Chuyến thăm tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Thái Lan

Nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời phỏng vấn báo chí.

Phóng viên (PV): Đề nghị Thứ trưởng cho biết ý nghĩa, mục đích chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Chuyến thăm có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với cả hai nước. Thứ nhất, đây là chuyến thăm Thái Lan đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới Thái Lan từ sau Đại hội XIII và sau đại dịch Covid-19, khi ta nối lại các chuyến thăm cấp cao tới các nước, thể hiện việc triển khai tích cực đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.

Thứ hai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Thái Lan trước thềm Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29. Việc nước chủ nhà APEC 2022 đón tiếp Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong lúc đang tập trung tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC thể hiện sự coi trọng của Thái Lan đối với việc vun đắp quan hệ đối tác chiến lược tăng cường với Việt Nam.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh: VIỆT ĐOÀN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh: VIỆT ĐOÀN

Thứ ba, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2023. Thời gian qua, hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và đối ngoại nhân dân. Nổi bật là chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc năm 2017; Thủ tướng Thái Lan thăm chính thức Việt Nam năm 2014 và đến Việt Nam dự các hoạt động đa phương năm 2017 và 2018.

Hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đều có những phát triển vượt bậc. Năm 2021, trong ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan. Thái Lan đứng thứ 9/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân phát triển tích cực.

Do vậy, chuyến thăm sẽ tạo động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan; truyền tải thông điệp về quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo hai nước không ngừng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan, đóng góp vào củng cố đoàn kết ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

PV: Đề nghị Thứ trưởng cho biết sự tham gia của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC lần này?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Trong dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều hoạt động cả đa phương và song phương, nổi bật là: Thứ nhất, Chủ tịch nước sẽ cùng các nhà lãnh đạo và trưởng đoàn từ 21 nền kinh tế thành viên có hai phiên thảo luận sâu về tình hình và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm.

Thứ hai, Chủ tịch nước sẽ tham dự phiên đối thoại cùng các khách mời của hội nghị để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại và phối hợp hành động giữa APEC với các khu vực bên ngoài.

Thứ ba, Chủ tịch nước được mời làm diễn giả chính và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022 và sẽ cùng các nhà lãnh đạo APEC đối thoại với đại diện cộng đồng doanh nghiệp APEC.

PV: Đề nghị Thứ trưởng đánh giá về vai trò, sự tham gia của Việt Nam trong tiến trình hợp tác của APEC thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh 3 năm qua, các hội nghị cấp cao diễn ra theo hình thức trực tuyến?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Trong 3 năm qua, chúng ta đã đóng góp vào nỗ lực tìm tiếng nói chung, xây dựng lòng tin, duy trì đà hợp tác, tạo thêm động lực mới cho diễn đàn, thể hiện trên 5 phương diện sau:

Thứ nhất, phát huy thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, chúng ta đã thúc đẩy các bên thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết quan trọng của APEC 2017, tạo cơ sở cho việc xây dựng và triển khai các kế hoạch hợp tác mới.

Thứ hai, Việt Nam là thành viên chủ chốt tham gia xây dựng Tầm nhìn APEC 2040 và đóng vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa tầm nhìn. Đây là tài liệu định hướng rất quan trọng, xác định các ưu tiên của APEC trong hai thập kỷ tới về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại-đầu tư và thúc đẩy vai trò tiên phong của APEC đối với những lĩnh vực mới trong thế kỷ 21.

Thứ ba, với vai trò Chủ tịch nhóm ASEAN trong APEC 2022, Việt Nam phối hợp với các thành viên ASEAN thúc đẩy đoàn kết, tiếng nói chung của ASEAN và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế khu vực.

Thứ tư, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khác biệt quan điểm giữa các thành viên ngày càng sâu sắc, Việt Nam đã cùng các thành viên chủ động tạo thêm kênh trao đổi để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm giải pháp trung hòa, giúp duy trì đồng thuận và cam kết đối với diễn đàn.

Thứ năm, chúng ta cũng đã chia sẻ kinh nghiệm đăng cai và phối hợp chặt chẽ với các nước chủ nhà APEC như Malaysia 2020, New Zealand 2021, Thái Lan 2022. Thiện chí và tinh thần hợp tác của Việt Nam được các thành viên coi trọng và đánh giá cao, đặc biệt trong bối cảnh các tiến trình hội nghị bị tác động lớn bởi đại dịch.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các thành viên APEC vượt qua các thách thức, cùng xây dựng Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

TRUNG ĐỖ (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/chuyen-tham-tao-dong-luc-moi-cho-quan-he-viet-nam-thai-lan-711153