Chuyện về 'ông đồ hiện đại' Vũ Đình Liên

Ngày 12-11 vừa qua là dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Nhà giáo nhân dân, nhà thơ, dịch giả Vũ Đình Liên (1913-2023).

Nhà giáo nhân dân, nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996)

“Ông đồ hiện đại” là danh xưng sinh thời bậc tiền bối Vũ Đình Liên tự nhận. Nếu như ông đồ trong bài thơ Ông đồ nổi tiếng là hình ảnh tượng trưng “Những người muôn năm cũ” của Nho học thì bản thân tác giả lại là “ông đồ hiện đại” Tây học.

* Làm thơ là nghiệp, dạy học là nghề

Vũ Đình Liên quê gốc ở H.Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng sinh ra ở Hà Nội ngày 12-11-1913, trong một gia đình làm thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc. Sau khi đỗ tú tài Trường Bưởi năm 1932, ông vừa học đại học luật, vừa đi dạy học kiếm sống tại các trường tư thục. Đồng thời, ông cũng bắt đầu sáng tác, viết cho Báo Phong Hóa của Đoàn Phú Tứ cùng một số tờ báo khác; rồi tự đứng ra mở Báo Tinh Hoa, mời nhiều cây bút tên tuổi đương thời cộng tác.

Sáng tác trước bài thơ Ông đồ gần 10 năm, Hồn xưa là bài thơ đầu tiên của Vũ Đình Liên viết năm 1927. Một bài thơ cũng mang tinh thần hoài cổ. Nếu như Ông đồ đã trở thành “tài sản” chung của mọi người thì đối với Vũ Đình Liên, Hồn xưa mãi mãi là của riêng ông của một thời mộng mơ, chập chững bước vào “nghiệp” thơ đầy say mê, trong đó có những câu:

“Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay

Như khêu gợi nỗi niềm thương tiếc

Những cảnh và những người đã chết

Tự bao giờ mà nay biết tìm đâu

Những cảnh xưa rực rỡ đến trăm màu

Mà êm ả, mà tưng bừng, mà bé nhỏ

Đẹp như bức tranh hay, như bài thơ cổ

Những ngày xưa yên lặng nhẹ nhàng”

Đối với Vũ Đình Liên, nếu như làm thơ là cái nghiệp thì dạy học là cái nghề. Đến sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông vẫn tiếp tục dạy học và soạn sách giáo khoa, làm Chủ nhiệm Khoa Tiếng Pháp của Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Cùng các học giả và là những giáo sư nổi tiếng như: Lê Thước, Lê Trí Viễn, Trương Chính..., Vũ Đình Liên là thành viên tích cực của Nhóm văn học Lê Quý Đôn, có nhiều đóng góp về nghiên cứu, dịch thuật. Hai công trình nghiên cứu văn học đáng chú ý của Vũ Đình Liên là Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam và Nguyễn Đình Chiểu cùng hoàn thành từ năm 1957. Ông còn dịch nhiều thơ nước ngoài, nhất là thơ Pháp mà thi sĩ ông tỏ ra tâm đắc là Charles Baudelaire (1821-1867), nên ông còn có biệt danh “Baudelaire Việt Nam”!

* Một cuộc đời đáng chiêm nghiệm

Những người làm văn nghệ cao niên đều biết Vũ Đình Liên có 3 địa chỉ ở Hà Nội mà ông gắn bó mật thiết: chùa Bộc, ngôi nhà 156B Bà Triệu và 11 phố Hàng Bông. Ông chọn chùa Bộc làm nơi sống ẩn dật một thời gian để tịnh tâm, nghiên cứu Phật pháp, triết học và làm thơ thiền. Như ông viết về Phật Bà: “Nghìn mắt không nhìn hết khổ đau/ Nghìn tay nâng chẳng nhẹ u sầu”.

Tuy nhiên, một ngày thu năm 1986, ngôi chùa này bỗng dưng đông vui khác thường, khi bạn bè đồng nghiệp và học trò của nhà thơ, nhà giáo Vũ Đình Liên bất ngờ tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày ra đời bài thơ Ông đồ. Một kỷ niệm đẹp và xúc động dưới mái chùa cổ về một tuyệt tác hoài cổ của “ông đồ hiện đại”.

“Tôi viết bài thơ Ông đồ suốt 2 cái Tết năm 1935, 1936 mới xong và đăng trên Báo Tinh Hoa. Tôi đi theo con đường riêng của tôi. Vào năm 1936, khi bài thơ Ông đồ trình làng, bạn bè văn chương bảo rằng tôi đã tìm được con đường riêng, chứ không phải đi theo con đường tiên, thế giới bồng lai của Thế Lữ. Con đuờng của tôi là tình thương của mọi người. Con đường tôi tìm gọi là mới ấy, thực ra lại là con đường truyền thống của dân tộc, cái mới trong cái cũ. Cho nên, bạn bè viết giới thiệu trên báo chí là nhà thơ của người nghèo, nhà thơ của nông dân, nhà thơ của tình thương!”.

Theo nhà nghiên cứu văn học NGUYÊN AN: “Trên văn - thi đàn Việt Nam hiện đại, đã có lúc người ta tưởng rằng Vũ Đình Liên và Thâm Tâm, rồi cả Hoàng Lộc và Hồng Nguyên sau đó… là những “nhà thơ một bài”. Thật ra, không phải thế. Với Vũ Đình Liên, sau kiệt tác Ông đồ, đủ để đưa ông vào số những tác giả cán mốc cho lịch sử văn học hiện đại, ông còn có một số bài thơ khác rất đáng chú ý. Có điều đáng tiếc là: Các bài này dường như chỉ được biết tới qua các bản chép tay - thơ được chép tay - thường là thơ được nâng niu quý trọng - dẫu vậy, cũng chưa có sức tác động, giao hòa thật nhiều…”.

Nhà giáo nhân dân, nhà thơ Vũ Đình Liên tâm sự khi lần đầu tiên chúng tôi đến thăm ông trên gác Hương Lửa nằm ở góc phố Trần Nhân Tông với Bà Triệu của Hà Nội vào mùa hè năm 1994. Ông còn cho biết bài thơ Ông đồ được dịch hơn 10 thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nga, Thụy Điển, Ả Rập, Đan Mạch... Có một tờ báo châu Phi, số đặc biệt, cùng lúc in bài Ông đồ thành 3 thứ tiếng: Anh, Pháp, Ả Rập. Riêng tiếng Pháp, bài thơ Ông đồ có 3 người dịch. Và người dịch đầu tiên là một phóng viên thường trú Báo Nhân Đạo của Pháp tại Hà Nội.

Tại gác Hương Lửa, tôi được xem những hình ảnh, kỷ vật đẹp về tình nghệ sĩ thân thiết của nhà thơ Vũ Đình Liên với họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, như thơ ông viết: “Thiên thần nghệ thuật là chuyên nghiệp/ Đốt trái tim trầm gửi gió hương”. Đồng thời, tôi cũng tìm thấy nghĩa thầy trò cao quý qua những dòng thư, kỷ vật của ông dành cho các bậc thầy của mình và các thế hệ học trò dành cho Nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên, điều mà không phải ai tay bút tay phấn suốt đời trên bục giảng cũng có được.

Nhà giáo nhân dân, nhà thơ Vũ Đình Liên còn tâm sự rằng, lịch sử Việt Nam và thế giới cho thấy nhiều nhà thơ đồng thời là nhà giáo. Tình nhân ái trong thơ họ hết sức sâu sắc, cao đẹp. Nhà thơ - thầy giáo lớn của dân tộc là Nguyễn Trãi đã viết: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn sóng triều Đông”.

“Tôi đi đâu cũng nghe người ta bảo, không có nhà thơ nào trên thế giới nói tình nhân ái bằng hình tượng “sóng triều đông” độc đáo như Nguyễn Trãi. Cho nên tôi dựa vào đó diễn ra ý của tôi là “sư đạo ưu ái” trong tập Nghệ thuật, tình thương và tình bạn. Nếu tôi là thầy giáo không làm thơ thì chỉ là “sư đạo” mà thôi”. Ông còn thổ lộ thêm: “Giáo sư Dương Quảng Hàm là một trong những người thầy tôi rất kính trọng. Ông là cây cổ thụ của Trường Bưởi, sau Cách mạng Tháng Tám đổi thành Trường Chu Văn An, đào tạo nên nhiều nhân tài cho đất nước: “Mười cây cổ thụ sân Trường Bưởi/ Cao ngọn, xuê cành một gốc Dương”.

Từ trái sang, nhóm bạn thân thiết “Lưu - Liên - Phái”: Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, nhà thơ Vũ Đình Liên, họa sĩ Bùi Xuân Phái

Đó là 2 câu cuối bài thơ tâm huyết của tôi nhớ về Trường Bưởi, tưởng nhớ thầy Dương Quảng Hàm, một nhà giáo yêu nước, hết lòng vì nền giáo dục. Thầy là thủ khoa đầu tiên của Trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương, được các đồng nghiệp cả ta lẫn tây ở Trường Bưởi kính nể. Bộ sách Việt Nam văn học sử yếu của thầy nổi tiếng trước năm 1945, đến nay còn nguyên giá trị. Sau Cách mạng Tháng Tám, thầy được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường trung học Chu Văn An, đồng thời thầy còn làm thanh tra trung học Bộ Giáo dục. Thầy đã hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Vũ Đình Liên, một nhân cách thơ, một nhà giáo nhân hậu khả kính, rất đáng để hậu thế chiêm nghiệm. Thơ và nhà thơ đích thực thường kiệm lời, lặng lẽ, cô độc. Tôi yêu quý Vũ Đình Liên vì sự lặng lẽ, khiêm tốn, cô độc trong thơ và trong con - người - thơ mang tính sư phạm hòa lẫn nghệ sĩ hết mình của ông. Hết mình tới hơi thở cuối cùng. Vào ngày 18-1-1996, giữa lúc đất trời đang chuyển mình vào xuân thì “ông đồ hiện đại” Vũ Đình Liên đã vĩnh viễn ra đi.

Tác phẩm Thơ Baudelaire, một công trình nghiên cứu và dịch thuật sau 40 năm của ông, xuất bản năm 1995 và được Hội Nhà văn Việt Nam trao thưởng năm 1996, nhưng ông không kịp nhận niềm vui muộn màng ấy. Thi sĩ, Nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên đã hóa thân vào hư vô nhưng tên tuổi ông cùng bài thơ Ông đồ bất tử:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua”.

Phan Hoàng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202311/chuyen-ve-ong-do-hien-dai-vu-dinh-lien-f194ddc/