Chuyện những công nhân đón Tết xa quê

Tết là trở về quê nhà để sum vầy cùng gia đình nhưng với nhiều công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội thì họ lựa chọn ở lại Thủ đô đón Tết. Vì cuộc sống mưu sinh và bởi đi làm ngày Tết, họ được nhận khoản lương cao hơn nhiều lần ngày thường.

Vì cuộc sống mưu sinh

Rời quê lên Thủ đô làm việc, hầu hết các công nhân lao động đều nỗ lực phấn đấu rất nhiều để gia tăng thu nhập, vừa là trang trải cuộc sống thường ngày và có thêm khoản tiết kiệm gửi về phụ giúp gia đình.

Trong rộn ràng, háo hức của ngày Tết cận kề, cũng là khi các khoản chi tiêu tăng nhiều, song bù lại người lao động có nhiều cơ hội làm thêm, tăng thu nhập.

Công nhân lao động phấn khởi với cành đào, ngập tràn không khí Xuân

Anh Trần Khả Thư (quê Thanh Hóa) ra Hà Nội 15 năm, làm công nhân cho một công ty ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Mỗi năm tôi đều dành dụm tiền gửi về biếu bố mẹ ở quê. Năm nay do kinh tế khó khăn nên nguồn thu nhập chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt hàng ngày mà không tích lũy được là bao. Vì thế tôi quyết định sẽ ở lại Hà Nội cùng đồng nghiệp tăng ca, cố gắng tranh thủ làm thêm để có khoản tiền gửi về biếu bố mẹ sắm Tết. Năm ngoái tôi đã đón Tết ở quê rồi nên khi đưa ra quyết định ở lại Thủ đô, bố mẹ đều hiểu và động viên rất nhiều. Mong cả gia đình có sức khỏe, đón Tết nhiều niềm vui. Chúng tôi hẹn mùa Tết năm sau sẽ trở về đoàn tụ với gia đình”.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Như Trang (Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam) cũng quyết định sẽ ở lại Thủ đô đón Tết. Theo tâm sự của chị Trang, trong vài năm gần đây, dịch bệnh đã tác động rất lớn đến đời sống của gia đình nên kinh tế khó khăn lại càng thêm vất vả. Chồng chị thất nghiệp gần nửa năm do Công ty cắt giảm đơn hàng. Vì thế gia đình 4 người, các con đang tuổi ăn học, đều phải dựa vào nguồn thu nhập chính từ chị, tiết kiệm, xoay sở đủ bề mới chỉ đảm bảo cho sinh hoạt hàng ngày. Trong khi theo tính toán, nếu như cả nhà về quê Hà Tĩnh để đón Tết, chỉ riêng tiền vé xe cũng mất hơn 2 triệu đồng. Cùng với đó là nhiều nhiều các khoản chi tiêu khác mà ngày Tết thì không thể tính hết được.

“Mọi năm tầm này là háo hức, đếm từng ngày để trở về quê đón Tết bên người thân nhưng năm nay chúng tôi quyết định sẽ ở lại Hà Nội và đón "Tết online" cùng gia đình. Nguồn thu của 2 vợ chồng hụt đi nhiều, bây giờ tôi vẫn chưa dám nghĩ đến các khoản chi tiêu Tết. Trước mắt bản thân vẫn đang nỗ lực phấn đấu làm tăng ca để có thêm thu nhập. Chồng tôi cũng tìm những công việc làm thêm khác như chạy xe ôm, nhận làm đồ trang trí Tết… Cố gắng dành dụm được một khoản, để ra Giêng trở về quê thăm ông, bà trong đợt hội làng”, chị Trang tâm sự.

Công nhân lao động mua sắm tại "Quầy hàng Công đoàn"

Ở lại Thủ đô vì yêu "ngôi nhà thứ 2"

Bên cạnh những công nhân ở lại Thủ đô để tiết kiếm chi phí thì cũng có những công nhân sản xuất trong khu công nghiệp, họ chọn ở lại bởi tình yêu với “ngôi nhà thứ 2”. Anh Hoàng Văn Đức quê ở Bắc Giang, đã gắn bó gần 20 năm với Công ty trách nhiệm hữu hạn Toho Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) quyết định ở lại Hà Nội để cùng đồng nghiệp làm trong những ngày Tết.

“Gia đình tôi đều sống và làm việc ở Hà Nội, các con cũng học ở trên này. Mặc dù về quê cũng chỉ đi khoảng 3 tiếng nhưng trong đợt Tết năm nay, Công ty có nhiều đơn hàng cần phải hoàn thành để đảm bảo tiến độ nên tôi quyết định ở lại. Gần 20 năm gắn bó, Công ty luôn tạo điều kiện cho công nhân rất tốt, nên chúng tôi quyết định gắn bó với Công ty và ở lại ăn Tết cùng lao động sản xuất”, anh Đức tâm sự.

Trong khi đó, anh Phùng Văn Khiên (Công ty trách nhiệm hữu hạn SWCC Showa Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) cũng ở lại đi làm vào ngày Tết. Theo chia sẻ của anh Khiên, việc anh đi làm cũng đã khiến vợ và hai con “hơi” buồn bởi gia đình không được sum vầy ngày đầu năm, nhưng bù lại, đi làm ngày này, thu nhập của anh tăng đáng kể.

“Tại khu nhà ở công nhân Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) phần lớn anh chị em công nhân đều được nghỉ nhưng tôi lại đi làm. Tuy nhiên tôi cũng không buồn, bởi với thu nhập từ buổi đi làm ngày Tết, tôi sẽ trích ra một phần để mua thực phẩm tươi, cùng vợ con làm bữa tiệc nhỏ mừng năm mới vào buổi tối”, anh Khiên vui vẻ nói.

Đó cũng là tâm trạng chung của những công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Meiko (Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) khi đi làm ngày Tết. “Đi làm ngày đầu năm đem lại không khí phấn khởi, mọi việc hanh thông thì cả năm sẽ thuận lợi may mắn. Đặc biệt nhất là những ngày này tôi có thu nhập cao hơn nhiều lần so với ngày công bình thường”, chị Hoàng Thị Lan (quê Yên Bái) bộc bạch.

Nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết được các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức cho người lao động

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải, hàng ngày tại Công ty có trên 10.000 cán bộ, nhân viên cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vào dịp Tết, do còn đơn hàng nên lãnh đạo Công ty có bố trí một vài bộ phận đi làm, còn những người khác được nghỉ ngơi. Mặc dù phải đi làm nhưng những người lao động rất vui vẻ, phấn khởi.

“Thực tế hàng năm, không ít doanh nghiệp do đặc thù sản xuất kinh doanh vẫn yêu cầu người lao động làm việc vào ngày Tết. Để bù đắp lại, Điểm c Khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cho người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% tiền lương, chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương. Và như vậy, nếu làm thêm vào ngày Tết, người lao động sẽ được nhận tổng cộng 400% tiền lương (gồm: 300% tiền lương làm thêm ngày Tết và 100% tiền lương của ngày làm việc bình thường)”, ông Phan Thanh Hải phân tích và cho biết thêm, người lao động đi làm dịp Tết được ăn bữa trưa có mức giá cao gần bằng 2 lần ngày thường. Không khí lao động hăng say, mọi người đều phấn khởi, vui vẻ và nỗ lực hết sức để nâng cao năng suất lao động.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-nhung-cong-nhan-don-tet-xa-que-165874.html