Chuyện về 7 tấm bia đá đặc biệt ở Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh

Sau hai Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh là nghĩa trang liệt sĩ lớn thứ 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với gần 6.000 anh hùng, liệt sĩ của 41 tỉnh, thành phố cả nước đang yên nghỉ. Nghĩa trang này còn có một điều đặc biệt, đó là về 7 tấm bia đá ghi chiến công oanh liệt của 7 anh hùng - liệt sĩ chống Pháp tiêu biểu đã hy sinh trên chiến trường miền Nam, được Bác Hồ chỉ đạo xây dựng năm 1958.

Ở Nghĩa trang Vĩnh Linh, hai bên Đài thờ liệt sĩ là 7 tấm bia đá chằng chịt vết bom đạn chiến tranh, cũ mòn theo thời gian nhưng vẫn sừng sững như một minh chứng về sự bất diệt của chính nghĩa đối với cái ác. Với mỗi tấm bia là một câu chuyện không thể nào quên về cuộc đời, sự anh dũng chiến đấu, hy sinh của mỗi anh hùng, liệt sĩ.

7 tấm bia khắc ghi công ơn của các anh hùng - liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh.

7 tấm bia khắc ghi công ơn của các anh hùng - liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh.

Ở bia số 1 ghi công liệt sĩ Trần Đức (SN 1917), quê quán tỉnh Thanh Hóa, là Tiểu đội trưởng bắn trung liên rất giỏi, góp phần quyết định thắng lợi trong nhiều trận đánh. Tháng 11/1950, địch tấn công với lực lượng đông, anh bắn trung liên mở đường cho đơn vị, hết đạn, anh giao súng cho đồng đội rồi cõng đại đội trưởng bị thương chạy. Địch xông đến, anh kháng cự đến cùng và hy sinh anh dũng.

Bia số 2 ghi công liệt sĩ Lê Công Khai (SN 1925), ở cùng quê Thanh Hóa. Anh xung phong vào đội quân Nam tiến, qua gần 9 năm, anh tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 40 trận. Đặc biệt vào Hè năm 1954, anh tham gia trận đánh Đắc Doa (Tây Nguyên) với 3 đêm liền. Anh kiên trì bò vào tận đồn địch để trinh sát, vẽ bản đồ, lập kế hoạch tỉ mỉ cho trận đánh. Khi trận đánh diễn ra, mặc dù bị thương gãy cả 2 chân, anh vẫn chỉ huy đơn vị tiêu diệt gọn 1 đại đội địch. Do vết thương quá nặng, anh đã hy sinh, trước lúc tắt thở vẫn lạc quan hát bài ca chiến đấu.

Bia số 3 ghi công liệt sĩ Nguyễn Đô Lương (SN 1923), quê quán tỉnh Hà Tĩnh. Anh tham gia bộ đội 8 năm làm trinh sát. Tháng 5/1953, phụ trách điều tra Hòn Bàng ở Quảng Nam. Địch canh phòng cẩn mật song anh vẫn điều tra chính xác và rút an toàn. Đến lần thứ 3, anh không may bị địch bắt nhưng đã kịp thời hô to để đồng đội chạy thoát. Địch tra tấn rất dã man nhưng anh không khuất phục. Sau đó, bọn giặc giết anh và cắm cọc, bêu đầu.

Bia số 4 ghi công liệt sĩ Trương Văn Ly (SN 1924), quê quán tỉnh Quảng Bình. Anh chiến đấu trên 100 trận ở chiến trường Cực Nam Trung Bộ. Trận Cầu Cháy vào tháng 2/1952, sau khi nổ súng được 15 phút, tổ súng máy bị thương vong toàn bộ. Địch phản kích mạnh, anh bình tĩnh xông lên, dùng súng máy quét vào đội hình địch rồi lệnh đơn vị xung phong. Anh tiếp tục vượt lên đầu để chỉ huy và bị trúng đạn hy sinh. Toàn đơn vị của anh đã xông lên, đánh tan cuộc phản kích của đại đội địch.

Bia số 5 ghi công liệt sĩ Ngô Mây (SN 1924), quê quán tỉnh Bình Định. Anh là chiến sĩ trong trung đội quyết tử. Tháng 10/1947, đơn vị được lệnh lên đường và cần 1 chiến sĩ ôm bom diệt địch. Anh viết thư bằng máu xin dành cho mình vinh dự đó. Giờ chiến đấu, đón đường xe cơ giới địch ở Pleiku xuống An Khê, thấy 4 xe vận tải và 1 đại đội địch tiến vào, anh mở chốt bom, hơn một trung đội địch bị tiêu diệt gọn và anh đã anh dũng hy sinh.

Bia số 6 ghi công liệt sĩ Ngô Chí Quốc (SN 1929), quê quán tỉnh Gia Định (cũ). Anh tham gia 100 trận đánh trên chiến trường Nam Bộ. Trận cầu Đình vào tháng 3/1954, địch bố trí 1 đại đội có công sự chiến đấu kiên cố. Anh chỉ huy tiểu đội bộc phá, đánh vào hàng rào thứ 3 thì bộc phá hết, trong khi vẫn còn vướng 2 khung hàng rào nữa.

Trước tình hình này, anh trực tiếp xông lên kéo tung hàng rào cho đồng đội ở phía sau tiến vào. Anh bị thương nhưng vẫn cố lăn người chếch sang hướng khác xa đội hình đơn vị và hô xung phong. Địch tưởng ta chuyển hướng nên tập trung hỏa lực về phía đó. Anh dũng cảm hy sinh song đơn vị đã kịp thời tiến công tiêu diệt toàn bộ đồn địch.

Bia số 7 ghi công liệt sĩ Wừu, cùng với Anh hùng Đinh Núp là 2 du kích người Bahnar nổi tiếng của tỉnh Gia Lai. Từ năm 1950-1952, anh là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Nam Đak Đoa kiêm Xã đội trưởng. Anh 2 lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng không khai báo và tìm cách trốn thoát trở về để tiếp tục hoạt động. Lần thứ 3, địch phục kích bắt được anh, tra tấn chặt tay, cắt mũi nhưng bọn chúng vẫn không khuất phục được anh. Không chỉ thế, anh còn dùng kế lừa địch đến hầm chông làm chúng chết, bị thương hàng chục tên và anh đã hy sinh ngoan cường.

Nhằm xây dựng nên biểu tượng Nam - Bắc một nhà, động viên cả nước phát huy tinh thần quả cảm trong cuộc chiến chống thực dân Pháp để tiếp tục đánh thắng giặc Mỹ, năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng "Đài ghi công liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, bia 7 anh hùng đã hy sinh trong kháng chiến, trên chiến trường miền Nam". Quê hương đất thép Vĩnh Linh được chọn làm nơi xây dựng công trình này. Theo đó, công trình được chọn đặt ở một ngọn đồi bên bờ Bắc sông Bến Hải, cách cầu Hiền Lương khoảng 6km, nằm bên quốc lộ 1A, nay là Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh.

Theo ghi chép, công trình được khởi công vào ngày 20/4/1958, sau 3 tháng hoàn thành đúng vào ngày 27/7/1958. Khi đó, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng (tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này - PV) từ Hà Nội đã vào dự lễ khánh thành. 7 bia đá đều được tạc từ đá núi Nhồi lấy ở tỉnh Thanh Hóa, đồng nhất về kích thước, mỗi bia cao khoảng 1,5m, rộng 1m và dày 0,2m.

Trong danh sách các chiến sĩ hy sinh được khắc ghi ở 7 tấm bia này, liệt sĩ Ngô Mây trở thành Anh hùng quân đội từ dịp Quốc khánh 2/9/1955, các liệt sĩ còn lại được truy tặng danh hiệu Anh hùng quân đội vào đợt kỷ niệm "2 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1956".

Ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị bộc bạch, 7 tấm bia đá có tầm vóc, giá trị thiêng liêng, là minh chứng cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Bị hư hỏng do bom đạn chiến tranh và sự tác động, bào mòn của thời gian, mưa nắng, hiện 7 tấm bia này không còn được nguyên vẹn.

Do đó, đơn vị và các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng của địa phương đang gấp rút nghiên cứu, chọn lọc ý kiến, xây dựng phương án phục dựng để 7 tấm bia đá này không chỉ là giá trị của lịch sử mà còn để giáo dục lớp trẻ noi gương thế hệ cha anh, phấn đấu học tập, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước, không phụ lòng những người đã hy sinh.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/chuyen-ve-7-tam-bia-da-dac-biet-o-nghia-trang-liet-si-vinh-linh-i704150/