Chuyện ở Trung tâm 115

Xen lẫn trong tiếng bước chân vội vã cứu người của nhân viên y tế, tiếng trao đổi thông tin giữa bác sĩ với người bệnh… là tiếng reo, ngắt liên tục từ 2 chiếc điện thoại của Trung tâm Cấp cứu 115 đặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhận được cuộc gọi, chưa tới 2 phút, tiếng còi hú của xe cấp cứu 115 nhanh chóng đưa kíp trực của trung tâm tới hiện trường, tranh thủ từng giây, từng phút để giành giật lại sự sống cho người bệnh.

Một ngày ở Trung tâm 115

10 giờ 10 phút, ngày 20-2, tiếng chuông từ chiếc điện thoại của Trung tâm Cấp cứu 115 đổ liên hồi… "Alo, cấp cứu 115 xin nghe". Đầu dây bên kia có tiếng trả lời gấp gáp: "Có người bị đột quỵ, nhà ở đường Phạm Thị Bất, nhanh tới cứu giúp…". Ghi vội số điện thoại người gọi, kíp bác sĩ Nguyễn Công Minh Huy và y sĩ Trần Thái Học vội vã lên xe cứu thương. Chưa đầy 10 phút, xe cấp cứu Trung tâm 115 đã có mặt tại nhà bệnh nhân ở phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang. Bệnh nhân chừng 60 tuổi, đang lên cơn co giật liên tục, lơ mơ không nhận biết xung quanh. Ngay lập tức, y, bác sĩ nhanh chóng kiểm tra sinh hiệu của bệnh nhân, đo huyết áp, test nhanh máu, cho bệnh nhân thở oxy, truyền dịch, tiêm thuốc... rồi đưa bệnh nhân lên xe cứu thương về bệnh viện. Trong quá trình vận chuyển, y, bác sĩ vừa giám sát các chỉ số sinh tồn, vừa tranh thủ khai thác thông tin tiền sử bệnh từ người nhà…

Y sĩ Đường Thị Huyền Trang nghe và ghi chép các cuộc gọi cấp cứu.

Về tới Khoa Cấp cứu, bác sĩ Huy và y sĩ Học tiến hành các bước kiểm tra, cấp cứu tiếp theo. Đồng thời, chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các cận lâm sàng, chụp CT sọ não, gọi hội chẩn với bác sĩ các khoa liên quan để xác định bệnh và có phác đồ điều trị chính xác. Trong khi chờ đợi kết quả cận lâm sàng, bác sĩ Huy tiếp nhận, kiểm tra và cấp cứu các ca khác đang nằm tại Khoa Cấp cứu. Bên này, 2 thành viên của kíp trực Trung tâm Cấp cứu 115 còn lại là y sĩ Trương Văn Thuận và y sĩ Đường Thị Huyền Trang cũng không ngơi tay, ngơi chân, liên tục phụ giúp y, bác sĩ của Khoa Cấp cứu truyền dịch, băng bó vết thương, tiêm thuốc, lấy máu, ghi thông tin vào hồ sơ bệnh án của người bệnh, hướng dẫn người nhà bệnh nhân điền thông tin cần thiết… Tiếng chuông điện thoại cấp cứu 115 lại vang lên, và họ lại nhanh chóng lên đường...

Kíp trực kiểm tra túi cứu thương trên xe cấp cứu.

Gần 5 giờ có mặt tại Trung tâm Cấp cứu 115, câu chuyện của chúng tôi liên tục bị đứt quãng. Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Văn Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 giải thích: “Mô hình hoạt động Trung tâm Cấp cứu 115 của tỉnh Khánh Hòa khác với một số nơi. Hoạt động độc lập nhưng nguồn nhân lực giữa Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Cấp cứu 115 có sự hỗ trợ lẫn nhau trong chuyên môn. Sau khi thực hiện các ca cấp cứu ngoại viện, nhân lực của trung tâm tiếp tục hỗ trợ Khoa Cấp cứu điều trị các ca bệnh khác và ngược lại, khi trung tâm thiếu nhân lực, Khoa Cấp cứu cử người ra hiện trường thay. Mô hình này giúp đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm nhanh chóng nâng cao tay nghề, vừa giúp Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiết kiệm được nhân lực. Chính vì thế, khi vào kíp trực, đội ngũ y tế ở trung tâm rất ít có thời gian trống”.

Công việc lặng thầm

Ký y lệnh thực hiện một số lâm sàng cho bệnh nhân, bác sĩ Bảo kể, có hôm, vừa đưa một bệnh nhân đến bệnh viện, kíp trực cùng tài xế phải quay xe đi đón một ca bệnh khác cũng đang mấp mé lằn ranh sinh tử. Có ngày, ca trực 8 giờ, kíp trực thực hiện cấp cứu ngoại viện hơn 30 ca. “Nghề này, chúng tôi không sợ khó, sợ khổ, sợ nhất là khi cấp cứu mà đường đi lại khó khăn, bị kẹt xe. Chỉ chậm trễ vài phút có thể sẽ không cứu sống được bệnh nhân, hoặc bệnh nhân sẽ bị di chứng nặng, nhất là đối với những người bị đột quỵ, hoặc ngưng tim, ngưng thở đột ngột…”, bác sĩ Bảo chia sẻ.

Cấp cứu trường hợp rơi xuống vực núi.

Vào làm ở Trung tâm Cấp cứu 115 hơn 1 năm, bác sĩ Huy không nhớ mình đã cấp cứu kịp thời bao nhiêu trường hợp, chỉ nhớ các trường hợp khi y, bác sĩ tới nơi thì bệnh nhân đã ra đi vì bệnh trở nặng quá nhanh. “Có nhiều bệnh diễn biến quá nhanh, bất ngờ, bệnh nhân mới than khó thở, 15 phút sau khi nhận cuộc gọi, chúng tôi tới nơi thì bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở. Chúng tôi dùng đủ phương pháp để cấp cứu nhưng không cứu được. Những lúc như thế, tôi cảm thấy mình thật vô dụng và bất lực. Rồi tự dặn mình phải nỗ lực, nỗ lực hơn nữa”, bác sĩ Huy chia sẻ.

13 năm làm tại Trung tâm Cấp cứu 115, là người tham gia nhiều ca cấp cứu tai nạn giao thông, y sĩ Trần Thái Học vẫn luôn nhói lòng và sốc khi đối diện với những ca tử vong tại hiện trường, hay ngay trên tay mình do bị chấn thương quá nặng. “Chúng tôi phải thường xuyên động viên mình cố lên, bởi công việc sẽ còn gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Phải vững vàng tâm lý, tỉnh táo để nhanh chóng xử lý, kịp thời cứu sống nhiều nạn nhân nhất có thể. Cũng luôn nhắc mình đừng vì sợ, vì lo lắng mà chậm trễ, bỏ lỡ cơ hội cứu người...”. Bù lại những mất mát nêu trên, y sĩ Học cũng nhận được nhiều niềm vui khi những quyết định của mình tại hiện trường đã cứu sống nhiều người. Đó là trường hợp một bệnh nhân bị cây sắt đâm xuyên ngực do té từ trên cây xuống. Ngay khi tiếp nhận hiện trường, y sĩ Học kiên quyết không cho người dân rút cây sắt ra khỏi người nạn nhân mà yêu cầu họ tìm cách cưa cây sắt, còn mình vừa cấp cứu, vừa trò chuyện, động viên nạn nhân. “Tôi vừa cấp cứu vừa gọi báo ngay cho lãnh đạo. Nhận được thông tin, toàn bệnh viện phát lệnh báo động đỏ nên khi bệnh nhân được đưa về, đã được ê-kíp đưa đi mổ cấp cứu kịp thời cứu sống bệnh nhân. Hiện giờ, bệnh nhân đó đã đi làm lại bình thường”, y sĩ Học cười khoe.

Đưa bệnh nhân lên xe cấp cứu về bệnh viện.

Mỗi ngày, Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh nhận từ 100 đến 300 cuộc gọi cấp cứu. Bất kể trời nắng hay mưa, có cuộc gọi là kíp trực bật dậy, trong vòng 3 phút phải có mặt trên xe xuất phát; có những trường hợp họ mang theo túi cấp cứu, cáng thương trèo lên các triền dốc núi cứu bệnh nhân té vực ở khu Ba Làng; lội nước ngang ngực đưa bệnh nhân ra xe cấp cứu trong cơn bão năm 2017… Những nguy hiểm trùng trùng khi ra hiện trường giữa đêm khuya cấp cứu cho những người nghiện bị sốc heroin ở những khu vực hẻo lánh phường Vĩnh Phước; xe bị tôn cắt đứt 1 phần lốp khi đang chạy chở bệnh nhân vào bệnh viện trong cơn bão năm 2017; cường độ làm việc gấp 3 - 4 lần trong đợt dịch Covid-19… “Trong số các ca gọi, chiếm gần 80% cuộc gọi là phá rối. Không chỉ gọi phá, có trường hợp khi xe cấp cứu đến nơi, người gọi đang ngồi nhậu với nhóm bạn do thách nhau gọi cấp cứu …”, bác sĩ Bảo kể.

Chỉ ở cùng các y, bác sĩ trong 1 ca trực cấp cứu (8 giờ), chứng kiến áp lực công việc, những đôi bàn tay, chiếc áo trắng vương máu khi cấp cứu các ca tai nạn, những ánh mắt thẫn thờ, bất lực của y, bác sĩ khi không giành được sự sống cho bệnh nhân… đối với chúng tôi quá đỗi là thử thách, còn với y, bác sĩ ở trung tâm là bình thường như bao ca trực khác. Vậy nhưng, khi được hỏi, những thầy thuốc này không kể khó, kể khổ…, trong mắt các y, bác sĩ chỉ tràn niềm vui, sự xúc động khi mình tự tay cứu sống bệnh nhân. Đó là những cung bậc cảm xúc của những "thầy thuốc 115".

Bác sĩ chuyên khoa II LÊ TRẦN ANH THI - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết: Trung tâm được thành lập năm 2008. Hiện tại, nhân lực tại trung tâm có 29 người, trong đó có 15 nhân sự tham gia chuyên môn ra hiện trường gồm: 2 bác sĩ, 2 cử nhân và 11 y sĩ. Trung tâm thực hiện trực 3 ca/4 kíp. Một ca trực có 2 kíp, gồm 2 lái xe, 3 y sĩ và 1 bác sĩ. Khi nhận cuộc gọi, 1 kíp trực sẽ ra hiện trường, kíp còn lại trực nghe điện thoại, hướng dẫn người nhà các bước xử lý. Bình quân mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận cấp cứu từ 15 đến 30 ca. Ngoài thực hiện cấp cứu ngoại viện, nhân viên của trung tâm còn đảm nhận nhiệm vụ phục vụ các lễ hội, các giải thể thao… và hoạt động lớn, tập trung đông người của tỉnh. So với phần việc phải đảm nhận, nguồn nhân lực tại trung tâm còn thiếu. Hiện nay, trung tâm cần ít nhất thêm 2 bác sĩ, 2 y sĩ nữa mới đáp ứng cơ bản cho hoạt động, đảm bảo mỗi kíp trực có 1 bác sĩ, 2 y sĩ.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202402/chuyeno-trung-tam-115-7163be1/