Chuyện người 'hai sương một nắng' với... văn

Không hiếm nhà báo thích viết văn, cũng chẳng thiếu nhà văn muốn làm báo. Đã theo nghiệp bút nghiên hẳn có ai mà không muốn có được những tác phẩm để đời. Thế Đức cũng vậy, dù anh chỉ là một tay ngang trong làng văn và chẳng phải 'tay dọc' trong nghề cầm cọ.

Nhà văn, họa sĩ Thế Đức gửi tặng tác giả cuốn tiểu thuyết Trăng lên. (Ảnh: Bích Ngọc)

Tôi đến thăm nhà văn - họa sĩ Thế Đức vào một buổi chiều mùa Hạ thực sự oi ả. Những trận mưa lớn sau cơn bão số 1 qua nhanh, để Hà Nội lại oằn mình chịu đựng những ngày nắng nóng gay gắt.

Trong căn hộ nhỏ mát rượi bởi máy điều hòa nhiệt độ và bên ấm trà nhài thơm dịu, tôi và Thế Đức đã có cuộc trò chuyện thực sự cởi mở về con đường trải đầy… gai hoa hồng mà anh chọn để tìm kiếm tác phẩm để đời của mình trong nghiệp văn chương.

Gian nan con đường nghệ thuật

Thế Đức là nhà văn từng sống và làm việc ở nước ngoài khá nhiều năm. Anh đã có một số bài viết mang đậm sắc màu văn hóa ở nơi xứ người, đăng trên báo Văn nghệ và Văn nghệ Công an. Anh không ngán “cày xới” trên những mảnh đất văn chương mà nhiều người lảng tránh vì suy nghĩ “khó” vượt qua những cái bóng quá lớn. Anh quan niệm, “nhà văn, họa sĩ, cũng giống như người làm vườn, phải một nắng hai sương và luôn sáng tạo đổi mới trong lao động sản xuất thì mới hy vọng có được những mùa hoa thơm, trái ngọt để dâng hiến cho đời!”.

Thế Đức biết vẽ từ khi còn chưa biết chữ, biết làm thơ từ lúc mới học cấp hai, nhưng cũng chỉ là bột phát theo ý thích kiểu trẻ con. Thời kỳ ấy, đất nước đang chiến tranh, còn chìm trong nghèo đói. Miền quê nay là ngoại thành Hà Nội của anh cũng vậy, cơm chẳng có ăn, áo vá tới dăm bảy miếng, ai hơi đâu để ý tới việc một thằng nhóc suốt ngày cầm gạch, cầm phấn, (cũng thỉnh thoảng được ai đó cho cây bút chì đen hoặc hai màu xanh đỏ) nguệch ngoạc vẽ ra sân, lên tường...

Sau này, trải qua biết bao thăng trầm của đời sống, ở lĩnh vực công tác nào, kể cả thời gian phục vụ quân đội, anh đều được giao làm công tác có liên quan đến văn hóa tuyên truyền nhờ năng khiếu vẽ và viết của mình. Tới năm 1999, khi gia đình gặp biến cố rất lớn, Thế Đức đã quyết định từ bỏ tất cả để theo đuổi nghệ thuật.

Đến với hội họa, Thế Đức theo học môn hình họa của thầy Phạm Viết Song, một người thầy khá nổi tiếng trong giới Mỹ thuật Việt Nam. Thầy Phạm Viết Song từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương (1935-1939).

Gần 60 năm, ông có tiếng là một nhà sư phạm hội họa, liên tục mở các lớp dạy vẽ cho mọi lứa tuổi và mọi trình độ. Gia tài ông để lại là những bức tranh, những bài giảng về hội họa, cuốn sách “Tự học vẽ” do ông biên soạn rất công phu và kỹ lưỡng. Và, hơn cả là một tấm gương về niềm say mê cống hiến nghệ thuật. Thế Đức đã học được từ thầy Song sự tận tụy này và anh nuôi tiếp cả giấc mơ văn chương khi tham gia lớp học ở Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa I.

Khác với nhiều người, cảm nhận về cuộc sống xa quê hương của Thế Đức hoàn toàn khác hẳn. Khi được hỏi: “Anh có tiếc nuối điều gì khi trở về Việt Nam không?” Anh thẳng thắn: “Tôi có thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài khá dài. Nhưng quãng thời gian ấy chẳng có gì đáng nói ngoài việc lao đầu vào kiếm tiền”.

“Thứ hằn sâu nhất trong ký ức lại là nỗi đau của một kẻ tha hương cầu thực. Tôi luôn đặt câu hỏi để rồi tự trả lời và nỗi đau cứ thế nhân lên. Chính vì thế, việc trở về quê hương, rồi trở thành một nhà văn, họa sĩ, công dân trên chính đất nước, quê hương mình với tôi là sự chữa lành nỗi đau ấy”, anh nói.

Tiểu thuyết Trăng lên. (TGCC).

“Trăng lên” còn lên

Cảm nhận của tôi cũng như nhiều bạn bè trong giới thì Thế Đức là một người lãng tử ngoài đời nhưng trong văn chương lại là cây bút viết văn theo cách “trằn trọc” và “khổ hạnh”.

Cái “khổ hạnh” của Thế Đức mà tôi cảm nhận được chính là dám dấn thân vào viết về một đề tài thuộc hàng kinh điển của văn học nước nhà: Chiến tranh và Người lính. Nhiều người đặt câu hỏi, anh sẽ khai thác gì ở một mảnh đất đã nhiều người cày xới, trước mặt đã có nhiều bóng đại thụ?

Thế nhưng nhà văn Thế Đức vẫn tìm ra cách riêng để tăng gia, sản xuất trên mảnh đất khô cằn ấy bằng sự sáng tạo, khổ hạnh, vất vả của riêng mình để đạt đến một vụ mùa bội thu. Đó chính là tiểu thuyết Trăng lên do Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam cùng NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Một cuốn tiểu thuyết 500 trang, kể về câu chuyện diễn ra trong ngót một phần tư thế kỷ, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến sau Tết Mậu Thân năm 1968. Tuy lần đầu làm quen với tiểu thuyết, nhưng nhờ vốn sống và bút lực mạnh mẽ nên Thế Đức đã thành công. Đó là thành quả của sự lao động “khổ hạnh”.

Thoăn thoắt bày các loại trái cây vừa hái ở quê lên mời tôi, giọng anh trở nên rất trầm mặc khi nhắc đến tác phẩm của mình: “Trong kháng chiến chống Pháp, quê tôi là làng kháng chiến, nhất định không chịu gia nhập tề. Đã rất nhiều lần Pháp cho quân về càn nhưng đều bị du kích đánh cho tơi bời. Chiến công đầy ắp cả một trời. Tôi là một nhà văn mà không làm được một việc gì để ghi lại những chiến công của quê hương mình thì thật là có tội. Chính vì thế, tôi đã quyết định viết tiểu thuyết Trăng lên”.

Trăng lên có tới gần 50 nhân vật, mỗi nhân vật mang một sắc thái riêng. Thế Đức đặc biệt yêu thích các nhân vật như ông nội, bà nội, cha tôi, mẹ tôi và Đặng Vũ… Theo các nhà phê bình văn học thì Trăng lên là một tác phẩm mang đầy tính nhân văn và rất người! Các nhân vật kể trên là những nhân vật điển hình của những đặc tính ấy.

Một trong những minh chứng rất cụ thể là đoạn viết mô tả về nhân vật ông nội. Sau khi miền Bắc được hòa bình không lâu, ông nội đã ngồi nói chuyện với ông Tuệ trên bờ sông Nhuệ về việc chính ông đã giết chết viên sĩ quan, đồn trưởng đóng ở làng Vân Nhuệ: “Mà kể cũng tội, chiến tranh, mình không giết nó thì nó cũng giết mình. Chứ tay đồn trưởng ấy cũng là con người, có cha mẹ, vợ con. Chắc bây giờ, cha mẹ vợ con anh ta đau khổ lắm. Cứ suy từ bụng mình ra cũng đủ biết. Về sau này, nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy thương cho số phận của anh ta.

Như chúng ta đều biết, cả ông nội và ông Tuệ đều là hai nhân vật chính diện, theo phe kháng chiến. Như thế, rõ ràng Thế Đức đã vượt ra khỏi cái vòng kiêm tỏa của ý thức hệ. Đã là ta thì nhất định “phải” tốt. Đã là địch thì nhất định “phải” xấu, và đời đời kiếp kiếp “phải” căm thù địch đến tận xương tủy, không bao giờ được thể hiện lòng thương kẻ thù như vậy!!!

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng từng bày tỏ mong muốn Thế Đức sẽ viết tiếp tập hai của Trăng lên khi bình về tác phẩm này.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, Thế Đức cho biết “Hiện tại tôi đang viết một tiểu thuyết dự kiến lấy tên: Chuyện tình thời hậu chiến”. Nhưng song song với viết văn, tôi vẫn dành thời gian cho hội họa. Tôi đang tập trung khai thác mảng tranh phong cảnh và chân dung. Văn và họa đi song song với nhau, bổ sung cho nhau thành một sắc màu rất đặc trưng”.

Chia tay nhà văn đa tài Thế Đức lúc trăng vừa lên. Tôi rời căn chung cư nhỏ bé của anh ở khu đô thị Định Công khi mảnh trăng đầu tháng mới chỉ như chiếc sừng non nhú trên nền trời. Nếu có đủ thời gian thì trăng sẽ tròn và ánh trăng sẽ tiếp tục tỏa sáng, tô điểm thêm vẻ đẹp cho những phố phường. Chính lúc này, ánh trăng cũng đang tỏa ánh lấp lánh trên dòng sông nhỏ ven lối tôi về.

Năm 1999, Thế Đức vừa vẽ vừa sáng tác khá nhiều thơ, có thể tới hàng trăm bài thơ và tập thơ Hoa Rừng được xuất bản, là tập hợp những bài thơ hay nhất của anh.

Năm 2006, Thế Đức chuyển hẳn sang viết văn xuôi. Anh viết liền một mạch từ cuối năm 2006 đến 2014 ra được ba tập truyện ngắn và vừa. Đó là Lời nguyền thiêng, Ngưỡng đờiBão đỏ. Trong đó, tập truyện Lời nguyền thiêng là một trong bốn tác phẩm đã đậu ở vòng chung khảo của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009. (Năm 2009 không có giải thưởng).

Năm 2014, Thế Đức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 2022, Thế Đức cho ra đời tiểu thuyết Trăng lên. Đây là một trong năm tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo giải thưởng năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-nguoi-hai-suong-mot-nang-voi-van-237101.html