Chuyện về người anh hùng ở làng Kim Bảng (Hải Dương)

74 năm trước, ở làng Kim Bảng, xã Phú Điền (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) chỉ trong một ngày mà 18 gia đình có người thân bị thực dân Pháp giết hại.

Đây là ngày đau thương trong lịch sử của làng, được gọi là “ngày giỗ trận”. Ngày ấy, dân làng tưởng nhớ, tri ân những liệt sĩ và công dân ưu tú, đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù, để bảo vệ cách mạng, bảo vệ xóm làng. Trong đó có những anh hùng và một trong số đó là ông Lê Văn Nhân, sinh năm 1913, tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa (1943-1944). Năm 1946, ông là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của xã Phú Điền. Ông đã cùng cấp ủy chi bộ xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang gồm 35 người, tổ chức nhiều trận chống càn, gây thiệt hại nặng nề cho giặc Pháp.

Bà Nguyễn Thị Thanh (áo trắng) con dâu trưởng của Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Nhân kể chuyện với các nhà báo.

Cụ Nguyễn Quang Trung 90 tuổi, người từng làm liên lạc cho huyện ủy Nam Sách từ năm 15 tuổi, sau này công tác ở ngành giao thông tỉnh, kể rằng: Do có chỉ điểm, sáng ngày 10-8-1949, giặc Pháp bí mật xua quân vào làng càn quét. Hôm ấy chi bộ Đảng đang họp, được báo tin đã giải tán, nhưng chủ tịch Lê Văn Nhân bị sa vào tay giặc.

Chúng đưa ông ra sân đình, gần giếng làng tra tấn dã man, hòng uy hiếp tinh thần cả làng. Bọn giặc lấy các đồ tế lễ trong đình, làm dụng cụ tra tấn dã man. Suốt từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều, ông chết đi sống lại nhiều lần. Cuối cùng, biết không thể sống nổi, ông vờ nhận lời dẫn bọn giặc đến nơi cất giấu vũ khí. Đi tới bờ ao gần nhà, ông lấy hơi sức còn lại quát to: “Không có tài liệu, vũ khí nào hết!”. Biết là bị lừa, giặc điên cuồng bắn chết ông tại chỗ. Máu ông thấm vào mảnh đất từng “chôn nhau cắt rốn”, gần con sông Bãi Nghè.

Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.

Noi gương ông, 17 người cùng bị bắt, bị tra khảo đã gan góc không khai nhận điều gì. Giặc đã bắn tất cả 17 người trên quãng sông Ba Kèo, xã Cộng Hòa (sau này có 13 người được truy tặng liệt sĩ).

Năm 1959, ông Lê Văn Nhân được truy tặng là liệt sĩ, năm 2018 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Làng Kim Bảng có 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cũng không biết tự bao giờ người làng Kim Bảng có câu ca: “Thứ nhất gần mẹ gần cha/Thứ nhì gần giếng, thứ ba gần đình”. Giếng làng Kim Bảng không chỉ là nơi tụ thủy, tụ lộc, còn là ân nhân của làng. Bác nông dân Nguyễn Đức Đản, nhờ giếng làng làm chiếc “bùa hộ mệnh” che chở, mà thoát chết đúng ngày quân giặc vây quét năm xưa…

Thế rồi người Kim Bảng xây dựng “Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ và người con ưu tú”, chọn ngày 10-8 hằng năm là “Ngày giỗ trận”. Chiếc giếng làng, được tôn tạo lại đẹp đẽ. Người làng cất công lên tận Thủ đô Hà Nội, xin một chum nước giếng từ Hoàng thành Thăng Long, mang về hòa vào giếng làng, gọi là “lấy khước”. Ngày khánh thành, cả làng tổ chức đón mừng đông vui như hội.

Xưa, giếng làng cấp nước ngọt cho người dân. Nay, có nước sạch dẫn đến từng nhà, giếng làng tượng trưng và gợi nhớ nét văn hóa làng “cây đa, giếng nước” một thuở. Người làng bảo nhau: “Nước giếng còn chảy ra từ mạch nguồn, thì con cháu Kim Bảng đời sau không thể quên quá khứ…”.

Giữa những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, kể lại câu chuyện 74 năm trước ở làng Kim Bảng, vẫn dạt dào cảm xúc. Năm 1949, ông Lê Văn Nhân hy sinh để lại 3 người con nhỏ dại. Khi ấy, con gái lớn 11 tuổi, hai con trai 8 tuổi và 1 tuổi. Người mẹ góa bụa một mình nuôi dạy các con suốt những năm dài kháng chiến gian nan khốn khó, sau này thành đạt.

“Ngày giỗ trận” 10-8 là khúc bi tráng ở làng Kim Bảng!.

Những anh hùng, liệt sĩ và người con ưu tú đã hy sinh trước họng súng quân thù, để bảo toàn bí mật cách mạng. Máu hồng của các nhà cách mạng đã tô thắm thêm trang sử của quê hương, đất nước.

KHÚC HÀ LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/chuyen-ve-nguoi-anh-hung-o-lang-kim-bang-hai-duong-733983