Chuyện vượt dốc của những bác tài xe ôm trên đỉnh núi Tô

Để có thể thỏa thuê ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp trên đỉnh núi Cô Tô, du khách phải cầu viện đến những bác tài 'tay lái lụa' ở nơi đây.

Ai cũng đầy kinh nghiệm

Tại núi Cô Tô (hay còn được gọi là núi Tô) thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nghiệp đoàn tài xế xe ôm chở khách lên đỉnh núi có tới 70 người cùng những chiếc xe mô tô chuyên dụng sẵn sàng "lên đỉnh".

Các bác tài này đa phần là người địa phương nên rất am hiểu đường sá và mỗi người cầm lái có ít nhất hơn 10 năm kinh nghiệm lên đỉnh núi Tô.

Vừa chở khách lên đỉnh núi quay trở về, ông Trần Văn Quế (54 tuổi) cho biết, tính đến thời điểm này, ông đã có hơn 20 năm làm nghề lái xe chở khách lên đỉnh núi Tô.

"Ở đây chúng tôi bắt đầu làm việc lúc 4h sáng đến 20h tối. Mỗi lượt xe từ chân núi lên tới đỉnh núi mất khoảng 15 phút", ông Quế cho biết thêm.

Những khúc cua ngoằn ngoèo lên đỉnh núi Tô được các bác tài xe ôm khéo léo chinh phục hàng ngày.

Cũng theo ông Quế, ở đây hoạt động chở khách lên đỉnh núi Tô giá cả đều công khai. Chuyến chạy lên đỉnh núi giá 120.000 đồng, còn chạy xuống giá 80.000 đồng.

Nếu du khách lên và đề nghị bác tài chờ khoảng 30 phút thì giá tính cả hai lượt lên và xuống là 200.000 đồng.

Còn chờ từ 1-2 giờ đồng hồ thì các bác tài không chờ mà chạy xuống chân núi. Đến lúc cần về, chỉ cần gọi điện thoại, bác tài sẽ chạy lên chở khách xuống.

Để thử cảm giác sáng sớm lên đỉnh núi Tô lúc còn mờ sương, phóng viên nhờ anh Trương Văn Tiệp (35 tuổi) - người có 15 năm kinh nghiệm chở khách đưa lên núi.

Anh Tiệp cho biết, để xe có thể leo núi cần phải cân chỉnh lại một số bộ phận, đặc biệt là dây nhông, sên, dĩa...

"Những bộ phận này rất quan trọng vì khi lên dốc cần phải có sức kéo, cho nên khi thay thì phải phù hợp và chỉ sử dụng những đồ đạc đạt chất lượng, đảm bảo an toàn", anh Tiệp cho biết thêm.

Xe đang chạy bon bon lên đỉnh núi, đến đoạn cua khá gắt, anh Tiệp quẹo cua rất mượt mà, vững chãi.

Anh nói: "Làm nghề này cần có tâm lý vững vàng, tay lái lúc nào cũng phải chắc để có thể điều khiển xe theo ý muốn của mình trong phạm vi an toàn nhất".

Anh cũng cho biết thêm, tài xế xe ôm không chỉ chở khách lên đỉnh núi tham quan, chiêm bái và chụp ảnh mà còn chở nhiều hàng hóa cùng nhu yếu phẩm lên, xuống núi hàng ngày nên đã quá quen thuộc từng đoạn đường.

Trải nghiệm thú vị

Núi Tô có chiều cao 614m, dài 5.800m và rộng 3.700m, còn có tên gọi khác là Phụng Hoàng sơn, tên Khmer là Phnom-Ktô, nằm trong dãy Thất Sơn, thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn (An Giang).

Nơi đây được tạo hóa ban tặng hệ thống hàng trăm hang động ngầm rộng lớn và vững chắc. Đây cũng chính là điểm thu hút nhiều lượt du khách đến tham quan mỗi năm.

Đến đây, du khách sẽ được nghe câu chuyện, truyền thuyết lý thú được người dân lưu truyền hàng trăm năm qua, rằng các nàng tiên nữ thường hạ phàm xuống vùng núi Thất Sơn những đêm trăng sáng để dạo chơi và vui đùa.

Một hôm các nàng chơi trò ném đá và sáng hôm sau nơi ấy xuất hiện một ngọn núi nhỏ, đá chồng chất lên nhau với muôn hình thù hấp dẫn, đó chính là Cô Tô ngày nay.

Một giả định khác không gắn với truyền thuyết là do núi có hình dáng giống như cái tô lật úp, nên gọi là núi Tô.

Nằm giữa những cánh đồng bao la, bát ngát, ngọn núi Cô Tô khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ say đắm lòng người.

Những ngôi nhà được xây dựng trên các vách đá dựng đứng, từng rặng cây đung đưa theo gió như cơn sóng biển đang gợn từng cơn, đem lại khí hậu mát mẻ quanh năm.

Khi đặt chân đến nơi, du khách còn không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh bao la rộng lớn và núi non hùng vĩ trước mặt.

Vẻ đẹp hoang sơ trong buổi sáng mờ sương ở núi Tô để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.

Cũng chính bởi những điều hấp dẫn như vậy nên chị Lưu Ngọc Giang (30 tuổi, ngụ TP.HCM) đã ghé thăm, trải nghiệm ngồi các bác tài xe ôm tham quan, ghi lại những khoảnh khắc thú vị trên đỉnh núi Tô.

Chị Giang nói: "Ban đầu thì hơi lo vì thấy dốc cao, nhiều khúc quanh co. Nhưng các bác tài chạy xe rất chắc chắn, an toàn nên tôi cũng thấy yên tâm.

Lên đến đỉnh núi đúng là rất thú vị khi có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn toàn cảnh hữu tình xung quanh".

Đi cùng đoàn với chị Giang, anh Lâm Nhật Vỹ (35 tuổi) cũng có cảm giác tương tự.

"Đúng là hơi lo khi mới ngồi sau xe các bác tài chở lên đỉnh núi Tô. Nhưng ngồi chắc thì yên tâm và có thể thoải mái ngắm nhìn cảnh đẹp từ chân núi lên đến đỉnh núi", anh Vỹ chia sẻ.

Ông Trần Duy Hiếu, Chủ tịch UBND xã Cô Tô, huyện Tri Tôn (An Giang) thông tin, nghiệp đoàn tài xế xe ôm chở khách lên đỉnh núi Tô tham quan luôn được địa phương theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn.

Nghiệp đoàn đã tạo việc làm, thu nhập cho 70 tài xế. Mỗi ngày, một tài xế có thể kiếm thêm thu nhập từ 500.000-600.000 đồng. Tất nhiên, nguồn thu nhập này có thể thay đổi tùy theo thời vụ và lượng khách đến tham quan.

"Để thúc đẩy phát triển du lịch cũng như tạo điều kiện để du khách đến tham quan núi Tô được thuận lợi, địa phương đã có đề xuất lãnh đạo cấp trên mở đường rộng 5 - 6m để du khách có thể dễ dàng lên tham quan núi Tô", ông Hiếu thông tin thêm.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-vuot-doc-cua-nhung-bac-tai-xe-om-tren-dinh-nui-to-192240315151232147.htm