Chuyển tên chủ sở hữu trước 'mũi' cơ quan THA (2)

Trong khi tài sản đang được giải quyết để thi hành án (THA) dân sự thì nó lại được mang đi thế chấp và sang tên đổi chủ một cách ngoạn mục…

Chuyển tên sở hữu trước “mũi” cơ quan THA

Một trường hợp khác cũng liên quan tới kiểu (THA) dân sự “kì quặc” khiến khổ chủ phải điêu đứng. Bà Phan Thị Tuyết Mai (SN 1965, ngụ ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) gửi đơn đến báo điện tử Người Đưa tin cầu cứu việc căn nhà của bà bị sang nhượng trong lúc đang chịu THA dân sự bởi bản án được tòa tuyên có hiệu lực.

Nội dung đơn bà Mai cho biết, bà có vay số tiền 500 triệu đồng của ông Hồ Thanh Túc (SN 1986, ngụ xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, Tây Ninh) thông qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Quốc Thái (ngụ Hòa Thành, Tây Ninh).

Để được vay tiền của ông Túc, ông Thái yêu cầu bà Mai phải làm hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất để làm tin. Do cần nguồn tiền để giải quyết chuyện riêng, bà không còn tài sản nào thế chấp ngoài căn nhà trên khu đất đang chịu THA dân sự của Chi cục THA huyện Hòa Thành. Theo quy định, tài sản nói trên bị phong tỏa theo quyết định của tòa để cơ quan THA giải quyết. Thế nhưng bên phía cho vay vẫn đồng ý cho bà cầm cố tài sản này.

Ngày 24/3/2013, bà Mai vay được tiền từ phía ông Túc. Theo đó, hằng tháng, bà Mai vẫn thực hiện nghĩa vụ đóng lãi thường xuyên, đồng thời cũng trách nhiệm thi hành bản án dân sự trước đó của mình. Sau một thời gian kinh tế trì trệ, bà không thể đóng lãi cho ông Túc thì bị ông này đâm đơn kiện ra tòa về việc đòi tài sản lúc này bà mới bất ngờ biết rằng căn nhà của mình đã sang tên đổi chủ cho ông Túc vào tháng 10/2013.

Theo bà Mai, trong quá trình bà chịu THA theo bản án của tòa, ngày 12/12/2011, của TNAD huyện Hòa Thành, điều này ông Túc đều biết. Trong quá trình bà chịu THA dân sự, ông Túc đã tới Chi cục THA dân sự huyện Hòa Thành đóng các khoản tiền THA để chính thức lấy đi quyền sở hữu sử dụng đất của bà.

Căn nhà của bà Mai trong quá trình đang thì hành án thì bị sang nhượng

Bà Mai khẳng định, giữa bà và ông Túc không hề có một văn bản, hay giấy ủy quyền nào để ông Túc đi đóng tiền THA thay. Trong mỗi lần đi đóng tiền, Chi cục THA dân sự huyện Hòa Thành ghi người đóng là bà Mai, nhưng dưới lại ký Hồ Thanh Túc? Bà Mai đã nhiều lần yêu cầu TAND huyện Hòa Thành và TAND tỉnh Tây Ninh xem xét lại hợp đồng của bà và ông Túc.

>> Những kiểu thi hành án dân sự "kỳ quặc" (1)

“Trong khi tôi đang chịu bản án THA dân sự và đóng tiền THA qua Chi cục THA dân sự huyện Hòa Thành thì ông Túc, dùng cách nào đó sang tên phần đất nhà của tôi rồi kiện tôi ra tòa. Tôi không hiểu vì sang phần đất đang trong lúc được phong tỏa để đảm bảo việc THA thì lại được cho sang nhượng quyền sử dụng đất và những bằng chứng tôi cung cấp tại tòa lại không được chấp nhận. Trong khi, Chi cục THA dân sự không hỏi tôi khi có người khác tới đóng tiền thay, tôi mới là người có trách nhiệm đóng tiền THA chứ không phải ông Túc”, bà Mai nói.

Bà Mai cũng cho biết rằng, sau khi tòa phúc thẩm tuyên bà phải thi hành bản án với ông Hồ Thanh Túc. Bà đã gửi đơn kháng nghị yêu cầu giám đốc thẩm và đơn xin hoãn thi hành án chờ xem xét giám đốc thẩm.

THA phải thuê thêm bảo vệ bên ngoài?

Ngoài trường hợp của ông Đưa (được báo điện tử Người Đưa tin phản ánh trong kỳ 1) và bà Mai ở vụ việc nói trên thì tại Long An cũng có một trường hợp khác gây xôn xao dư luận thời gian qua đó là việc quyết định cưỡng chế THA dân sự đối với công ty Dệt Long An (huyện Bến Lức, Long An).

Công ty này xảy ra tranh chấp với ngân hàng Techcombank về những hợp đồng vay nợ và bị phía ngân hàng kiện ra tòa. Phía Dệt Long An phải chịu thi hành bản án nên công ty này tiếp tục kháng nghị giám đốc thẩm lên tòa cấp cao.

Trong lúc chờ câu trả lời từ phía tòa cấp cao, thì Cục THA dân sự tỉnh Long An họp các ban ngành rồi ra quyết định cưỡng chế đối với công ty này. Hành động của phía THA đã vấp phải sự chống đối và trong ngày cưỡng chế đã có một số người bị đánh, chấp hành viên có hành động “up hiếp” người của công ty.

Hành động của chấp hành viên đối với người dân làm mất đi hình ảnh của cơ quan thi hành bản án pháp luật

Vụ việc khiến dư luận xôn xao, nên Cục THA dân sự tỉnh Long An đã tổ chức họp báo khẳng định vụ việc cưỡng chế là đúng quy trình và đã họp bàn nên mới cưỡng chế.

Sau khi cưỡng chế và kê biên, Cục THA dân sự Long An giao tài sản lại cho bên thứ 3 quản lý chờ đấu giá phát mãi tài sản. Cục này khẳng định tài sản cưỡng chế kê biên và không nằm trong kê biên được bảo quản cẩn thận và không để hư hao mất mát. Không một ai có thể vào công ty trên “ngay cả người của công ty”.

Thế nhưng chỉ ít ngày sau khi cưỡng chế THA dân sự phía Cục THA dân sự tỉnh Long An đã để xảy ra việc hàng chục người vào khu vực công ty Dệt Long An nơi đang bị niêm phong chờ THA cúng bái mà không hề hay biết.

Sau khi nhận phản ánh từ phía phóng viên, Cục này nói rằng sẽ truy tìm và làm rõ vấn đề trên và sẽ xử lý nghiêm những người sai phạm.

Nhưng sau hơn 1 tuần làm rõ, Cục này trả lời rằng nhóm người trên là người lạ, được bảo vệ (Công ty bảo vệ, bên thứ ba giao bảo vệ tài sản kê biên) cho vào trong để cúng bái vì yếu tố tâm linh, vì thấy người ta nài nỉ nên bảo vệ cho vào.

Cục THA dân sự Long an cũng nói rằng vụ việc chưa gây hậu quả nên không truy tìm, chỉ nói đây là một nhóm người lạ và sẽ xem xét kiểm điểm lại bên thứ ba…

Những vụ việc lùm xùm xoay quanh THA dân sự thời gian qua đang làm dấy lên hoài nghi trong dư luận. Liệu một cơ quan chấp pháp của nhà nước có những hành động vượt trên luật để “làm liều” và có chiều hướng “leo thang”. Thiết nghị Tổng Cục THA và Bộ Tư pháp phải xem xét và rà soát nhằm phòng tránh những vụ việc gây mất lòng tin trong nhân dân vì những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Phùng Sơn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-ten-chu-so-huu-truoc-mui-co-quan-tha-2-a257068.html