Chuyện 'tình ngay lý gian' của HLV thể thao

Sự cố xung quanh đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đã vô tình khiến nhiều môn thể thao khác khó chiêu mộ nhân tài. Ở một góc độ khác, một số HLV thừa nhận việc họ đang làm với bộ môn mình phụ trách đang theo hướng hợp tình, nhưng sai về lý và có thể bị quy kết sai phạm bất kỳ lúc nào.

Làm sai để VĐV đi học

Trên kim tự tháp mang tên thể thao thành tích cao, không phải VĐV trẻ nào cũng có cơ hội trở thành tuyển thủ cấp tỉnh, thành, ngành. Họ phải vượt qua rất nhiều VĐV cùng lứa, cũng như không ít đàn anh, đàn chị để khẳng định bản thân. Giữa 10-20 VĐV lớp năng khiếu, thường chỉ có 1-2 người trụ lại sau cùng.

HLV Lê Công nổi tiếng là người từng làm nhiều công việc khác nhau như thợ sửa xe máy, kinh doanh nhỏ.

Điều gì sẽ xảy ra với 18 cô, cậu bé không còn gắn bó với thể thao nữa? Về mặt nguyên tắc, họ được Trung tâm huấn luyện thể thao cấp tỉnh, thành, ngành thanh lý hợp đồng theo quy định. Tuy nhiên, quyết định thanh lý có thể là ác mộng với những VĐV có xuất thân từ vùng sâu, vùng xa.

"Công tác tuyển chọn VĐV của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Những gia đình ở khu vực thành thị, đặc biệt là một số nhà có điều kiện, thường không muốn để con em họ theo nghiệp thể thao. Các em có tố chất cũng sẽ nghỉ thi đấu khi tròn 18 tuổi. Vì thế, HLV chúng tôi vẫn phải tuyển quân ở nhiều vùng quê nghèo, đến các gia đình đông con, khó khăn", một HLV chia sẻ.

Một trong những chìa khóa giúp ngành thể thao có thể tìm ra VĐV mới là nhờ chính sách hỗ trợ ăn ở, học tập. Các Trung tâm huấn luyện thể thao cấp tỉnh, thành, ngành hiện giờ đều có trường học văn hóa ngay trong trung tâm. VĐV trẻ theo tập tại địa phương được đảm bảo học văn hóa đến hết bậc phổ thông. Với VĐV xuất thân từ khu vực vùng sâu, vùng xa, các em có thể trở lại cảnh thất học nếu bị Trung tâm huấn luyện loại sớm. Khả năng các VĐV trẻ theo kịp chương trình so với học sinh lớp chính quy cũng không cao. Đó là điều các gia đình không muốn, nên phụ huynh thường tìm cách xin cho con em mình ở lại Trung tâm.

Rắc rối dành cho các HLV bắt đầu nảy sinh từ đây. Về lý, họ không thể giữ lại VĐV không còn khả năng phát triển. Nhưng về tình, trên phương diện của một con người, HLV cũng không nỡ lòng biến những đứa trẻ rơi vào cảnh thất học, đặc biệt khi họ chứng kiến nước mắt rơi trên khuôn mặt các phụ huynh.

Trong bối cảnh đó, nhiều HLV quyết định đưa ra một lựa chọn nhiều rủi ro về phần mình. Họ cho phép VĐV trên được tiếp tục ghi danh ở lại Trung tâm. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là mọi chế độ bồi dưỡng, bao gồm tiền tập luyện và tiền ăn hàng tháng của VĐV sẽ được giữ nguyên. Ai sẽ nhận phần tiền đó.

"Chắc chắn VĐV ghi danh không xứng đáng nhận số tiền đó, bởi các em được giữ lại chỉ để hoàn tất việc học văn hóa thôi. Thế nên chúng tôi phải mời gia đình lên làm việc, ký cam kết rõ ràng. Trong bản cam kết đó, chúng tôi đảm bảo cho các em được ở lại học, nhưng tiền chế độ phải được chuyển cho VĐV khác", một HLV chia sẻ.

Với các VĐV thuộc tuyến năng khiếu, khoản tiền hỗ trợ hàng tháng không quá cao. Con số có thể chỉ dao động quanh mức vài trăm ngàn đồng, cùng lắm là 1-2 triệu. Nhưng với những VĐV mới ở mức tiềm năng, đó cũng là con số đáng khích lệ. Đó cũng là ngọn nguồn câu chuyện của những VĐV có tên nhưng không hưởng chế độ, cũng như VĐV hưởng chế độ nhưng chưa có tên.

Trao đổi thêm về cơ chế linh động nói trên, nhiều HLV khẳng định cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro về thất thoát ngân sách. Trong trường hợp vụ việc bị hiểu sai, HLV hoàn toàn có khả năng trở thành người nhận trách nhiệm, thậm chí mang tiếng "ăn quỵt" tiền. Nhưng sau tất cả, các HLV vẫn phải làm, vì cơ chế hiện hành chưa thể giúp họ có những phương án khả thi hơn.

Quản lý và kiểm soát

Với nhiều đội thể thao, quy định về giờ giấc sinh hoạt của VĐV là chuyện khá tế nhị. Một HLV từng thừa nhận, người này phải bỏ tiền túi ra lắp camera theo dõi phía cửa ra vào khu phòng nghỉ VĐV. Đây là cách anh sử dụng để giám sát, không cho VĐV vi phạm kỷ luật vào giờ giới nghiêm ngay cả khi mình không có mặt cùng toàn đội.

Để VĐV tiếp tục đi học, HLV phải làm sai quy định với nguy cơ bị hiểu nhầm biển thủ chế độ.

"Đến thời điểm hiện tại, nhiều nơi vẫn duy trì quy định quản lý VĐV bằng cánh xếp lịch trực tối cho HLV. Tuy nhiên, không phải đội thể thao nào cũng có HLV ăn ngủ, sinh hoạt cùng đội. Phần lớn VĐV sẽ về nhà sau khi ca trực kết thúc vào lúc 10h tối. Để các em tự giác chấp hành nội quy giới nghiêm trong khoảng thời gian còn lại thật sự rất khó", HLV chia sẻ.

Trước đây, một số địa phương thắt chặt nội quy ra vào Trung tâm TDTT bằng cách… thả chó dữ vào giờ giới nghiêm. Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ không tốt. Trong bối cảnh thế kỷ 21, việc thả chó dữ kiểm soát chuyện ăn ở của VĐV cũng ít nhiều mang sắc thái phản cảm. Vì thế, cách làm này đã bị nhiều địa phương loại bỏ.

Một phương pháp kiểm soát VĐV trong giờ giới nghiêm cũng dần biến mất là việc thu điện thoại của vận động viên. Nhiều đơn vị chỉ còn áp dụng biện pháp này khi bước vào những giải đấu quan trọng, trước áp lực lớn về mặt chỉ tiêu. Bù lại, VĐV được cầm điện thoại cũng phải đảm bảo có mặt đúng giờ, theo kịp giáo án mà không ngáp vặt vào buổi tập sớm.

Ở chiều ngược lại, những biện pháp quản lý ôn hòa hơn thường không thể ngăn cấm VĐV "trốn trại" ban đêm. Trước khi trở thành tuyển thủ quốc gia, thủ môn Nguyễn Văn Toản từng bị đội trẻ CLB Hải Phòng loại vì tội trốn ngủ chơi game. Một đồng đội khác của Văn Toản ở tuyển Việt Nam là Đoàn Văn Hậu cũng từng bị phạt vì tội tương tự.

Trên thực tế, chuyện VĐV vi phạm giờ giới nghiêm là việc không thể hạn chế hoàn toàn. Ở lứa tuổi nhất quỷ nhì ma, đôi lúc các VĐV trẻ muốn có những buổi trò chuyện, cũng như liên hoan nhẹ vào ban đêm. Ở phương diện của nhà quản lý, HLV sẽ định hướng cho các em không làm những điều vượt quá giới hạn, cũng như phải biết làm sao để tự bảo vệ bản thân.

HLV chạy xe ôm, ứng tiền cho đội

Nhiều HLV thể thao có xuất phát điểm thuận lợi, hoặc công việc gia đình hanh thông, giúp họ có the điều kiện để gắn bó với nghiệp thể thao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn như thế. Nhiều VĐV chia sẻ, họ từng nghĩ đến việc làm song song một vài công việc khác, thậm chí chạy xe ôm ngoài giờ để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp mình đang có.

"Một số đồng nghiệp, khi biết chuyện tôi muốn chạy xe ôm hoặc làm tài xế giao hàng, đã lập tức can ngăn. Họ nói HLV phải giữ hình ảnh, làm vậy có thể khiến VĐV nhìn mình bằng con mắt khác. Nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Vào thời điểm khó khăn, HLV cũng như nhiều người khác, phải tìm hướng kiếm thêm thu nhập từ những công việc tử tế", một HLV chia sẻ.

Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, anh đã quyết định không làm tài xế xe ôm công nghệ nữa. Tuy nhiên, anh vẫn làm một chân giao hàng ngoài giờ làm việc, khi phụ giúp vợ trong công việc gia đình. HLV này cho biết, anh cảm thấy thoải mái hơn khi giúp gia đình có thêm thu nhập, dù con số chỉ quanh mức vài triệu đồng mỗi tháng. Một số HLV khác còn chia sẻ câu chuyện khó tin hơn, khi họ phải ứng trước kinh phí thi đấu xa nhà của đội. Việc này đặc biệt phổ biến với những đơn vị chậm giải ngân tiền. Một số HLV dự trù trước bằng cách lập kế hoạch thi đấu trước giải 2-3 tháng, nhưng vì một lý do nào đó, kinh phí tập luyện, thi đấu đôi khi vẫn chưa thể đến tay VĐV.

Nếu HLV cứng nhắc, cố gắng chờ đến khi tiền được giải ngân, VĐV sẽ có nguy cơ không thể dự giải. Thế là HLV phải bỏ tiền ra trước. Con số cũng không hề nhỏ, bởi mỗi VĐV đi thi đấu có thể tiêu tốn 4-6 triệu đồng tiền đi lại, sinh hoạt, cũng như ăn ở tại địa phương diễn ra giải đấu.

Vượt qua những khó khăn, nhiều HLV vẫn cố gắng tìm cách tiếp tục sinh tồn cùng công việc. Họ sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ, bao gồm cả tiền túi, để tiếp tục sống với cái "nghiệp" thể thao mà mình đã lỡ gánh vác trên vai.

Những HLV "10 trong 1"

Một số HLV ví von, công việc của họ giống như một nghề "10 trong 1". Bởi, trên cương vị một HLV, họ phải đảm trách quá nhiều phần việc mà người bình thường khó tưởng tượng ra. Điều này càng đúng với những HLV ở địa phương nhỏ, nơi một người thường phải cáng đáng 1, thậm chí 2-3 môn thể thao cùng lúc.

Bên cạnh kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến môn thể thao mình huấn luyện, HLV thường phải thạo công việc giấy tờ. Ở các cơ quan bình thường, việc này thường do một vài cán bộ phụ trách văn thư đảm nhiệm. Nhưng với các bộ môn chỉ có 1-2 HLV, họ sẽ phải thay nhau phụ trách, cũng như tự học việc lên kế hoạch, làm báo cáo, cũng như sử dụng các phần mềm văn phòng.

Một kỹ năng khác HLV phải có là nấu ăn. Trong những chuyến du đấu xa nhà, đặc biệt khi ra nước ngoài, VĐV không phải lúc nào cũng ăn được đồ ăn địa phương. Khi các VĐV "thèm" đồ ăn Việt Nam, HLV thường là người trực tiếp vào bếp. HLV thường là người duy nhất nắm rõ khẩu vị từng thành viên trong đội, nên chỉ họ mới có thể nấu ăn để mọi người đều ăn được.

Ngoài ra, HLV còn có thể phải kiêm nhiệm "bác sĩ tâm lý", động viên và chấn chỉnh tinh thần VĐV sau mỗi trận đấu. Họ cũng đủ khả năng trở thành thợ sửa điện nước chuyên nghiệp. Bóng đèn điện cháy, vòi nước rò rỉ, tắc cống... đều được VĐV nhờ HLV đến xử lý. Những công việc đó sẽ tốn kém nếu thuê thợ ngoài, nên HLV phải cố gắng tự giải quyết.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/chuyen-tinh-ngay-ly-gian-cua-hlv-the-thao-i716869/