Chuyện về những tấm gương bình dị mà cao quý

Mỗi tấm gương là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên và phát triển của đất nước.

Những ngày này, Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở thủ đô Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) và hai năm thực hiện Kết luận số 01- KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ nay đến hết tháng 8/2023 và sẽ được tổ chức tại một số địa phương trong cả nước trong thời gian tới. (Ảnh: Hà Anh)

Triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ nay đến hết tháng 8/2023 và sẽ được tổ chức tại một số địa phương trong cả nước trong thời gian tới. (Ảnh: Hà Anh)

Triển lãm là sự kiện quan trọng góp phần vào việc cổ vũ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh… ; góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp

Chia sẻ về việc tổ chức Triển lãm này, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt. Người từng nói với đồng bào, đồng chí cả nước: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp”.

Bởi vậy, để việc tuyên truyền, giáo dục gương người tốt, việc tốt ngày càng được phát huy sâu rộng trong nhân dân, tháng 6/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xuất bản sách Người tốt, việc tốt.

Bộ sách tập hợp những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, lao động và sản xuất… được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và thưởng huy hiệu của Người.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc học tập và làm theo Người đã trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài, thiết thực, đi vào thực tế cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức.

Tiếp nối truyền thống ấy, Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh, thực hiện trong 11 năm liên tiếp là một hoạt động chính trị và văn hóa hết sức có ý nghĩa, góp phần giúp người xem mỗi ngày có thêm nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Năm nay, Triển lãm giới thiệu tới công chúng 133 tấm gương điển hình tiên tiến, gồm 62 tập thể và 71 cá nhân được Ban tổ chức lựa chọn từ gần 600 tấm gương đã được Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, Đảng ủy khối các Cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Tổng cục chính trị (Bộ Quốc phòng) và Tổng Cục chính trị (Bộ Công an) giới thiệu.

Lớp học của cô giáo xương thủy tinh Nguyễn Thị Ngọc Tâm. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Lớp học của cô giáo xương thủy tinh Nguyễn Thị Ngọc Tâm. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Tạo nên một rừng hoa đẹp trong đời sống

Có thể kể đến những tấm gương tiêu biểu như thầy giáo Nguyễn Như Diệp ở Bình Thuận không chỉ tận tụy, tâm huyết với nghề giáo mà còn có tấm lòng nhân đạo, tích cực trong hoạt động từ thiện xã hội.

Hay tấm gương về nghị lực và tấm lòng người thương binh Nguyễn Hồng Yên ở Anh Sơn, Nghệ An, mặc dù lại chiến trường đôi chân và 91% sức khỏe, nhưng luôn gắng gượng để làm ăn, sản xuất giỏi và thường xuyên chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.

Đó còn là cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm sinh năm 1990 tại thôn Trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Không thể đứng trên bục giảng được với căn bệnh xương thủy tinh, để thực hiện ước mơ được làm cô giáo của mình, Tâm quyết định mở lớp học miễn phí ngay tại nhà để kèm cặp các em học sinh gần nhà hoặc những ai cần chị giúp đỡ.

Vượt qua nghịch cảnh của số phận, Tâm đã sáng lập nên lớp học “5 không”: Không phấn, Không bảng, Không bục giảng, Không giáo án, Không học phí; chào đón hàng trăm bạn nhỏ trong và ngoài xã tới lớp học.

Ngoài thời gian dạy các em nhỏ học, chị còn kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ để lập nên quỹ học bổng mang tên mình, để tặng những món quà cho các em nhỏ vùng quê nghèo.

Chị đã xây dựng không gian đọc Ngọc Tâm Thủy Tinh với hơn 1.500 đầu sách. Không chỉ vậy, cô còn tích cực tham gia vào các chương trình tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, các hội thảo, tọa đàm do các tổ chức thực hiện để tiếp thu kiến thức, nâng cao các kỹ năng của mình.

Xuất phát từ cái tâm,“Thương người như thể thương thân”, Đại Đức Thích Minh Trung tại Chùa Vạn Đức, Ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, cũng luôn tìm cách vận động, quyên góp để hỗ trợ, giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu hàng năm, Đại đức cùng chư Tăng đã phát quà cho các gia đình khó khăn, trẻ em nghèo, phát gạo cho người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… tại các đại phương.

Tại Triển lãm, người xem cũng xúc động với việc làm bình dị của anh công nhân Nguyễn Văn Vinh – Tổ trưởng Tổ vệ sinh bờ biển tại Tuy Hòa, Phú Yên. Hàng ngày, anh Vinh cùng 8 đồng nghiệp dọn vệ sinh mặt nước bờ biển và trên cạn, từ 2 giờ sáng đến 10 giờ trưa.

Anh công nhân Nguyễn Văn Vinh – Tổ trưởng Tổ vệ sinh bờ biển tại Tuy Hòa, Phú Yên. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Anh công nhân Nguyễn Văn Vinh – Tổ trưởng Tổ vệ sinh bờ biển tại Tuy Hòa, Phú Yên. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Là một người có tâm huyết nên anh luôn cố gắng cùng đồng nghiệp để làm sao thu dọn sạch hết mức có thể. Sau khi thu dọn bờ biển xong, anh công nhân ấy lại chu đáo đi kiểm tra lại các vật sắc nhọn đã sạch hay chưa rồi mới yên tâm đi về.

Qua những tấm gương này, mỗi người, mỗi gia đình và mỗi tổ chức sẽ đóng góp những việc làm thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống để tạo nên một rừng hoa đẹp về người tốt, việc tốt, kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Hà Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-ve-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-227516.html