Chuyện trải nghiệm

Lâu lâu lại thấy báo chí xôn xao chuyện chỗ này chỗ kia tổ chức cho các cháu học trải nghiệm nhưng thu tiền nhiều, rồi nhập nhèm, rồi người có tiền thì đi được, người không có tiền thì sao?

Hôm nọ tôi ngồi với mấy thầy cô giáo cấp hai ở Pleiku, họ bàn nhau việc đưa học sinh đi trải nghiệm.

Té ra xung quanh việc này cũng nhiều chuyện đáng bàn.

Sau hưu, tôi có thời gian mấy năm đi làm cố vấn văn hóa cho một khu du lịch ở Củ Chi. Đấy là một khu rất thú vị nếu có đủ thực lực để thực hiện, bởi bà chủ, một người hết sức thiết tha với văn hóa thứ thiệt, luôn đặt yếu tố văn hóa lên đầu. Mà văn hóa, nhìn tưởng hư vô mông lung thế, nhưng nó lại rất cần một thứ cụ thể là... tiền. Tất nhiên tài và tâm huyết thì bà chủ có, và cả đội ngũ của bà, nhưng tiền tỉ để nuôi nó thì là vấn đề không dễ.

Trở lại, lâu lâu cũng có trường học đưa học sinh tới chỗ tôi làm để trải nghiệm.

Và các cháu rất thích.

Của đáng tội, học sinh thành phố mà được lội bùn bắt cá, được thấy con trâu con bò, thấy lúa trổ đòng, thấy sen nở, thấy con tằm nhả tơ, thấy giếng nước cầu ao, thấy đê thấy cầu, thấy cái giần cái sàng, cái bình vôi cái sập gụ vân vân... lại chả thích.

Và quan trọng, thấy và trải nghiệm văn hóa.

Ví như ở Hà Nội có cái Bảo tàng văn học Việt Nam trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, giờ đang có những tour dẫn các cháu học sinh, và cả những người yêu thích văn chương, tới tham quan, được chính các nhà văn nhà thơ hướng dẫn và giải thích, lại chả mê.

Chỗ tôi làm ngày ấy cũng có những khu văn hóa Việt rất thú vị. Từng khu, khu Bắc bộ, Trung Bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Mỗi khu như thế không chỉ gắn với văn hóa, mà còn lịch sử cụ thể, còn câu chuyện cụ thể. Rồi khu vườn thực vật, khu sản xuất nông nghiệp và hàng thủ công truyền thống...

Vấn đề là, tiền đâu để tổ chức.

Lâu lâu lại thấy báo chí xôn xao chuyện chỗ này chỗ kia tổ chức cho các cháu học trải nghiệm nhưng thu tiền nhiều, rồi nhập nhèm, rồi người có tiền thì đi được, người không có tiền thì sao?

Các trường tư và trường quốc tế thì dễ, nhưng các trường công thì khó. Các trường ở nông thôn càng khó.

Chưa kể đưa các cháu đi, nhất là các cháu nhỏ, đòi hỏi phải hết sức an toàn, xảy ra điều gì thì trường và giáo viên lãnh đủ.

Nên tôi ngồi thấy các cô giáo bàn, có cả các ông chồng tư vấn, rất cụ thể, để đưa được các cháu đi một ngày đúng là trần ai khoai củ. Nếu không có tình yêu nghề, yêu học trò... chắc rất khó để tổ chức.

Thì học chay.

Văn hóa Việt đa phần là văn hóa... nông thôn, nên thế hệ chúng tôi, đa phần ở nông thôn, không thì cũng phải sơ tán về nông thôn, nên học những là “Ao trường vẫn nở hoa sen/ bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu”, rồi là: “Con chuồn kim bé tỉ ti/ đậu là ngọn cỏ nghĩ gì chuồn ơi”, rồi “tre xanh xanh tự bao giờ/ chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”... vân vân là hiểu ngay. Còn học sinh bây giờ, kể cả ở nông thôn, chắc gì đã còn ao trường với bờ tre, ngay cả cỏ để chuồn chuồn kim đậu cũng hiểm, bởi nông thôn hóa đồng nghĩa với bê tông hóa...

Thì học chay.

Năm nào đấy, một tỉnh Tây nguyên ra cái đề thi tả một lần đi tắm biển. Cha mẹ ơi, người lớn ở Tây nguyên có người còn cả đời chưa nhìn thấy biển, huống gì bọn trẻ con lít nhít kia. Tất nhiên có thể tưởng tượng qua phim ảnh, qua lời kể của ông bà bố mẹ, nhưng đấy là kiểu tưởng tượng kỳ quái, không giúp được gì cho tư duy trẻ con cả.

Tôi thì hết sức ủng hộ việc cho các cháu học sinh có điều kiện trải nghiệm, tránh học chay. Và như thế thì phải có hẳn quy định về việc này chứ không chỉ được chăng hay chớ, phụ thuộc vào sự nhiệt tình của thầy cô giáo và sự năng nổ (cả phải có điều kiện nữa) của phụ huynh. Cái cuộc mà tôi chứng kiến các thầy cô giáo ngồi bàn ấy, cuối cùng có cả các “phụ huynh ngoài luồng” tham gia là tới mấy phu quân của các cô giáo xung phong tháp tùng.

Các cháu được đưa xuống một cái trang trại trải nghiệm ngắm lúa, cỏ và hoa. Mới chỉ thế mà đã vất vả thế thì làm sao đòi hỏi những là bảo tàng, những là văn hóa Việt đúng nghĩa, những là thúng mùng giần sàng, tre pheo bèo lợn... Và học sinh nông thôn nữa, càng khó hơn khi cho chúng tiếp cận văn minh thành phố.

Ngay giờ có các chương trình giáo dục địa phương, nhưng không phải lúc nào cũng hoàn hảo, bởi rất nhiều yếu tố để nó thực sự là giáo trình giáo dục địa phương.

À nhân đây kể mấy câu chuyện ngoài lề nhưng liên quan, là ít nhất tới giờ, có 3 địa phương đã khắc đá tác phẩm của nhà văn như một biểu tượng văn hóa. Đấy là quê nhà văn Dương Hướng, xã Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình, khắc tên tiểu thuyết “Bến không chồng” của ông vào một tảng đá rất lớn đặt ở cái bến sông từng là không gian của “Bến không chồng”, là một địa phương của xứ Thanh, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, khắc bài thơ “Tre xanh” của nhà thơ Nguyễn Duy vào cũng một tấm bia đá, bên cạnh là một bụi tre. Ngã ba Đồng Lộc lịch sử cũng có cái bia đá rất to khắc bài thơ nổi tiếng “Lời thỉnh cầu từ nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng bằng hai thứ tiếng Việt và Anh.

Và từ câu thơ “Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều/ Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết”..., bây giờ ở nghĩa trang ấy đã có hai cây bồ kết tỏa tán và rất nhiều quả do một Đại tá nguyên là đồng đội của các chị trồng...

Rất nhiều người, không chỉ học sinh, đã tới “trải nghiệm” ở các nơi ấy...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-trai-nghiem-a642160.html