và hành khách”.

 Dịch vụ xe ôm công nghệ trở lại Hà Nội kể từ ngày 8/2.

Dịch vụ xe ôm công nghệ trở lại Hà Nội kể từ ngày 8/2.

Sự trở lại của dịch vụ xe ôm công nghệ không chỉ là tin mừng đối với mỗi anh Phòng, mà cả nhiều tài xế khác sau nhiều tháng bị đóng băng hoạt động vì Covid-19. Ngày 8/2, Sở GTVT Hà Nội cho biết các hãng xe công nghệ đã mở lại dịch vụ xe máy.

Song song với đó, các hành khách cũng "thở phào" khi có thêm lựa chọn di chuyển phù hợp nhu cầu đi lại với giá thành hợp lý. Một số người đã lập tức đặt chuyến xe ôm công nghệ đầu tiên sau 6 tháng.

"Chưa có nhiều khách nhưng rất vui"

Nhiều tháng qua, anh Phòng chủ yếu chạy ship hàng hóa, đồ ăn qua app. Mỗi ngày, anh có thể giao trung bình 25-30 đơn, song doanh thu khá bấp bênh vì thời gian chờ “nổ đơn” lâu và cạnh tranh cao.

“Lượng đơn hàng trong thời gian vừa rồi ít hơn so với số tài xế của app nên không dễ chạy xe. Thu nhập của tôi giảm mạnh nhưng vẫn tiếp tục làm việc vì đã gắn bó với nghề suốt 6 năm qua”, anh kể.

Vì thế, anh như trút được gánh nặng khi có thể chở hành khách sau một thời gian dài. Anh cho biết điều này sẽ giúp các tài xế công nghệ có thêm cuốc xe, thu nhập ổn định hơn và không mất nhiều thời gian chờ “nổ đơn”.

Tương tự anh Phòng, Vũ Quốc Bảo (27 tuổi) thích đưa đón hành khách hơn nhận ship đồ ăn, thức uống. Do đó, trong suốt thời gian ứng dụng tắt dịch vụ xe ôm, anh về quê tìm công việc tạm thời khác thay vì bám trụ ở Hà Nội.

Sáng 9/2, Quốc Bảo bắt đầu trở lại lịch trình làm việc như thời điểm trước giãn cách xã hội. Tuy nhiên, từ 8-12h, thu nhập của anh chưa đạt mốc 100.000 đồng, thấp hơn hẳn so với mức trung bình trước đó. Anh cho rằng có lẽ, khách hàng vẫn chưa biết dịch vụ xe ôm đã được hoạt động.

 Quốc Bảo chọn về quê trong thời gian Hà Nội tạm dừng dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy.

Quốc Bảo chọn về quê trong thời gian Hà Nội tạm dừng dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy.

Ông Trần Quốc Hoàn (58 tuổi) cũng nhận thấy hôm nay, số chuyến đi chưa bằng 1/2 so với thời điểm trước dịch. Thế nhưng, ông vẫn phấn khởi khi được đưa, đón hành khách trên nhiều nẻo đường ở Hà Nội.

“Chắc do ứng dụng mới mở lại mục đặt xe, nhiều người chưa biết, hoặc họ vẫn chưa lên Hà Nội làm việc sau Tết”, ông nói.

Trước khi chuyển sang làm tài xế công nghệ vào năm 2019, ông Hoàn đã chạy xe ôm truyền thống được 10 năm. Nhờ kịp chuyển đổi phương thức hoạt động, trong thời điểm dịch bệnh, ông vẫn có thu nhập nhờ giao đồ ăn, hàng hóa.

“Mỗi ngày, tôi chạy xe khoảng 10 tiếng. Giờ tôi chỉ mong có thể yên tâm chạy xe trở lại trên cả 3 dịch vụ xe ôm, giao đồ ăn và hàng hóa để lo cơm áo”, ông nói.

Với Đào Đức Trình (36 tuổi, quận Bắc Từ Liêm), chạy xe ôm công nghệ chỉ là công việc bán thời gian.

Anh tranh thủ đón khách trên đoạn đường từ nhà tới cửa hàng cắt tóc của anh trên phố Chùa Quỳnh (quận Hai Bà Trưng) và ngược lại. Trước dịch, mỗi ngày anh kiếm thêm được 100.000-200.000 đồng cho khoảng 2-3 tiếng chạy xe.

Tuy nhiên, nửa năm qua là quãng thời gian tương đối vất vả đối với anh Trình. Anh không những phải đóng cửa hàng cắt tóc của mình suốt 2 tháng, công việc chạy xe ôm công nghệ cũng đóng băng hoàn toàn.

“Cuối tháng 7, khi Hà Nội dừng các hoạt động vận tải hành khách bằng xe máy, ai muốn ra đường thì phải có thẻ xanh, tôi đành ở nhà. Hơn nữa, gia đình có 2 con nhỏ nên càng phải cẩn thận”, anh Trình, ngụ tại quận Bắc Từ Liêm, kể lại.

Anh rất mừng khi tài xế xe ôm công nghệ được nhận khách. Nhưng đồng thời, anh nhận thấy nhiều đồng nghiệp đã bỏ nghề.

“Họ tìm công việc mới sau nhiều tháng dịch vụ xe ôm tạm dừng hoạt động. Một số khác chuyển sang ứng dụng có mức chiết khấu cho tài xế thấp hơn”, anh cho biết.

 Ánh Nguyệt mừng rỡ khi dịch vụ xe ôm được khôi phục trong tuần cuối cùng cô ở Hà Nội.

Ánh Nguyệt mừng rỡ khi dịch vụ xe ôm được khôi phục trong tuần cuối cùng cô ở Hà Nội.

Chuyến xe ôm đầu tiên sau nhiều tháng

Ánh Nguyệt (25 tuổi) thở phào khi dịch vụ xe ôm được khôi phục trong tuần cuối cùng cô ở Hà Nội.

Cô để lại xe máy ở TP.HCM để bay ra Hà Nội đón Tết Nguyên đán cùng gia đình từ ngày 21/1. Lúc đó, cô đã xác định rằng sẽ tốn một khoản kha khá cho chi phí đi lại bởi chỉ có taxi công nghệ được hoạt động.

“Tôi gần như phụ thuộc vào dịch vụ đặt xe bởi không phải lúc nào người nhà, bạn bè cũng đưa đón được. Trong khi đó, di chuyển liên tục bằng taxi rất tốn tiền. Thời điểm Tết cũng không có nhiều khuyến mãi, thậm chí còn thêm phụ thu”, cô chia sẻ.

“Tiết kiệm được chút nào hay chút đó. Ngoài tụ tập, gặp gỡ bạn bè đầu năm, tôi cũng phải di chuyển nhiều vì công việc”, cô nói.

Tương tự, Phương Anh (30 tuổi) lập tức chọn dịch vụ xe ôm công nghệ thay vì đặt ôtô như trước đó. Cô hài lòng với chuyến xe đầu tiên sau nhiều tháng do tài xế tới nhanh, chi phí phải chăng bất chấp thời tiết xấu.

 Các tài xế xe ôm công nghệ đợi khách ở phố Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng).

Các tài xế xe ôm công nghệ đợi khách ở phố Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng).

Trước khi xe ôm công nghệ phải dừng hoạt động vì dịch, Phương Anh thường đặt 2-5 chuyến/tuần để di chuyển.

“Tôi thường di chuyển một mình, quãng đường ngắn nên bắt xe máy sẽ nhanh chóng, tiết kiệm hơn. Thời gian qua, tôi chỉ có thể bắt taxi nên thấy tốn kém và bất tiện”.

Không may mắn được như Phương Anh, Thu Uyên (21 tuổi), sinh viên năm 3, có chút mất kiên nhẫn khi đặt xe ôm công nghệ từ Trương Định (quận Hai Bà Trưng) tới Trung Hòa (quận Cầu Giấy).

Cô bấm đi bấm lại nút “Đặt xe”, nhưng suốt 10 phút, ứng dụng không thể tìm thấy tài xế nào.

“Tôi muốn có mặt ở phố Trung Hòa lúc 11h45 nên đã đặt xe trước đó 30 phút, phòng trừ trường hợp tắc đường hoặc chờ đèn đỏ lâu. Thế nhưng, tôi mất tới 10 phút để tìm được tài xế”, cô kể lại.

Chia sẻ với Zing, Thu Uyên cho biết cô rất mừng khi dịch vụ xe ôm công nghệ hoạt động trở lại. Vì là một người dễ say ôtô, cô không thích di chuyển bằng taxi. Cô cũng không muốn đi xe đạp điện đến một điểm hẹn khá xa so với nhà.

Thu Uyên nói rằng thông thường, ứng dụng sẽ hiển thị nhiều tài xế sẵn sàng nhận khách trong vòng bán kính 500 m từ nhà cô. Do đó, cô ngạc nhiên khi rất khó để đặt xe ngày hôm nay.

“Tôi đinh ninh rằng việc đặt xe vẫn sẽ nhanh chóng và dễ dàng như trước dịch. Rất may vẫn có người nhận chở tôi và tôi không bị lỡ hẹn ăn tân niên với bạn bè”, cô nói.

Hồng Chang - Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-xe-om-cong-nghe-dau-tien-sau-6-thang-post1295111.html