Chuyện về những người bác sĩ có 'thần kinh thép'

Chữa trị cho người bệnh, đặc biệt bệnh nặng, bệnh nan y vốn đã khó và mệt, song điều trị cho một người mắc bệnh tâm thần còn khó khăn gấp nhiều lần. Có tận mắt chứng kiến sự hy sinh thầm lặng mà các y, bác sĩ đang ngày đêm đối diện với 'không gian' lẫn 'thời gian' tại các bệnh viện chuyên ngành, tại các khoa liên quan đến tâm thần mới cảm thấy ngưỡng mộ về sự hy sinh thầm lặng của những bác sĩ có 'thần kinh thép' đến nhường nào!

Có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), các y, bác sĩ ở đây rất xúc động khi gặp chúng tôi (phóng viên).

Những "đứa con"… không bao giờ lớn

Theo chân bác sĩ CKII Hoàng Thị Phượng đến thăm khoa Mãn tính nam, vừa thấy có người lạ, bệnh nhân bắt đầu tiến đến cổng sắt, vẫy tay chào, miệng liên tục gọi chính xác tên tôi.

Khoa Mãn tính nam - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Lâm Ngọc

Tất nhiên, cũng có một số bệnh nhân gọi tên tôi là Mai, Cúc, Hồng, Bích… Có lẽ, những cái tên này là những người quan trọng đối với những bệnh nhân ở đây. Bác sĩ Phượng cho biết, họ cũng là con người bình thường, cũng có cảm nhận và cảm xúc, nếu quý ai họ sẽ rất nhớ.

“Chào cô Ngọc, cô lại đến chơi ạ. Cô vào chơi với con đi, con có này cho cô xem nè”. Như chợt gặp người quen đã lâu, hai ba bệnh nhân liên tục gọi tên tôi. Ngân nga một vài câu hát, bệnh nhân H.T (25 tuổi, ngụ Bình Dương) hỏi: “Cô Ngọc thấy con hát hay hơn đợt trước cô Ngọc vào không, con sắp khỏi bệnh rồi, con sắp được về rồi. Về nhà con sẽ đi làm ca sĩ”.

Bệnh nhân tâm thần là bệnh nhân có những sinh hoạt, hành vi, suy nghĩ khác với người bình thường. Ảnh: Lâm Ngọc

Nếu thực sự chỉ nghe mà không nhìn, chắc tôi không tin những câu đó xuất phát từ những người có bệnh lý tâm thần nặng.

Nhìn những “đứa con” của mình, bác sĩ Phượng tâm sự, mình nuôi con, con mình có lớn sẽ có khôn, còn ở đây, toàn bộ là "những đứa trẻ" không bao giờ lớn. “Có những người đáng tuổi cha chú nhưng vẫn xưng con, trong mắt họ, mình như người mẹ, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, những thứ mà ngoài xã hội họ không nhận được nên họ rất yêu thương các bác sĩ”.

Nói về cơ duyên với nghề, bác sĩ Phượng kể: “Hôm đó, đạp xe qua bệnh viện, nghe tiếng la hét của bệnh nhân, như có gì đó thôi thúc, tôi quyết định vào công tác tại bệnh viện từ năm 1993 đến nay”.

Hơn 30 năm gắn bó tại bệnh viện, chồng mất sớm, bác sĩ Phượng vẫn luôn cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình. “Tôi quyết định không mở phòng bệnh tại nhà. Ngoài thời gian làm việc tại bệnh viện, tôi muốn thời gian còn lại dành trọn vẹn cho gia đình”, bác sĩ Phượng nói.

Chỉ cần dũng cảm tới vỗ vai khi bệnh nhân lên cơn kích động là đã giúp bệnh nhân giảm được 50% căng thẳng. Ảnh: Lâm Ngọc

Đột nhiên, các bệnh nhân tiến tới chỗ chúng tôi, vì quá bất ngờ nên tôi nép vào người bác sĩ Phượng, bác sĩ Phượng vỗ vai tôi rồi tiếp tục nói: “Đừng lo, mấy con ở đây ngoan lắm, lên cơn kích động hay hưng cảm thì mình phải tỉnh, phải bình thường, dũng cảm tiến gần bệnh nhân thì mới điều trị được”.

“Qua vài lần bị bệnh nhân tấn công, tôi mới nghiệm ra rằng, chỉ cần mình bình tĩnh, tiến tới vỗ vai họ, hỏi thăm vài câu là bệnh nhân đã giảm được 50% căng thẳng. Tùy theo bệnh nhân mà bác sĩ có cách ứng xử khác nhau, cơ bản bác sĩ tâm thần cần phải hiểu tâm lý bệnh nhân thì mới tìm ra cách để điều trị tốt nhất”.

Những chiếc dép không ở chân mà ở trên nóc nhà. Ảnh: Lâm Ngọc

Ngoài ra, bác sĩ cần phải có kỹ năng ứng xử với từng trường hợp để bệnh nhân ngoan, nghe lời và nể. Nếu họ đã yêu thương và tôn trọng, các bác sĩ chỉ cần sử dụng “Liệu pháp ám thị”, là có thể điều khiển được bệnh nhân thông qua ánh mắt để bệnh nhân làm theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Vui thì khóc, buồn thì cười…

Phụ trách khoa Rối loạn cảm xúc của bệnh viện, bác sĩ CKII Nguyễn Giang tâm sự, việc ra trường và công tác tại bệnh viện tâm thần là một điều đúng đắn và phù hợp với bản thân.

Bác sĩ CKII Nguyễn Giang - Phụ trách khoa Rối loạn cảm xúc - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Ảnh: Lâm Ngọc

“Nếu ai không biết, nhìn vào sẽ thấy người bệnh rất đáng sợ. Tôi tiếp xúc nhiều, lại thấy họ dễ thương. Mỗi bệnh nhân là một câu chuyện, mỗi câu chuyện là một cuộc đời. Lúc họ tỉnh, họ kể về cuộc đời, thấy thương lắm”.

Di chuyển xuống khoa cùng bác sĩ Giang, chúng tôi gặp một bệnh nhân đã ngoài 60 tuổi, tóc lốm đốm muối tiêu, vừa đi vừa cười.

Khi gặp chúng tôi, bệnh nhân N.T (quê Bình Thuận) vui vẻ chào hỏi: “Chào bác sĩ, chào cô. Cô và bác đi đâu đó”. Tôi nhanh nhảu hỏi: “Sao bác không ngủ trưa? Sao bác lại ở đây?”.

“Tôi bị “trét” (stress - căng thẳng) nên vào đây. Ở đây hợp với tôi hơn, ở nhà đi biển “trét”” quá mất ngủ”. Không để tôi có cơ hội hỏi thêm, bệnh nhân chào bác sĩ Giang, chào chúng tôi rồi bỏ đi.

Một bệnh nhân nữ bị mắc bệnh do sử dụng quá nhiều chất kích thích (ma túy đá). Ảnh: Lâm Ngọc

Hiện khoa Rối loạn cảm xúc đang điều trị 100% là bệnh nhân nam. Quan niệm mọi người thường nghĩ, nữ sẽ dễ rối loạn cảm xúc hơn, nhưng thực tế, tỷ lệ nam nhập viện điều trị lại cao hơn, tập trung ở độ tuổi từ 30 đến 40, chủ yếu rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hưng cảm…

“Lúc đầu cũng sợ, nhưng làm riết rồi quen, càng làm lại muốn gắn bó lâu dài ở đây”, đó là tâm sự của bác sĩ CKI Nguyễn Quang Huy, phụ trách khoa Khám bệnh tâm thần – Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2.

Bác sĩ CKII Nguyễn Quang Huy - Phụ trách khoa Khám bệnh tâm thần - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Ảnh: Lâm Ngọc

“Tôi may mắn được học với những giáo sư đầu ngành về bệnh tâm thần, học nhiều, đọc nhiều, tôi cảm thấy thú vị và đam mê. Riêng bệnh lý khác, các bác sĩ có thể can thiệp được, còn bệnh lý tâm thần chủ yếu là tâm căn”.

Theo bác sĩ Huy, người bệnh tâm thần thường xuất hiện ảo giác, có ảo thanh. Một số bệnh nhân liên tục có cảm giác bị đau bụng, đi khám tất cả các chuyên khoa đều không tìm ra bệnh, nhưng khi đến với bệnh viện tâm thần lại có thể mất đi cảm giác đau đớn do bệnh nhân tự tưởng tượng ra.

Nhìn xa xăm, bác sĩ Huy kể: “Tôi thấy thương người bệnh một, thì thương người nhà mười. Người bình thường sống chung với người bệnh lâu quá cũng dễ cáu gắt, ức chế. Khi đưa người bệnh đến đây, họ luôn trong tinh thần sẵn sàng bùng nổ. Việc bị chửi, xúc phạm là điều bình thường, nhưng vì yêu nghề, thương bệnh nhân, mỗi bác sĩ phải luôn bỏ ngoài tai tất cả mà kiên nhẫn với người bệnh và gia đình bệnh nhân”.

Theo nghiên cứu, bệnh tâm thần có liên quan đến yếu tố gia đình. (Trong ảnh: Hai chị em ruột cùng mắc bệnh). Ảnh: Lâm Ngọc

Làm cái nghề đòi hỏi phải có "thần kinh thép" nên những bác sĩ nơi đây đều có những câu chuyện buồn, vui khác nhau, mang theo nhiều trăn trở. Hiện nay, nhiều bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị, nhưng người nhà quan niệm ở nhà vẫn tốt hơn ở viện, nên quyết tâm đưa về tự chữa.

Không cho bệnh nhân điều trị là gia đình đã lấy đi quyền cơ bản của bệnh nhân, chưa kể còn rất nhiều điều nguy hiểm xảy ra khi người bình thường ở chung với bệnh nhân tâm thần.

“Chúng tôi luôn tuyên truyền, nhắc nhở, đưa ra rất nhiều dẫn chứng rằng, ở chung như vậy là một sai lầm, nhưng cũng chỉ tác động nhỏ. Tôi chỉ mong toàn xã hội có thể ý thức được rằng, việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần là việc cần thiết. Đây là điều có ích cho chính bản thân người bệnh, cho gia đình và cho toàn xã hội”, bác sĩ Huy trải lòng.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-bac-si-co-than-kinh-thep-167041.html