Chuyện ở khu trọ công nhân

'An cư lạc nghiệp' luôn là khát vọng của mỗi người dân nói chung, công nhân, người lao đông nói riêng. Trong công cuộc mưu sinh, có ai không mong muốn có thể mua nhà, căn hộ đứng tên mình, từ những đồng tiền lao động tích góp. Dẫu vậy, câu chuyện mua nhà - sở hữu nhà ở xã hội của công nhân, người lao động nói chung, vẫn là điều không dễ.

Ở trong căn phòng trọ chật hẹp, chị Phạm Thị Lanh chia sẻ về cuộc sống công nhân và số tiền tiết kiệm hơn 3 triệu đồng mỗi tháng.

Trong số các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, KCN Hoàng Long là nơi tập trung số lượng công nhân (CN), người lao động (NLĐ) đông hơn cả. Theo thống kê, tại đây hiện có gần 30 nghìn CN, NLĐ đang làm việc cho các công ty, doanh nghiệp. Bên cạnh những CN, NLĐ là người địa phương, nhà gần công ty “sáng đi tối về” thì có một bộ phận CN do điều kiện nhà ở xa, họ phải thuê phòng ở các khu trọ quanh KCN Hoàng Long. Đời sống của CN, NLĐ ở trọ tại đây còn không ít nhọc nhằn.

19h30 một ngày cuối tháng 4, tôi có mặt tại KCN Hoàng Long theo lời hẹn dẫn đường của anh Vũ Trần Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa và anh Nguyễn Văn Tý, Chủ tịch Công đoàn Công ty THHH Giày RollSport Việt Nam - công ty có số lượng CN đông nhất tại KCN Hoàng Long (trên 17.000 người). Đi vào thời điểm đó nhằm “mục sở thị” đời sống của anh, chị em CN tại các khu nhà trọ.

Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là phòng trọ của hai chị em Phạm Thị Lanh (55 tuổi) và Phạm Thị Lịch (quê thôn Thành Sơn, xã Thành Long, huyện Thạch Thành). Chị Phạm Thị Lịch có “thâm niên” 9 năm làm CN tại KCN Hoàng Long, còn chị Lanh xuống đây được gần 2 năm.

Qua trò chuyện, được biết, trước đây chị Phạm Thị Lanh vốn ở quê làm nông, trồng rau màu, cây trái, chồng đi làm thợ xây. Dù làm lụng vất vả, bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng vợ chồng chị chẳng để dư được bao nhiêu. Và gần 2 năm trước, cuộc sống khó khăn, chị quyết định theo em gái xuống KCN Hoàng Long để đi làm CN.

Căn phòng trọ của vợ chồng anh Trịnh Văn Nam và chị Đoàn Thị Nga rộng chưa đầy 10m2.

“Nếu mỗi ngày tôi tăng ca đều 1 tiếng, cộng với các khoản phụ cấp xăng xe, ăn uống, nhà trọ thì lương - thu nhập của tôi được 6,2 triệu, còn nếu không tăng ca thì chỉ được 5 triệu. Tôi làm keo dán, công việc khá độc hại”, chị Lanh cho biết.

Trong căn phòng trọ chỉ rộng chừng hơn 8m2, lụp xụp và nóng bức, bếp gas nấu ăn cách giường nằm chỉ độ chưa đầy 1m, chị Lanh chia sẻ về việc chi tiêu số tiền lương - thu nhập 6,2 triệu đồng (nếu tăng ca đều) của mình: “Phòng trọ này hai chị em thuê hết 400 nghìn đồng/tháng, cộng với điện nước nữa là khoảng 500 nghìn đồng... Mỗi tháng, dù tiết kiệm từng đồng, nhưng trừ hết chi phí đi, cũng chỉ còn được 3 đến 3,5 triệu đồng đã là nhiều”.

Rồi chị Phạm Thị Lanh lại tâm tình: “Mang tiếng đi làm xa nhà mà mỗi tháng chắt bóp chi tiêu, để ra được có hơn 3 triệu đồng, trong khi đó mọi việc đồng áng, lợn gà ở nhà chồng tôi phải tranh thủ làm hết, kể cũng vất vả. Nhưng nếu tôi ở nhà, thì chỉ trông chờ vào đồng công thợ của chồng lại không đủ trang trải chi phí, rồi còn con cái học hành... Thôi thì, hai vợ chồng, mỗi người cố gắng một chút”.

So với căn phòng thấp lụp xụp của chị Phạm Thị Lanh thì căn phòng trọ của vợ chồng anh Trịnh Văn Nam, chị Đoàn Thị Nga (quê xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành) có phần tinh tươm hơn. Tuy diện tích phòng trọ cũng chưa đầy 10m2 song có thêm một gác xép để chứa đồ đạc. Trong những ngày nắng nóng, căn phòng trọ không điều hòa, không tủ lạnh, vật làm mát duy nhất chỉ có chiếc quạt đã cũ.

Vợ chồng anh Nam, chị Nga đã có “thâm niên” làm CN 16 năm. Trong đó, có 15 năm làm CN trong Bình Dương. Anh Trịnh Văn Nam, cho biết: “Trước đây tôi làm CN nhà máy gỗ công nghiệp trong Bình Dương, lương mỗi tháng được trên dưới 15 triệu. Nhưng đi lại vất vả, tốn kém, mỗi năm chỉ về quê được một lần, con cái phải phó mặc cho ông bà trông. Vì muốn về gần nên hai vợ chồng quyết định xin về làm CN trong KCN Hoàng Long. Lương mỗi tháng của tôi được 6,7 triệu đồng, vợ được 6 triệu, tính ra hai vợ chồng chưa đầy 13 triệu. Trong khi đó, con trai đầu đang học năm thứ 3 đại học, con gái thứ 2 thì học lớp 7, đang ở với ông bà nội ở quê, cuối mỗi tuần vợ chồng tôi lại tranh thủ đi xe máy về Thành Hưng thăm bố mẹ và con”.

Chị Đoàn Thị Nga - vợ anh Nam, chia sẻ: “Gần 13 triệu nghĩ là to, nhưng trừ chi phí sinh hoạt, ăn uống, rồi gửi tiền cho cháu lớn học đại học, cháu nhỏ học phổ thông, thêm đám hiếu, đám hỉ, thăm hỏi... gần như vợ chồng tôi không còn dư, có tháng thậm chí còn bị “âm”, phải đi vay... Nói ra có người không tin, nhưng đã có những ngày hai vợ chồng phải ăn mì tôm đợi lương vì hết tiền. Vậy nên cuối mỗi tuần về quê, lại tranh thủ hái thêm mớ rau, yến gạo chở xuống, bớt được đồng nào quý đồng đó, xem như mình tiết kiệm cho con có thêm tiền ăn học”.

Khi tôi hỏi, liệu anh chị có khi nào nghĩ sẽ mua nhà ở xã hội - căn hộ với điều kiện sống tốt hơn? Thì cả hai vợ chồng đều tỏ ra ngạc nhiên, cùng lúc lắc đầu. “Chỉ mong có sức khỏe đi làm nuôi con cái khôn lớn, học hành nên người và hy vọng duy trì đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, để sau này hết tuổi lao động, dù lương hưu không cao thì vẫn có một khoản để lo tuổi già. Chứ mua nhà ở, thực sự là quá sức, vợ chồng tôi không nghĩ đến”.

Lê Thị Trường (sinh năm 1995, quê xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) là người dân tộc Mường cũng có “thâm niên” làm CN 7 năm. Trong đó, thời gian làm việc tại KCN Hoàng Long được hơn 2 năm. Mỗi tháng, tính tổng các khoản phụ cấp, xăng xe, nhà trọ, tăng ca và tiền lương, Lê Thị Trường nhận về 6,5 - 7 triệu đồng. Lê Thị Trường cho biết: “Căn phòng trọ này em thuê 500 nghìn đồng/tháng. Cộng với chi phí sinh hoạt, ăn uống, tiền xe đi lại, mỗi tháng em cố gắng để dành được 4 triệu đồng. Một phần trong số đó gửi ông bà ở quê nuôi con gái. Với thu nhập hiện tại, em chưa từng nghĩ đến việc sẽ mua nhà, dù là nhà ở xã hội”.

Với số tiền lương hiện nay, Lê Thị Trường chưa từng nghĩ sẽ mua hay thuê nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Thư, chủ nhà trọ ở phố Phượng Đình 2, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa, cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi có 9 phòng trọ cho thuê với giá từ 350 đến 400 nghìn đồng/phòng/tháng. Hầu hết các căn phòng đều chỉ rộng khoảng 8 - 9m2, đã xuống cấp. Nếu muốn sửa sang phòng trọ cho tinh tươm hơn thì bắt buộc phải nâng giá cho thuê, mà với CN thì chỉ cần tăng thêm 100 nghìn đồng mỗi tháng, họ cũng phải tính toán. Cuộc sống CN sống xa nhà, vốn dĩ có nhiều thứ phải chi tiêu, trong đó nhà trọ chỉ là một phần. Chưa kể, các anh chị ấy đi làm cả ngày vất vả, tối về ăn cơm xong là đi ngủ, nên nhiều người cũng không đòi hỏi nhiều”.

Anh Nguyễn Văn Tý, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày RollSport Việt Nam, xác nhận: “Với CN làm việc tại công ty hiện nay, tùy từng vị trí, thời gian tăng ca, cộng với các khoản phụ cấp thì lương - thu nhập thực tế trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng”.

Gần 22 giờ, tôi rời những khu nhà trọ trong KCN Hoàng Long. Nhiều phòng trọ đã tắt đèn, những mảnh đời công nhân xa nhà cũng đã chìm sâu vào giấc ngủ, để sáng mai tỉnh dậy, bắt đầu ngày làm việc mới. Họ, vất vả làm việc mỗi ngày và với đồng lương kiếm được, cố gắng xoay xở cuộc sống trong những căn phòng trọ chật hẹp. Nhiều người trong số họ, chưa từng một lần nghĩ đến việc có thể mua được nhà ở xã hội...

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-o-khu-tro-cong-nhan-30937.htm