Chuyện về 'người điều tra đĩa bay'

Công việc của ông là khám phá những bí mật từ những điều chưa biết. Nhưng sự tò mò của ông đã mở ra những cánh cửa mà chính phủ Mỹ luôn muốn đóng lại.

Đó là thông điệp cơ bản của một báo cáo được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 3/2024. Báo cáo dài 63 trang về sự liên can của Chính phủ Mỹ với các hiện tượng bất thường không xác định (UAP) kết luận rằng Văn phòng giải quyết bất thường toàn miền (AARO) của Bộ Quốc phòng Mỹ “không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy có sự hiện diện của công nghệ ngoài trái đất”.

AARO, theo The Guardian, là “một văn phòng chính phủ được thành lập vào năm 2022 để phát hiện và khi cần thiết, giảm thiểu các mối đe dọa từ “các vật thể dị thường trên không, dưới nước hoặc đa môi trường”.

Báo cáo cho thấy sự mâu thuẫn với nội dung phiên điều trần nổi bật nhất về UAP - trước đây được gọi là vật thể bay không xác định hoặc UFO - trong nhiều thập kỷ: lời khai tháng 8/2023 của “người thổi còi” Dave Grusch.

Josef Allen Hynek, ảnh chụp năm 1972.

Trong phiên điều trần gây xôn xao dư luận, Grusch, cựu thành viên Lực lượng đặc nhiệm UAP của Lầu Năm Góc, tuyên bố rằng ông đã được biết về “Chương trình thu hồi và phân tích vật thể bay không xác định kéo dài nhiều thập kỷ”. Nhưng những tuyên bố của ông ta chưa bao giờ được chứng minh, và mặc dù báo cáo mới không đề cập cái tên Grusch, nhưng nó đưa ra những lời giải thích cho những hiện tượng mà ông ta mô tả trong lời khai.

Đây không phải là báo cáo đầu tiên của chính phủ Mỹ bác bỏ những câu chuyện về những người ngoài hành tinh nhỏ bé màu xanh lá cây và những chiếc đĩa bay kỳ lạ của họ. Vậy tại sao người Mỹ cứ bám vào thuyết âm mưu du khách ngoài Trái đất? Đổ lỗi cho khoa học viễn tưởng, báo cáo của AARO viết:

“Có một chủ đề nhất quán trong văn hóa đại chúng liên quan đến câu chuyện đặc biệt dai dẳng rằng Chính phủ Mỹ hoặc một tổ chức bí mật của chính phủ đã phục hồi được một số tàu vũ trụ ngoài hành tinh và hài cốt người ngoài Trái đất, rằng Mỹ vận hành một hoặc nhiều chương trình nhằm phục hồi công nghệ (ngoài Trái đất) và rằng từ những năm 1940 Chính phủ Mỹ đã nỗ lực che giấu việc này với quốc hội và công chúng Mỹ.

AARO nhận ra rằng nhiều người thực sự tin vào việc này dựa trên nhận thức của họ về trải nghiệm trong quá khứ, trải nghiệm của những người khác mà họ tin tưởng hoặc các phương tiện truyền thông mà họ tin là nguồn thông tin đáng tin cậy và có thể kiểm chứng. Sự phổ biến của các chương trình truyền hình, sách, phim cũng như lượng lớn nội dung trên Internet và mạng xã hội tập trung vào các chủ đề liên quan đến UAP rất có thể đã ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng về chủ đề và củng cố niềm tin này trong một bộ phận dân chúng”.

Internet đã giúp những người tò mò tiếp cận với lĩnh vực UFO học. Nhưng để hiểu đầy đủ sự hoài nghi hiện nay của công chúng đối với những lời giải thích do Chính phủ Mỹ đưa ra về người ngoài hành tinh, chúng ta phải xem xét người từng chịu trách nhiệm ủng hộ những câu chuyện “chính thức” này - và xem xét quá trình biến đổi của ông từ một người hoài nghi thành người ủng hộ nhận định rằng UFO tồn tại.

Allen Hynek là ai?

Josef Allen Hynek, sinh ngày 1/5/1910, bắt đầu quan tâm đến vũ trụ sau một lần bị ốm hồi còn nhỏ. Căn bệnh đã khiến cậu bé rời xa việc đi theo bước chân của mẹ, một giáo viên và cha, nhà sản xuất xì gà, để hướng tới vũ trụ. Tiểu sử của Hynek viết:

“Mối quan tâm tới các vì sao xuất hiện sau khi Hynek phải nằm liệt giường vì bệnh ban đỏ lúc 7 tuổi. Sau khi cậu đọc hết số sách dành cho trẻ em, mẹ Hynek đưa cho con trai một số sách giáo khoa của học sinh trung học và cuốn sách thiên văn học đã thu hút sự chú ý của cậu bé”.

Ngay từ khi còn nhỏ, niềm đam mê khoa học của Hynek đã pha trộn với thiên hướng bí ẩn và sở thích nghiên cứu các tư tưởng triết học.

Năm 1934, với tư cách là nghiên cứu sinh tiến sĩ, Hynek đã đóng góp vào việc quan sát siêu tân tinh Nova Herculis tại Đài thiên văn Perkins ở Ohio (siêu tân tinh là vụ nổ của một ngôi sao lớn sắp kết thúc vòng đời, là một trong những vụ nổ sáng nhất trong vũ trụ, có thể sáng hơn cả một thiên hà. Vụ nổ có thể nhìn thấy trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần).

Năm 1936, Hynek gia nhập Khoa Vật lý và Thiên văn của Đại học bang Ohio. Nghiên cứu của ông trong 12 năm tiếp theo đã lên đến đỉnh cao khi ông được bổ nhiệm làm giám đốc Đài thiên văn McMillin của trường đại học.

Và đó là lúc đại diện chính phủ Mỹ gọi điện đến với một yêu cầu bất thường.

Hynek đã dính líu đến UFO như thế nào?

Trong những ngày cuối của Thế chiến II, các phi công chiến đấu Mỹ cho biết đã nhìn thấy những chiếc máy bay không giống bất kỳ chiếc máy bay nào từng gặp trong chiến đấu. Một số người mô tả “những ánh sáng chảy màu cam”, trong khi một phi công khác “nhìn thấy một vật thể màu đỏ, không có cánh, hình điếu xì gà”.

Những lời tường thuật này đã đến tai giới truyền thông. Nhưng những hiện tượng này cuối cùng được giải thích là do “hiện tượng tĩnh điện hoặc điện từ”.

Tuy nhiên, vụ việc liên quan đến phi công Kenneth Arnold vào ngày 24/6/1947 không được giải thích rõ ràng và quan trọng hơn là không dễ bị bác bỏ.

Tạp chí PopMech tường thuật vụ này như sau: “Trong khi tìm kiếm máy bay vận tải C-46 của thủy quân lục chiến, phi công giàu kinh nghiệm Kenneth Arnold đã chuyển hướng phi cơ khỏi đường bay ban đầu để tìm sườn phía tây nam của núi Rainier. Trong quá trình đó, Arnold trông thấy 9 vật thể “trông kỳ dị”, “hình tròn”, bay theo đội hình. Arnold ước tính chúng bay với tốc độ hơn 1.000 dặm một giờ. Khi ông ta báo cáo về vật thể lạ (và cho rằng chúng là một loại máy bay phản lực hoặc máy bay quân sự đang được thử nghiệm), Không quân Mỹ đã bác bỏ, rằng đó chỉ là ảo ảnh hoặc ảo giác”.

Arnold cho rằng việc quân đội bác bỏ những tuyên bố của mình là quá vội vàng, và ông tìm đến báo chí. Cuộc thảo luận của ông với phóng viên tờ Đông Oregonia đã dẫn đến việc phóng viên Bequette tạo ra thuật ngữ “đĩa bay” để mô tả những vật thể bất thường mà Arnold nói đã nhìn thấy.

Khi đó, bộ máy tình báo của Mỹ còn non trẻ. Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS) giải thể vào năm 1945, và đơn vị kế nhiệm, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), thành lập 3 tháng sau khi Arnold báo cáo về việc nhìn thấy vật thể bay lạ. Nếu vật thể bí ẩn bay trong không phận là thật, khi đó Mỹ không có khả năng biết chúng đến từ đâu: Liên Xô? Kẻ thù nước ngoài? Người ngoài hành tinh?

Khi đó, điều quan trọng là phải điều tra xem liệu những tuyên bố này có đúng sự thật hay không và cũng quan trọng không kém là phải trấn an công chúng Mỹ đang lo lắng rằng không có lý do gì để báo động.

Không quân Mỹ đã tuyển dụng Hynek làm “cố vấn thiên văn” cho Dự án Sign, ra đời nhằm mục đích kiểm tra tính chính xác của các báo cáo. Trong suốt Dự án Sign, Hynek đã phân tích tỉ mỉ từng trường hợp bất thường xảy ra trên không và phân loại. Theo Biography, “có những quan sát thiên văn đơn giản, như sự xuất hiện của một thiên thạch, những quan sát được giải thích bằng khí tượng học, giống như một đám mây có hình dạng bất thường, và những quan sát ghi lại các vật thể nhân tạo, như bóng bay. Còn lại khoảng 20% số vụ việc hay hiện tượng không có lời giải thích rõ ràng”.

Các bài viết sau này của Hynek cho thấy rằng ông đã hy vọng có những cuộc điều tra bổ sung để giải quyết các câu hỏi được đặt ra bởi 20% trường hợp không giải thích được. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ lo ngại về những nỗi sợ hãi của công chúng trong Chiến tranh lạnh và khả năng những nỗi sợ hãi đó bị thao túng, đã muốn loại bỏ những câu hỏi như vậy. Và vì vậy, Dự án Sign đã biến đổi thành Dự án Grudge.

Dự án Grudge chỉ công bố một báo cáo vào tháng 8/1949. “Không có bằng chứng nào cho thấy các vật thể được báo cáo là kết quả của sự phát triển khoa học tiên tiến ở nước ngoài và do đó chúng không tạo thành mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia”, báo cáo xác định và khuyến nghị “giảm phạm vi điều tra và nghiên cứu các báo cáo về vật thể bay không xác định”.

Hynek, vỡ mộng với hướng đi của cuộc điều tra, mô tả Dự án Grudge là một “chiến dịch truyền thông PR”.

Dự án Blue Book

Kết luận của Dự án Grudge đã không dập tắt được mối lo ngại về thứ mà ngày nay mọi người gọi là “vật thể bay không xác định” hay UFO. Vì vậy, Không quân Mỹ đã tiếp tục các cuộc điều tra một lần nữa với Dự án Blue Book.

Không quân một lần nữa đưa Hynek vào Dự án Blue Book, cho phép ông tự mình tiến hành điều tra thực địa. Quan điểm của Hynek về các lý thuyết ngoài Trái đất liên quan đến những cảnh tượng không giải thích được đã phát triển từ những ngày ông tham gia Dự án Sign. Theo Biography, “mặc dù hoài nghi, nhưng Hynek nhận thấy các giả định của mình bị thách thức bởi sự hợp lý trong lời kể của các nhân chứng. Ông bắt đầu suy nghĩ, nghiên cứu nghiêm túc về những vật thể bay không xác định hay UFO này”.

Tuy nhiên, Hynek nhanh chóng nhận ra rằng ông được coi là một công cụ để bác bỏ những suy đoán về người ngoài hành tinh hơn là một nhà khoa học được giao nhiệm vụ khám phá những khả năng như vậy. Theo Biography, “vào những năm 1960, Hynek nhận thấy mình xung đột với sự giám sát của Không quân”.

Một sự cố đặc biệt đáng xấu hổ đối với Hynek xảy ra vào năm 1966, khi ông được cử đi điều tra “các báo cáo về ánh sáng bất thường” ở một số khu vực của bang Michigan trong nhiều đêm liên tiếp. Bị buộc phải tránh xa các lý thuyết ngoài Trái đất, Hynek phải công khai lên tiếng giải thích rằng những cảnh tượng người ta nhìn thấy có thể là do “khí ga đầm lầy”.

Thuật ngữ “khí ga đầm lầy” đã trở cụm từ dùng để giễu nhại phổ biến vào giữa những năm 60. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ và tổng thống tương lai Gerald Ford đã yêu cầu câu trả lời cho cuộc điều tra. Được kêu gọi làm chứng, Hynek đã tận dụng cơ hội này để tranh luận, đề xuất thực hiện một nghiên cứu sâu rộng, minh bạch về UFO.

Như vậy, Hynek đã vi phạm chỉ thị của Không quân Mỹ và chỉ 3 năm sau, Dự án Blue Book bị chấm dứt hoàn toàn. Nhưng điều đó không ngăn cản được nhà thiên văn học.

Sau dự án Blue Book

Không còn ràng buộc với Không quân, Hynek đã khởi xướng một chiến dịch công khai nhằm thúc đẩy cuộc điều tra khoa học về cái mà ông gọi là “ufology”. Nỗ lực này lần đầu tiên được hiện thực hóa trong cuốn sách năm 1972 của ông mang tên Trải nghiệm UFO: Một cuộc điều tra khoa học.

Hynek đã viết về suy nghĩ của ông trong việc nghiên cứu UFO, những quan sát của ông trong nhiều thập kỷ làm việc trong dự án Sign và Blue Book, cũng như phân tích các trường hợp “nhìn thấy UFO”, bao gồm cả những lần “nhìn thấy” ở xa và gần. Ông chia những báo cáo “nhìn thấy vật thể bay không xác định” thành ba loại.

Ở dạng thứ nhất, UFO được nhìn thấy trong một khoảng cách đủ gần để nhận diện một số chi tiết. Ở dạng thứ hai, UFO có tác dụng vật lý, chẳng hạn như thiêu rụi cây cối, khiến động vật sợ hãi hoặc khiến động cơ ôtô đột ngột ngừng hoạt động. Dạng thứ ba, các nhân chứng nói đã nhìn thấy những người ở trong hoặc gần UFO.

Hạng mục thứ ba là nguồn cảm hứng cho bộ phim kinh điển năm 1977 của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg có tựa đề “Close Encounters of the Third Kind” (Gặp gỡ loại thứ ba: Giao tiếp với người ngoài hành tinh).

Hynek được cho là đã nhận tiền để làm cố vấn cho đoàn phim. Ông cũng xuất hiện trên các chương trình TV, diễn thuyết trong trường đại học và thậm chí còn trình bày về UFO trước Liên hợp quốc. Tác phẩm của ông đã truyền cảm hứng cho loạt phim truyền hình dài hai mùa phát sóng vào những năm 2010, được đặt tên là Dự án Blue Book.

Mặc dù vậy, Hynek chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận các thuyết âm mưu.

Di sản của Hynek

Năm 1986, năm Hynek qua đời, nhà lý luận về thuyết âm mưu George C. Andrews đã xuất bản “Người ngoài hành tinh giữa chúng ta”, một cuốn sách kết hợp các ý tưởng về UFO với những ý tưởng hiện có về âm mưu của chính phủ và các tổ chức bí mật. Trong tầm nhìn của Andrews về một âm mưu toàn cầu, ông tuyên bố người ngoài hành tinh đứng sau vụ sát hại Tổng thống John F. Kennedy.

Năm 1991, nhà lý luận thuyết âm mưu Bill Cooper đã kết hợp các lý thuyết của Andrews vào Behold a Pale Horse, một trong những cuốn sách được đọc rộng rãi về các âm mưu chính trị.

Di sản của Hynek có nguy cơ bị lu mờ bởi những lý thuyết cực đoan và mang tính chính trị của những nhà nghiên cứu UFO tự xưng xuất hiện sau ông. Tham vọng của ông là giúp ngành UFO học được công nhận là một lĩnh vực khoa học hợp pháp; tuy nhiên, sự gia tăng của các thuyết âm mưu xuất hiện sau ông đã khiến chính phủ Mỹ có thêm lý do để bác bỏ hoàn toàn chủ đề này.

Báo cáo mới của AARO cho biết rằng trong thời gian Hynek làm việc với Dự án Blue Book, “khoảng 75% người Mỹ tin tưởng chính phủ Mỹ “luôn luôn hoặc hầu hết thời gian làm điều đúng đắn”. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý , kể từ năm 2007, con số đó chưa bao giờ lên trên 30%.

“Sự thiếu tin tưởng này có lẽ đã góp phần khiến một số bộ phận người dân Mỹ tin rằng chính phủ đã không trung thực về câu chuyện phi thuyền ngoài Trái đất”, báo cáo viết.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/chuyen-ve-nguoi-dieu-tra-dia-bay-i728228/