Chuyện những cựu chiến binh đi tìm hài cốt đồng đội: Mệnh lệnh từ trái tim

GiadinhNet - Khi bom đạn đã lùi dần vào quá khứ, lại ở vào tuổi hưu, nhưng những người lính ấy vẫn đau đáu ngày đêm với công cuộc tìm hài cốt đồng đội.

Vài năm trở lại đây, cả nước rộ lên phong trào tìm mộ liệt sỹ bằng con đường ngoại cảm. Nhưng, có một tổ chức đã đứng ra chứng minh đó là phương pháp "hết sức nguy hiểm". Họ là những người lính từng vào sinh ra tử nơi tuyến đầu. Khi bom đạn đã lùi dần vào quá khứ, lại ở vào tuổi hưu, nhưng những người lính ấy vẫn đau đáu ngày đêm với công cuộc tìm hài cốt đồng đội.

Đại tá Nguyễn Hùng Phong, Phó Chủ tịch Hội"Tìm hài cốt liệt sỹ bằng con đường ngoại cảm là thiếu căn cứ khoa học".

Lời hứa không quên

Phương pháp giám định ADN của hài cốt liệt sỹ, Hội sẽ hỗ trợ 60% kinh phí cho gia đình liệt sỹ, phần còn lại do Viện Công nghệ sinh học hỗ trợ. Gia đình liệt sỹ không phải trả tiền cho việc giám định.

Đại tá trần Phương Thâu lật từng trang giấy mà ông cẩn thận ghi chép lại kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho tôi xem. Ông cho biết, cho đến bây giờ, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam mà ông đang tham gia công tác đã nhận 173 mẫu thử ADN của các thân nhân liệt sỹ thì đã trả 138 kết quả, trong đó có đến 102 kết quả đúng.

"Có bao nhiêu trường hợp cho kết quả đúng từ phương pháp tìm kiếm bằng con đường ngoại cảm?", tôi hỏi Đại tá Thâu. Ông lắc đầu trả lời: "Ít lắm. Hàng trăm trường hợp thì mới đúng vài trường hợp. Nhưng đó cũng chỉ nhờ may mắn. Những trường hợp thử gene đúng thường do gia đình liệt sỹ tìm bằng phương pháp nhờ đồng đội còn sống kể lại rồi chắp nối thông tin. Rồi khi tìm thấy hài cốt, họ lấy mẫu về đây, chúng tôi sẽ làm thủ tục giám định".

Đại tá Thâu tâm sự: "Mỗi lần trả kết quả giám định, mọi niềm vui nỗi buồn của các gia đình đều gắn với niềm vui nỗi buồn của chúng tôi. Có những trường hợp, cả nhà kéo đến. Kết quả đúng, họ òa lên khóc hạnh phúc khi tìm được chắc chắn hài cốt người thân. Khóe mắt chúng tôi cũng rưng rưng cảm động và vui sướng. Tất nhiên có cả trường hợp thất vọng khi không đúng. Cảm giác không thể nói nên lời".

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng hàng ngày Đại tá Thâu vẫn sáng ra khỏi nhà rồi tối mịt mới về. Ông miệt mài với công việc hỗ trợ các gia đình liệt sỹ chưa tìm được hài cốt. Ở Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, các thành viên hầu hết đều ở cái tuổi như ông Phủng cả. Họ quên đi tuổi già, quên cả nghỉ ngơi để làm cái việc mà như ông Phủng đã nói: Đó là mệnh lệnh từ trái tim.

Ông Thâu cho biết đã tham gia chiến đấu ở Quân khu 4 từ năm 1966. Trải qua những trận đánh khốc liệt tại Bến Thủy, Linh Cảm, Vĩnh Linh, Đèo Ngang... năm 1972, ông vào Đông Nam Bộ chiến đấu, năm 1975 ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Tháng 10/1977, ông tham gia chiến tranh biên giới ở Tây Ninh. Cuối năm 1978, ông lại sang Campuchia chiến đấu.

"Trận nào cũng ác liệt. Trận nào cũng có đồng đội tôi hy sinh. Trong đó trận đánh ở Lương Hòa, Long An đã khiến 28 đồng đội tôi đã phải nằm lại. Bây giờ trong số đó, có người đã tìm được hài cốt, có người vẫn phải nằm lại đâu đó nơi chiến trường xưa. Chưa tìm được đồng đội, đó là cái nợ, cái tâm niệm tự hứa với lòng mình phải tiếp tục tìm kiếm", ông tâm sự.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam mới được thành lập cuối năm 2010 nhưng đã đem lại biết bao giọt nước mắt hạnh phúc cho 102 gia đình liệt sỹ, kêu gọi xây dựng hơn 40 ngôi nhà tình nghĩa và khoảng 200 sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn. Cho đến bây giờ, Hội vẫn chưa có trụ sở chính thức nhưng ông Phủng và các đồng đội vẫn vui vì những gì đã làm được.

Một trong nhiều kết quả sai khi tìm bằng con đường ngoại cảm.

Đại tá Trần Phương Thâu với danh sách dài các gia đình nhờ

Hội giúp đỡ.

Ngoại cảm nhưng phải giám định ADN

Về vấn đề tìm mộ liệt sỹ bằng con đường ngoại cảm, Đại tá Phạm văn Phủng, người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, mẫu giám định ADN từ các gia đình liệt sỹ nói đầy e ngại: "Đa số những gia đình tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng con đường ngoại cảm đều không nói với chúng tôi. Những trường hợp chúng tôi biết thì đáng buồn là xác suất chính xác rất thấp. Họa chăng chỉ một vài trường hợp. Cho nên chúng tôi thực sự e ngại trước những trường hợp nhờ nhà ngoại cảm chỉ mộ rồi vội vã đưa về quê an táng. Mới đây nhất, 6 trường hợp chúng tôi trả kết quả giám định sai đều là tìm hài cốt nhờ nhà ngoại cảm".

Năm qua, ở Nghệ An, Hà Nam nổi lên nhiều trung tâm tìm mộ liệt sỹ, đặc biệt ở Hà Nam có trung tâm của nhà ngoại cảm T. Trung tâm này còn mở ra cả một dịch vụ ăn nghỉ, xe đưa đón phục vụ công tác tìm mộ. "Các trường hợp nhờ nhà ngoại cảm T. tìm mộ sau đó đến chúng tôi làm thủ tục giám định ADN, thì chưa có trường hợp nào đúng. Đa số gia đình liệt sỹ đều còn nghèo. Nhờ đến nhà ngoại cảm phải đi cả nhà, tổ chức đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi, rồi lên đường tìm kiếm. Tốn kém hàng chục, thậm chí lên đến cả trăm triệu đồng. Bỏ tiền ra tìm người thân, họ đâu có tiếc. Họ đã nghèo lại càng nghèo hơn", ông Phủng cho hay.

"Tìm mộ bằng con đường ngoại cảm là một việc làm không có căn cứ khoa học và hết sức nguy hiểm. Những trường hợp đã nhờ nhà ngoại cảm chỉ hài cốt sau đó lấy mẫu giám định gene thì kết quả đa số là hỏng. Tất nhiên, chúng tôi không loại trừ một số trường hợp ngẫu nhiên. Chúng tôi biết tâm lý của các gia đình liệt sỹ khi tìm thấy hài cốt thì muốn đưa về ngay. Nhưng tốt nhất các gia đình hãy bình tĩnh, hãy làm thủ tục giám định ADN để tránh trường hợp bốc nhầm hài cốt", Đại tá Nguyễn Hùng Phong, Phó chủ tịch Hội nói.

Theo ông Phong, hiện nay còn khoảng 600.000 trường hợp liệt sỹ thất lạc danh tính, trong đó còn đến một nửa chưa quy tập về các nghĩa trang, vẫn nằm rải rác các chiến trường, con sông, con suối, cánh rừng nơi vốn là chiến trường khốc liệt thời chiến tranh. Để từng bước tìm lại danh tính cho đồng đội, ông Phong nói rằng sẽ xã hội hóa công tác tìm kiếm, kêu gọi toàn xã hội đồng hành. Nhưng tìm kiếm phải bằng phương pháp chắp nối thông tin, khoa học chứ không nên đi theo con đường ngoại cảm.

Lý giải về việc tìm mộ bằng ngoại cảm từ hiện tượng trở thành phong trào, ông Phủng cho rằng: "Đối với các gia đình liệt sỹ, bao nhiêu năm nay hài cốt người thân chưa tìm được, bỗng nghe tin có người có thể "chỉ đường", thế là họ như người có bệnh thì vái tứ phương vậy".

Hiện nay, Hội cũng đã liên hệ với các đơn vị quân đội trên cả nước, thu thập danh sách các liệt sỹ, lập cơ sở dữ liệu trên máy tính để hỗ trợ các gia đình liệt sỹ. Ông Phủng cũng chia sẽ nỗi đau của những gia đình chưa tìm được hoặc tìm chưa đúng hài cốt người thân của mình. "Còn sức chúng tôi còn sát cánh cùng các gia đình liệt sỹ", người cựu binh vừa chia tay tôi vừa nói ngắn ngọn nhưng đầy quyết tâm và tâm huyết.

Không chỉ là giám định ADN

Phương pháp tìm hài cốt liệt sỹ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam gồm có 6 bước: Một là, tiếp nhận giấy báo tử của liệt sỹ do gia đình liệt sỹ cung cấp.

Hai là, căn cứ vào giấy báo tử, Hội sẽ xác định được liệt sỹ đó đã thuộc biên chế đơn vị nào, chiến đấu ở vùng nào trước khi hy sinh.

Ba là, Hội sẽ thu thập các thông tin của các đồng đội, các cựu chiến binh cùng đơn vị với liệt sỹ về nơi chiến đấu và các thông tin cần thiết khác.

Bốn là, lá thư cuối cùng của liệt sỹ gửi về gia đình chính là một thông tin rất quan trọng. Lá thư đó có ghi mật mã của đơn vị mà liệt sỹ từng phục vụ.

Năm là, nếu các cựu chiến binh hay đồng đội cũ xác định có sơ đồ mộ chí thì điều kiện quy tập liệt sỹ sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nữa.

Sáu là, khi đã tìm được hài cốt được cho là của các liệt sỹ nhất định phải qua xét nghiệm ADN.

Nguyễn Thành

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20120612100852241p0c1000/chuyen-nhung-cuu-chien-binh-di-tim-hai-cot-dong-doi-menh-lenh-tu-trai-tim.htm