Chuyện về Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh

Tôi gặp Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh vào một ngày đầu năm 2024, được trò chuyện cùng ông về tinh thần bác ái, về những nỗ lực và cống hiến, tôi thấy lòng mình ấm áp.

Trước khi biết về ông Lê Đức Thịnh, có lẽ tôi cũng như nhiều người vẫn chưa hiểu hết về cụm từ “Hiệp sĩ Đại thánh giá” trong các phẩm hàm của đạo công giáo. Vì thế, cần phải giải thích rằng, Hiệp sĩ Đại thánh giá là một trong những cấp bậc cao nhất do Giáo hoàng đích thân phong tặng cho những người có đóng góp vượt trội cho giáo hội, đất nước và cộng đồng. Đây là tước hiệu được lập ra từ năm 1831 bởi Giáo hoàng Gregorio XVI, nhằm thể hiện sự tri ân của ông đối với giáo dân có công lớn trong giáo hội. Cùng với tước hiệu được phong, sẽ là một thanh gươm hiệp sĩ, biểu hiện cho niềm tin và sự hy sinh của người có cống hiến những giá trị cao quý cho dân tộc.

Phóng viên Tiền Phong trong cuộc trò chuyện với Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh.

Ông Lê Đức Thịnh là người Việt Nam đầu tiên, cũng là người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng Tòa thánh Vatican phong tặng phẩm hàm cao quý này vào năm 2007. Nói thế để thấy, rất hiếm hoi để một người được phong là Hiệp sĩ Đại thánh giá.

Tinh thần vượt lên số phận

Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh sinh ra tại giáo xứ Phúc Nhạc thuộc xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Ông là con thứ 2 trong một gia đình nông dân nghèo có 10 người con. Vì thế, ngay từ khi mới lớn, cậu bé Lê Đức Thịnh đã ý thức rất rõ tri thức chính là hành trang giúp con người thành công và thoát nghèo. Ngày đó, ông cũng có ước mơ trở thành thầy giáo. Sau khi học xong lớp 9, ông thi vào Trung học sư phạm với ước mơ trở thành thầy giáo. Tốt nghiệp, ông đi dạy học một thời gian ngắn nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bỏ dở công việc, lên thành phố Hồ Chí Minh làm thuê, lập nghiệp.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Hiệp sĩ Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh cùng phu nhân Anna Nguyễn Thị Kim Yến, ngày 21/12/2022 tại Vatican.

Để có tiền trang trải cuộc sống bản thân và phụ giúp gia đình, Lê Đức Thịnh ngày ấy đã trải qua rất nhiều nghề, từ may mặc, sản xuất gỗ và chế biến cà phê thô xuất khẩu. Sau này, ông cũng có được một cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê cho riêng mình.

Là một giáo dân thấm nhuần đời sống bác ái, dù khởi đầu trong hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ mọi người xung quanh mình. Khi đời sống kinh tế đỡ vất vả hơn, việc kinh doanh có lợi nhuận, ông trích ra làm từ thiện cho các đồng bào lương giáo còn khó khăn. Ông kể rằng, thời đó không ai nghĩ làm từ thiện để được tôn vinh, chỉ là yêu dân tộc, yêu những người xung quanh mình nên mình nỗ lực giúp đỡ.

Không chỉ từ kết nối như việc mở đại chủng viện, chia giáo phận, ông được các Giám mục của một số giáo phận Việt Nam gửi các công trạng của mình về Tòa thánh và được Giáo Hoàng tuyển chọn phong cho ông tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá vào năm 2007. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Kim Yến, cũng được phong nữ Hiệp sĩ Đại thánh giá như tước phẩm của ông. Đây là vinh dự lớn nhất không chỉ cho giáo dân Việt Nam mà cả châu Á.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin năm 2022. Lê Đức Thịnh là người Việt Nam đầu tiên và là người đầu tiên ở Châu Á được phong tước Hiệp sĩ Đại thánh giá

Từ những cống hiến của mình, ông cũng được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua yêu nước toàn quốc; là gương mặt tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 năm 2015. Mới đây, vào cuối năm 2023, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có những đóng góp xuất sắc trong phòng chống dịch Covid-19.

Tinh thần dân tộc được đặt lên trên hết

Dù công việc đang làm gặp không ít khó khăn, thậm chí cũng có không ít những hiểu lầm, nghĩ sai về mình nhưng nhiều năm qua Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh vẫn nỗ lực đi khắp mọi miền Tổ quốc vận động, thuyết phục, tạo ra những cuộc gặp gỡ, góp phần giúp giáo dân ở Việt Nam ngày càng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, dựng xây đất nước. Có thời gian, ông dành tâm huyết chăm lo cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn. Trong mỗi chuyến lên miền núi, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh cho rằng, tinh thần trong chuyến đi là nhằm xóa tan sự phân biệt vùng miền, ông mong muốn mang hết tâm tình của người miền xuôi lên với đồng bào Tây Nguyên, không phân biệt tôn giáo, dân tộc.

“Tôi đã chọn mối phúc thứ 7 trong 8 mối phúc thật trong bài giảng trên núi của Chúa Jesus, đó là: Phúc thay cho ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Yêu dân tộc nên tôi nỗ lực hết mình, không nhằm được tôn vinh và để được tôn vinh, mà để cho con cháu của chúng ta, nhiều hơn nữa người dân của chúng ta được hạnh phúc”- Ông chia sẻ.

Với quan điểm, giúp đỡ một người, không chỉ là miếng ăn, manh áo của thời điểm khó khăn trước mắt mà còn tính là tương lai sau này. Ông giúp người miền núi thoát nghèo bằng cách đầu tư cho các em nhỏ học hành, đầu tư cho tương lai. “Bởi sau này lớn lên chính các em sẽ lực lượng lao động, là những người biết làm giàu, là những người xây dựng quê hương”, ông nói. Có lẽ đây chính là lý do ông nhận nuôi đến 30 đứa con nuôi mồ côi, nghèo khó. Ông mong các con được học hành, trở thành những công dân đạo đức, thánh thiện, có ích cho đất nước.

Tước phẩm hiệp sĩ Ðại Thánh giá của ông Lê Ðức Thịnh thuộc phẩm hàm thánh Gregorio Cả, do Ðức Giáo Hoàng Gregorio XVI lập ra năm 1831 để tưởng nhớ thánh nhân và trao tặng người có nhiều đóng góp cho Giáo hội Công giáo cũng như cho đất nước, dân tộc. Hiệp sĩ Lê Ðức Thịnh và phu nhân Anna Nguyễn Thị Kim Yến cùng được trao tước phẩm này cách đây 16 năm, dưới thời Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Theo Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, mọi hoạt động của Giáo hội Công giáo được hướng dẫn bởi tin mừng bình an. Vì thế, mỗi một con người của Giáo hội đều phải hướng đến làm việc vì hòa bình, đấu tranh cho hòa bình, làm chứng cho hòa bình và nỗ lực xây dựng hòa bình. Đây cũng chính là tinh thần trong mỗi nghĩa cử, hành động vì dân tộc của ông.

Mới đây, vào cuối tháng 9/2023, trong thư mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxico gửi cho cộng đoàn Công giáo Việt Nam, một lần nữa đề cao lòng bác ái giữa lòng dân tộc. Đây cũng chính là tinh thần mà Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh sống và xây dựng những mục đích cao cả của mình. Theo Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh, bác ái là thước đo của đức tin. Vì thế, ông luôn sống phúc âm giữa lòng dân tộc, đồng hành với dân tộc qua sự nỗ lực phát triển của bản thân. Theo ông, bản thân có tốt thì mới có thể bác ái, yêu và cống hiến cho dân tộc được.

Nhắc đến vai trò của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh mà không kể về người bạn đời của ông, người cũng được phong tước phẩm nữ Hiệp sĩ Đại Thánh giá Anna Nguyễn Thị Kim Yến, có lẽ là một thiếu sót. Bà chính là người đồng hành suốt những chặng đường, cùng chứng kiến và nếm trải những khó khăn của chồng.

Ngọc Lâm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-ve-hiep-si-dai-thanh-gia-le-duc-thinh-post1607096.tpo