Chuyện nghiên cứu giống của các 'nhà khoa học chè'

PTĐT - Những 'nhà khoa học chè' – họ là những người làm công tác nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè (thuộc Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc – Viện NOMAFSI) ở xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ có nhiều câu chuyện thú vị trong quá trình nghiên cứu sáng tạo các giống chè mới. Đằng sau sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất và chế biến chè đã có những cống hiến không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ nhà khoa học nơi đây.

PTĐT - Những “nhà khoa học chè” – họ là những người làm công tác nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè (thuộc Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc – Viện NOMAFSI ở xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ) có nhiều câu chuyện thú vị trong quá trình nghiên cứu sáng tạo các giống chè mới. Đằng sau sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất và chế biến chè đã ghi dấu những cống hiến không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ nhà khoa học nơi đây.

PGS. TS Nguyễn Văn Toàn nguyên là Viện trưởng Viện NOMAFSI - là “pho sử” về lịch sử phát triển của cây chè nói chung và các giống chè nói riêng. Sau khi gắn bó gần 40 năm với Viện, về hưu PGS Toàn trở thành nghiên cứu viên cao cấp về cây chè.

Phú Thọ xưa kia là vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng cho những đặc tính thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho cây chè phát triển. Ngay từ cuối những năm 1880, người Pháp đã khảo sát và sản xuất chè ở Phú Thọ. Những đồn điền trồng chè đầu tiên của cả nước cũng xuất hiện ngay sau đó tại khu vực vùng giữa sông Đà và sông Hồng thuộc địa phận xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê ngày nay.

Chính những dấu mốc quan trọng đó đã tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến chè tại Đào Giã (huyện Thanh Ba), Hương Xạ (huyện Hạ Hòa)... Chè Phú Thọ lúc đó được sản xuất xuất khẩu sang châu Âu và các nước trên thế giới. Cây chè vì thế trở thành biểu tượng văn hóa, gắn bó chặt chẽ với đời sống của nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Nhớ lại thời kì đó, PGS Toàn kể lại: Phú Thọ là “chiếc nôi” của chè, là vùng đất đầu tiên xuất khẩu chè, mà chủ yếu là chè đen. Trước những năm 1975, sản xuất chè của Phú Thọ cũng như cả nước tập trung vào mục tiêu chủ yếu là nâng cao năng suất, tăng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chè đen.

Sau năm 1975, hoàn cảnh thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng có nhiều biến đổi, thị trường xuất khẩu của chè Việt Nam gặp nhiều cạnh tranh, đặt ra yêu cầu phải thay đổi sản phẩm, hướng đến nâng cao chất lượng chè, đặc biệt là chè xanh.

Chính những thay đổi này đã thôi thúc đội ngũ nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè tìm tòi, sáng tạo ra các giống chè xanh mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, cho chất lượng và năng suất cao hơn các giống chè bản địa cũ.

Các nhà nghiên cứu, chọn, tạo giống chè lúc bấy giờ như Đỗ Văn Ngọc, Nguyễn Hữu La, Đặng Văn Thư… cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu, tuyển chọn các giống chè nhập nội có chất lượng tốt, có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết ở Việt Nam và sử dụng nguồn gen quý từ các giống này để lai tại ra các giống chè mới có chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện địa phương.

Đây chính là bước chuyển quan trọng đối với lịch sử phát triển cây chè. Chính sự ra đời của các giống mới sau này đã thay đổi bộ mặt nền công nghiệp sản xuất và chế biến, xuất khẩu chè Việt Nam.

Sau hàng chục năm nghiên cứu, nhiều giống chè mới được chọn, tạo tại Viện như TRI 5.0, PH8, PH9, VN15… đã được được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và được nhân giống rộng rãi. Hiện nay, có tới khoảng 70% diện tích chè trên cả nước là các giống mới được chọn, tạo chính từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè của Viện NOMAFSI.

“Mẹ đẻ” của nhiều giống chè mới, bao gồm cả PH8, PH9, Hương Bắc Sơn… và VN15, TS Nguyễn Thị Minh Phương – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện NOMAFSI chia sẻ: Làm công tác nghiên cứu, chọn tạo giống chè cần có đam mê và lòng kiên trì, quyết tâm.

Để nghiên cứu được một giống chè mới, trồng khảo nghiệm, xem xét thực tế về khả năng sinh trưởng và đặc điểm thích ứng… có hàng trăm bước phải được thực hiện chính xác, hàng ngàn dữ liệu phải được ghi chép, lưu giữ, đối chiếu cụ thể. Không chỉ sáng tạo giống mới, nhiệm vụ của các nhà khoa học còn phải tìm được cách thức gieo trồng đảm bảo kĩ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Vì vậy, mỗi giống chè mới “ra đời” là thành quả sáng tạo, lao động bền bỉ kéo dài hàng chục năm của một tập thể.

Từ những năm 1998, các nhà nghiên cứu của Viện đã tiến hành lai hữu tính giữa giống chè TRI777 với giống chè Kim Tuyên, những năm sau đó, nhóm nghiên cứu đã chọn tạo được hai giống chè mới PH8, PH9. Hai giống chè này được trồng các vùng sản xuất thử đều sinh trưởng khỏe, khả năng chống chịu điều kiện bất thuận tốt.

Tại Phú Thọ, giống chè PH8, PH9 sinh trưởng khỏe, có tỷ lệ sống cao, ở tuổi 8 vẫn đạt 98 - 100 %. Kết quả chọn tạo thành công 2 giống chè PH8, PH9 đã đóng góp vào bộ giống chè của Việt Nam khi ấy 2 giống chè mới, góp phần tăng tỷ trọng các giống chè mới của Việt Nam lên trên 52% tổng diện tích chè cả nước, năng suất bình quân năm 2012 đạt 7,3 tấn/ha, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2000.

Từ năm 2001 tới năm 2015, bằng phương pháp lai hữu tính, các nhà nghiên cứu đã chọn ra giống chè VN15 từ giống mẹ Saemodori của Nhật lai với giống bố Shan Cù Dề Phùng (biến chủng chè Shan tỉnh Hà Giang) để cho ra đời giống chè mới tổng hợp được những đặc tính tốt của cả bố và mẹ về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu đặc biệt…

Suốt những năm tháng miệt mài làm việc, các “nhà khoa học chè” hay ví von mình là những nhà khoa học nông dân bởi công việc nghiên cứu gắn bó chặt chẽ với cây cối, đất đai, với cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của người nông dân…

PGS. TS Trịnh Văn Loan – một trong những “cánh chim đầu đàn” về công nghệ sinh hóa chè, đánh giá chất lượng giống chè của Viện NOMAFSI cho biết thổ nhưỡng của Phú Thọ vốn thích hợp để trồng các giống chè đen. Hiện nay, gần 70% diện tích chè được trồng trên toàn tỉnh là chè đen.

Để bắt kịp xu thế phát triển của thị trường, Phú Thọ cần nâng cao tỉ trọng diện trích chè xanh, chọn trồng các giống chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Đây là yếu tố tiên quyết góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu chè xanh Phú Thọ trong tương lai.

Dẫu rằng công tác nghiên cứu khoa học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các “nhà khoa học chè” vẫn luôn giữ trong mình tình yêu và niềm đam mê với nghề, coi đó là tôn chỉ, mục đích để phấn đấu. Thành quả khoa học là cuộc sống của người trồng chè ngày thêm sung túc chính là “trái ngọt” để các “nhà khoa học chè” tiếp tục gắn bó và cống hiến.

Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202103/chuyen-nghien-cuu-giong-cua-cac-nha-khoa-hoc-che-175798